Phần mềm điều khiển robot của Khang vinh dự được chọn là một trong những sản phẩm công nghệ đặc sắc của học sinh Đà Nẵng
tham dự triễn lãm tại sự kiện “đổi mới sáng tạo” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua.
Đam mê công nghệ
Từ ngày còn nhỏ, cậu bé Phùng Biện Duy Khang (lớp 6/1 Trường trung học cơ sở Đức Trí, Đà Nẵng) đã có niềm đam mê mãnh liệt với máy tính.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia Julie Bishop (áo đỏ) bắt tay và nghe Khang giới thiệu về robot tự nâng. Ảnh: TT |
Em đã tự mày mò, tìm hiểu và khám phá cho mình nhiều điều mới mẻ trên “thế giới phẳng”.
“Lên lớp 5, em bắt đầu tiếp xúc với các phần mềm và cách lập trình cho robot.
Khó khăn nhất trong khâu này phải mình phải ước lượng được các thông số để robot hoạt động.
Những tính toán trên các thông số này không phải lúc nào cũng đúng mà có khi phải điều chỉnh hàng chục lần”, Khang nói.
Chia sẻ về quá trình viết phần mềm cho robot này, Khang nói: “Từ năm 2016, em đã bắt đầu viết phần mềm để lập trình hoạt động cho con robot này.
Ban đầu, em cũng không biết lập trình như thế nào? Rồi viết phần mềm ra sao để nó có thể thực hiện các yêu cầu của mình?”.
Mang những thắc mắc, khó hiểu ấy đến gặp thầy Nguyễn Văn Đức – giáo viên phụ trách Robotics và khoa học máy tính của nhà trường, Khang đã có lời giải cho bài toán hóc búa của mình.
“Phần mềm này ban đầu thì rất khó nhưng dần dần làm quen thì cũng dễ dàng hơn. Em dùng phần mềm LeGo để điều khiển robot”.
Hai thầy trò đã cùng nhau lắp ráp, “chế biến” các thông số để tạo nên một phần mềm hoàn chỉnh.
“Khang là một học trò thông minh, ham học hỏi và đam mê công nghệ”, thầy Đức nhận xét.
Khang đã lập trình cho con robot này có thể tự động xúc rác bỏ vào nhà máy phân hủy. Hoặc nghiền nát các vật liệu rắn để đưa vào nhà máy chế biến.
“Sản phẩm này sẽ góp phần làm sạch môi trường, giảm chi phí xử lý rác cũng như phòng tránh các yếu tố độc hại cho công nhân môi trường”, Khang nói thêm.
Ngoài ra, điểm đặc biệt của con robot này là Khang đã lập trình phát ra các âm thanh khác nhau khi nó thực hiện nhiệm vụ chuyên biệt.
“Khi nó nghiền rác thì âm thanh sẽ khác và khi nó nâng vật nặng thì âm thanh sẽ khác. Qua âm thanh này cũng giúp biết được robot đang làm nhiệm vụ gì”, Khang giải thích.
Thỏa sức sáng tạo với STEM
Chia sẻ về những ước mơ, dự định trong tương lai, Khang nói mong muốn trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin để thực hiện những công trình.
Khang và sản phẩm robot tự nâng của mình. Ảnh: TT |
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia Julie Bishop và các chuyên gia công nghệ đã rất tán thưởng sản phẩm robot tự nâng độc đáo do Khang viết phần mềm lập trình.
Đích thân bà Bộ trưởng đã đến bắt tay và lắng nghe Khang giải thích về quy trình hoạt động của robot này.
Đà Nẵng “giật” hai cúp vô địch Robothon quốc tế |
Cô Lê Thị Nga – Hiệu trưởng trường Đức Trí chia sẻ thêm, nhà trường đã đưa STEM (viết tắt của các từ Science - khoa học, Technology - công nghệ, Engineering - kỹ thuật và Math - toán học) vào giảng dạy.
Đây là trường đầu tiên ở miền Trung đưa giáo dục STEM vào chương trình.
Mục đích là cho học sinh những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
Các kiến thức và kỹ năng này được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh hiểu về nguyên lý.
Có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày.
“Chương trình này đã lôi cuốn học sinh tham gia, phát triển khả năng tư duy, sáng tạo của các em”, cô Nga nói.
Với sự hỗ trợ của giáo viên, nhiều học sinh của nhà trường đã có thể tự thí nghiệm, lắp ráp, chế tạo những robot hay những sản phẩm công nghệ tự động…