Ảnh minh họa |
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Nghị định về tinh giản biên chế, theo đó sẽ có khoảng 100 ngàn công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách nhà nước sẽ bị tinh giản.
Đây là việc làm rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay khi mà tổ chức bộ máy và biên chế của hệ thống các cơ quan nhà nước đang ngày càng phình to như hiện nay. Tuy nhiên, việc tinh giản như thế nào, đối tượng tinh giản ra sao, ai phải được tinh giản... cần có nghiên cứu hết sức thận trọng, chặt chẽ, khoa học nhằm hạn chế tối đa tình trạng tiêu cực, mất dân chủ...
Dưới gốc độ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến việc bất cập trong việc tổ chức về biên chế, tổ chức bộ máy hiện nay- đó là thực tế khá phổ biến hiện nay một số cơ quan, tổ chức khối lượng công việc ít hoặc do đã bị điều chuyển chức năng, nhiệm vụ nhưng vẫn có nhiều biên chế.
Chính điều này là nguyên nhân làm cho bộ máy hành chính phình to, vì các cơ quan, tổ chức mới tiếp nhận thêm nhiệm vụ mới sẽ phải xin tăng thêm biên chế để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Do đó, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là cần thực hiện việc tinh giản biên chế ở những cơ quan, tổ chức có khối lượng công việc ít hoặc điều chuyển biên chế sang cơ quan, tổ chức có khối lượng công việc nhiều hơn để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Một số nước thực hiện rất nghiêm nguyên tắc tổ chức bộ máy là phải cân bằng, có nghĩa là nếu một cơ quan, tổ chức mới được lập ra thì lập tức một cơ quan, đơn vị khác bị giải thể, với số lượng biên chế, quy mô tổ chức tương ứng. Trường hợp có sự điều chuyển chức năng, nhiệm vụ thì sẽ điều chuyển biên chế, tổ chức.
Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy ở nước ta còn quá cứng nhắc, rập khuôn mà không căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị, vùng miền để bố trí biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hợp lý. Điển hình cho sự bất cập trên là hệ thống tổ chức của các cơ quan tư pháp. Theo quy định thì hệ thống cơ quan tư pháp gồm công an, tòa án, viện kiểm sát, thi hành án dân sự được thành lập đến cấp huyện và giữa các đơn vị cấp huyện tương đương nhau về cơ cấu tổ chức, biên chế, kinh phí...
Đơn cử như cơ quan thi hành án dân sự ở một số huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa rất ít việc, thậm chí có nơi một năm chỉ thi hành được khoảng 5 đến 10 vụ việc, với số tiền thu được vài chục triệu đồng nhưng cũng đầy đủ cơ cấu tổ chức với 3 lãnh đạo và 3 đến 7 công chức, người lao động. Tương tự các cơ quan khác như viện kiểm sát, tòa án ở các huyện này do không có việc làm nên cũng chỉ... nghiên cứu nghiệp vụ là chính!
Hay như một số cơ quan, tổ chức theo sự phát triển của xã hội không còn chức năng, nhiệm vụ hoặc đã chuyển cho các cơ quan khác nhưng vẫn cố níu kéo giữ nguyên tổ chức, biên chế như các lĩnh vực quản lý về kế hoạch, đầu tư, xây dựng cơ bản, giao thông, công thương...
Mặt khác, từ trước đến này chúng ta chỉ chủ yếu thực hiện việc tinh giản biên chế ở khu vực hành chính mà chưa thực hiện nhiều ở các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, các đoàn thể, nhất là các hội, đoàn thể được công nhận là các hội đặc thù sử dụng biên chế, ngân sách nhà nước là chưa bất hợp lý gây ra gánh nặng cho ngân sách.
Thiết nghĩ, trước khi thực hiện tinh giản biên chế cần tiến hành khảo sát lại toàn bộ cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm, đặc biệt là kết quả công tác của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống các cơ quan nhà nước. Theo đó, tiến hành tinh giản ở những đơn vị có khối lượng công việc ít; tiếp đó tinh giản ở những cơ quan, tổ chức mà chức năng, nhiệm vụ đã bị xã hội hóa hoặc không còn vai trò theo sự phát triển của xã hội.
Như vậy, vừa đảm bảo tinh giản được bộ máy, biên chế đang quá phình to, vừa đảm bảo bộ máy hành chính hoạt động bình thường, phục vụ tốt công dân, tổ chức. Thực hiện tốt việc điều chuyển biên chế, tổ chức sẽ vừa tinh giản biên chế, bộ máy nhưng vẫn có thể tiếp tục tiếp nhận được sinh viên, người tài mới ra trường vào các cơ quan nhà nước nhằm giải quyết công ăn việc làm, nhu cầu xã hội và hạn chế bất cập, tiêu cực khi thực hiện công tác này./.