Câu chuyện truyền cảm hứng vượt khó khăn, định kiến của những nữ lãnh đạo

07/03/2024 21:37
An An
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Tại chương trình, những câu chuyện về khả năng lãnh đạo của phụ nữ được chia sẻ từ các diễn giả là nữ cán bộ chuyên rà phá bom mìn, nữ đạo diễn, nữ doanh nhân...

Ngày 07/3/2024, Trường Đại học Ngoại thương phối hợp cùng 04 Đại sứ quán (G4), gồm Đại sứ quán Canada, Đại sứ quán Thụy Sĩ, Đại sứ quán New Zealand, Đại sứ quán Na Uy tổ chức chương trình “She Leads Here” (Phụ nữ lãnh đạo), hướng tới chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (ngày 08/3/1910 - 08/3/2024).

Chương trình được tổ chức với mục đích nhân rộng tiếng nói và hình mẫu của những người phụ nữ trong nhiều lĩnh vực và nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị và hình ảnh của phụ nữ với tư cách là những nhà lãnh đạo; truyền cảm hứng cho sinh viên phá bỏ rào cản về giới, khuyến khích tiếng nói và thúc đẩy các sinh viên về bình đẳng giới; giới thiệu những câu chuyện thành công về thành tích và khả năng lãnh đạo của phụ nữ từ diễn giả là nữ doanh nhân, nữ cán bộ chuyên rà phá bom mìn, nữ đạo diễn,...

5jkwalmvppynjfpwfgyr53nt-vdiudjmrfybrb2mb94qd4jd9-tk6etjtrzckpwrip4e-mykkdr8gyygtsqeso0fvuzq8qxea0b0ypoxq54rgxsovradmzo-nr0ssadib5mguhbo9vyxurp3uyh9yjy-4528.jpg
Toàn cảnh chương trình.

Đại sứ quán G4 thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam

Phát biểu tại chương trình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương bày tỏ hy vọng, mỗi người phụ nữ được truyền cảm hứng trong sự kiện “She Leads Here” sẽ có thêm niềm tin để viết tiếp câu chuyện của chính mình.

NVB01123.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương phát biểu.

Thay mặt các Đại sứ trong nhóm G4, Ngài Shawn Steil - Đại sứ Canada tại Việt Nam cho biết: “Tất cả chúng ta đều có vai trò trong việc phá bỏ các rào cản và chúng tôi, các nước: Canada, New Zealand, Na Uy và Thụy Sĩ sẽ tiếp tục ưu tiên sự tham gia có ý nghĩa của các người phụ nữ trẻ trong tất cả sự đa dạng”.

NVB01182.jpg
Ngài Shawn Steil - Đại sứ Canada tại Việt Nam.

Ngài Đại sứ nhấn mạnh vai trò lãnh đạo mà Đại sứ quán G4 đã chứng minh từ lâu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.

Canada có Chính sách Hỗ trợ Quốc tế về nữ quyền nhằm tìm cách xóa đói giảm nghèo và xây dựng một thế giới hòa bình hơn, toàn diện hơn và thịnh vượng hơn. Canada tin tưởng chắc chắn rằng thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái là cách tiếp cận hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này.

Trong lĩnh vực bình đẳng giới, Na Uy đã đi đầu trong các sáng kiến như Chiến lược Bình đẳng giới, nhấn mạnh vào giáo dục, an toàn trên không gian mạng, sức khỏe phụ nữ và phòng chống bạo lực.

Đối tác thân thiết của G4 là Thụy Sĩ cũng nhất quán lồng ghép quan điểm nhạy cảm về giới vào các dự án của mình tại Việt Nam, với trọng tâm là góp phần xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, ví dụ như thông qua nâng cao nhận thức thông qua giáo dục và các hoạt động tiếp cận cộng đồng, cũng như trao quyền cho phụ nữ thuộc các nhóm dân tộc thiểu số.

New Zealand luôn ưu tiên sát cánh cùng phụ nữ Việt Nam, trong những năm qua, đã thể hiện sự hỗ trợ vững chắc thông qua nhiều dự án phát triển khác nhau, cung cấp hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là những người thuộc các nhóm dễ bị tổn thương. Hỗ trợ này bao gồm các chương trình xây dựng năng lực, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ sinh kế và các dự án nhằm chống bạo lực trên cơ sở giới.

Những câu chuyện truyền cảm hứng

Thông qua những câu chuyện truyền cảm hứng về việc vượt qua khó khăn, định kiến xã hội để làm chủ cuộc sống, gặt hái thành công trong con đường sự nghiệp được chia sẻ lần lượt từ các vị khách mời trong các lĩnh vực/ngành nghề khác nhau, cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương như được tiếp thêm động lực và hình ảnh về vai trò quan trọng của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và xã hội.

Diễn giả Đỗ Thị Thanh Nhàn - Giám đốc Chương trình Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Gia nhập NPA vào năm 2011, chị có 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khắc phục bom mìn, từ vị trí hiện trường đến vai trò quản lý chương trình.

NVB01275.jpg
Diễn giả Đỗ Thị Thanh Nhàn - Giám đốc Chương trình Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngoài dự án hành động bom mìn, chị còn giám sát việc điều hành hai dự án khác ở tỉnh Thừa Thiên Huế - bao gồm đơn vị cơ sở dữ liệu và bảo vệ môi trường; cả hai đều liên quan đến hoạt động rà phá bom mìn mà NPA tiến hành ở tỉnh này.

Chị đã chia sẻ câu chuyện bén duyên với công việc rà phá, bom mìn, từ cảm nhận cá nhân ban đầu về sự “cool, ngầu” của công việc, đến thực sự cảm nhận những khó khăn, vượt qua sự phản đối của gia đình, khó khăn của công việc.

Thông qua clip ngắn chia sẻ về quá trình xử lý bom mìn tại mảnh đất Thừa Thiên - Huế, các bạn sinh viên cảm nhận được khó khăn, vất vả, sự nguy hiểm và ý nghĩa của công việc này, cũng sự mạnh mẽ của những người phụ nữ trong chương trình.

Chị Nhàn gửi gắm thông điệp tới một nửa thế giới: “Đừng giới hạn bản thân, dám làm, dám thử, dám thất bại vì chúng ta còn trẻ”.

Diễn giả Chal Thi - Nhà Sáng lập Mật hoa dừa Sokfarm, vốn xuất thân là nông dân, với tình yêu quê hương cộng với niềm đam mê chế biến nông sản, chị đã chọn khởi nghiệp với các sản phẩm từ mật hoa dừa Trà Vinh.

NVB01311.jpg
Diễn giả Chal Thi - Nhà Sáng lập Mật hoa dừa Sokfarm.

Với mô hình mới, Sokfarm đã mang lại sinh kế bền vững cho người nông dân trồng dừa, giúp đưa lao động yếu thế vào trong chuỗi sản xuất: 80% nhân viên ở Sokfarm là đồng bào Khmer, 70% là phụ nữ, giúp tăng giá trị kinh tế cho nông hộ từ 3-5 lần. Sokfarm theo đuổi mô hình kinh doanh tạo ra tác động xã hội tích cực, đồng thời bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng tinh hoa mật hoa dừa Trà Vinh.

Theo chị, mỗi người đều có sứ mệnh riêng và chị chọn cho mình sứ mệnh phát triển mật hoa dừa, phát triển kinh tế quê hương, tạo giá trị cho cộng đồng - Trà Vinh, vùng dừa lớn thứ 2 của Việt Nam.

Phát triển dự án từ sự hỗ trợ của Chính phủ Canada tại Trà Vinh, ứng dụng sản xuất theo nông nghiệp xanh, Sokfarm đã đa dạng hoá sản phẩm và xuất khẩu ra nhiều thị trường nước ngoài. Cô gái dân tộc thiểu số này càng cảm thấy tự hào hơn khi sản phẩm khởi nghiệp đã vượt qua đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế, mang lại nguồn thu nhập, giúp thoát nghèo cho nhiều người nông dân.

Nữ diễn giả cũng chia sẻ giấc mơ ấp ủ về phát triển giáo dục cho con em tại địa phương, từ lợi nhuận của doanh nghiệp để xây dựng trường học hạnh phúc cho các thế hệ trẻ, giúp các em vươn ra thế giới, gieo hạt giống để xây dựng quê hương.

Làm những gì xuất phát từ tâm, làm những việc lợi người lợi mình lợi tập thể và bạn sẽ có khả năng vượt qua tất cả” - Chal Thi nhấn mạnh.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - Đạo diễn điện ảnh, nhà sản xuất phim, một gương mặt sáng giá của nền điện ảnh Việt Nam với có nhiều tác phẩm điện ảnh gặt hái được nhiều thành công và được công chúng trong và ngoài nước ghi nhận - bộ phim Đập cánh giữa không trung (2014) là đã tham gia tranh giải tại nhiều liên hoan phim quốc tế và mang lại giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Bratislava.

Năm 2016, chị được mời làm giám khảo tại Liên hoan phim Fribourg tại Thụy Sĩ, và từng được chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Văn học Nghệ thuật. Từ năm 2021-2023, chị đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Trung ương của Cục điện ảnh phụ trách thẩm định và phân loại phim truyện của Việt Nam.

NVB01219.jpg
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp.

Gửi gắm thông điệp tới các bạn nữ, Đạo diễn Hoàng Điệp nhắn nhủ: “Các bạn nữ không cần phải là một người phụ nữ mạnh mẽ, làm những gì mà cơ thể và tâm trí mình mong muốn, đừng để ai đặt bản thân mình vào vị trí phải trở nên mạnh mẽ”.

Là cựu sinh viên Trường Đại học Ngoại thương, diễn giả Katie Nguyễn - Đại diện của Tập đoàn Sunwah tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Tổng Giám đốc Sunwah Việt Nam cũng đã chia sẻ câu chuyện sau khi tốt nghiệp đã trăn trở với lựa chọn tìm kiếm học bổng học cao hơn hay đi làm, trải qua nhiều công việc và từ những khó khăn từng gặp phải, thôi thúc xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, phụ nữ lãnh đạo,...

Thông điệp nhắn nhủ: “Tôi là một người bình thường, xuất phát điểm bình thường, nhưng những lựa chọn của tôi khiến tôi làm được những điều khác thường”.

NVB01212.jpg
Diễn giả Katie Nguyễn - Đại diện của Tập đoàn Sunwah tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Tổng Giám đốc Sunwah Việt Nam.

Phiên thảo luận được điều phối bởi Ngài Thomas Gass - Đại sứ Thuỵ Sĩ cùng tham gia trao đổi từ Quyền Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Bà Wendy Hinton, 04 diễn giả xuất sắc từ nhiều lĩnh vực đã diễn ra sôi nổi xoay quanh chủ đề về vai trò của phụ nữ trong công việc và lãnh đạo.

NVB01346.jpg
Phiên thảo luận.

Trả lời cho câu hỏi về việc “bản thân phụ nữ cần làm gì để có thể nâng cao giá trị trong một tổ chức, Quyền Đại sứ New Zealand tại Việt Nam nhấn mạnh 3 yếu tố: Giáo dục, đừng nghi ngờ bản thân, hãy bước ra và làm việc.

IMG_8630.JPG
Sinh viên Trường Đại học Ngoại thương đặt câu hỏi.

Những chia sẻ tâm huyết của các diễn giả cùng phiên thảo luận sôi nổi đã tạo cơ hội để cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường được giao lưu với các chính khách; cũng là cơ hội để các chính khách có hiểu biết sâu hơn về trường, tạo điều kiện kết nối giáo dục giữa nhà trường với các đối tác.

Phát biểu bế mạc chương trình, Ngài Hilde Solbakkhen - Đại sứ Na Uy nhận định, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

NVB01384.jpg
Đại sứ Na Uy phát biểu kết thúc chương trình.

“Thách thức sự bất bình đẳng giới và trao quyền cho các cá nhân là nhiệm vụ của mọi người. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi về tư duy và việc giáo dục thế hệ trẻ có hy vọng lớn nhất là mang lại điều đó.

Điều đó có nghĩa là các cơ sở giáo dục đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Bằng cách đầu tư vào nền giáo dục có chất lượng nhằm thúc đẩy bình đẳng và hòa nhập giới, chúng ta có thể giải quyết các thách thức về giới và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người” - Đại sứ Na Uy nhấn mạnh.

An An