Liên quan đến vụ cháy ngày 2/1 tại khu “nhà ổ chuột” gần nhà khách La Thành (Ba Đình, Hà Nội) khiến một nữ sinh tử vong, 2 người bị thương và nhiều tài sản bị thiêu rụi. Sau 6 tiếng phong tỏa hiện trường lực lượng chức năng mới phát được thi thể nạn nhân - Trần Thị Huệ, sinh viên năm 3 trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Có nhiều ý kiến cho rằng việc chậm chễ trong khâu tìm kiếm xác nạn nhân là trách nhiệm của lực lượng PCCC Đống Đa. Phóng viên Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với Thượng tá Trần Quang Cường, trưởng phòng Cảnh sát PCCC Đống Đa (Hà Nội) về nguyên nhân dẫn tới sự việc trên.
Chỉ mất gần 30 phút, ngọn lửa bao trùm ngôi nhà tạm đã được khống chế hoàn toàn. |
Nỗ lực dập lửa, cứu người
Khoảng 9h10’, phòng Cảnh sát PCCC Đống Đa đã nhận được tin báo về vụ cháy tại “khu ổ chuột”. 4 xe cứu hỏa cùng 2 xe tiếp nước đã ngay lập tức có mặt tại hiện trường để chữa cháy. Phối hợp với lực lượng PCCC còn có công an phường Liễu Gia, bảo vệ nhà khách La Thành và nhiều người dân quanh khu vực.
Hiện trường vụ hỏa hoạn là ngôi nhà tạm có khung bằng sắt và tường bằng gạch… Tầng 1 của ngôi nhà tạm là một xưởng cơ khí. Tầng 2 được ngăn thành các phòng nhỏ cho người lao động và sinh viên thuê . Ngôi nhà nằm trong diện giải phóng mặt bằng để xây dựng cống hóa của Thủ đô.
Theo Thượng tá Trần Quang Cường, trưởng phòng Cảnh sát PCCC Đống Đa cho biết: “Quá trình chữa cháy không gặp quá nhiều khó khăn. Dù ngọn lửa bùng lên khá lớn nhưng được sự giúp đỡ và cộng tác của các lực lượng chức năng sau gần 30 phút, vụ hỏa hoạn được khống chế hoàn toàn.”
Thông tin còn người trong nhà cháy hay không cũng không được rõ ràng và hiện trường vụ hỏa hoạn phức tạp cũng đã phần nào dẫn tới chủ quan của đội PCCC Đống Đa trong việc tìm kiếm xác nạn nhân. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trường hợp hi hữu không ai muốn xảy ra. “Nếu biết được chính xác có người còn trong đó thì dù có nguy hiểm vất vả tới đâu chúng tôi (lực lượng PCCC – pv) cũng phải tìm cho được” – Thượng tá Trần Quang Cường khẳng định.
Sau khi dập tắt được lửa, hiện trường vẫn còn rất nguy hiểm và cần được phong tỏa để đảm bảo an toàn. |
Bảo vệ hiện trường là việc làm đúng pháp luật
Dù đã khống chế hoàn toàn được ngọn lửa của vụ hỏa hoạn nhưng khu vực này vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Nhiệt độ trong nhà còn rất cao, đống sắt vụn ngổn ngang và vật dụng từ tầng trên có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Việc bảo vệ hiện trường là theo quy định của pháp luật. “Việc ngăn không cho người nhà vào hiện trường vụ cháy là điều chúng tôi phải làm và bảo vệ hiện trường là việc làm đương nhiên” – Thượng tá Trần Quang Cường nói.
Cũng theo Thượng tá Trần Quang Cường cho biết: Trường hợp đáng tiếc xảy ra trong vụ hỏa hoạn ngày 2/1 vừa qua là một trường hợp đặc biệt và đội PCCC Đống Đa chưa bao giờ gặp phải trước đó.