Dự án Cầu Nhật Tân là một trong các dự án ODA trọng yếu của Nhật Bản tại thành phố Hà Nội. Với tổng giá trị 13.698 triệu yen (tương đương 3.150 tỷ đồng). Mới đây, nhà thầu Tokyu, nhà thầu chính phụ trách thi công đường dẫn lên cầu Nhật Tân đã yêu cầu phía Bộ Giao thông Vận tải thanh toán 200 tỷ đồng vì phía Việt Nam chậm tiến độ trong việc giải phóng mặt bằng, khiến công việc của nhà thầu Tokyu bị chậm hàng năm so với kế hoạch. |
Theo đánh giá của người phát ngôn của Chính phủ, vướng mắc lớn nhất trong quá trình thực hiện dự án là khâu giải phóng mặt bằng. Đây không phải là khó khăn riêng tại Cầu Nhật Tân, mà khá phổ biến tại các hầu hết các dự án xây dựng hạ tầng, công trình của doanh nghiệp… Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do công tác tổ chức thực hiện ở nhiều nơi chưa tốt.
“Ai cũng biết đất nước cần những công trình như thế này. Người dân cũng mong muốn, nhưng giải phóng mặt bằng không phải việc đơn giản. Đây mới là một cây cầu, nhiều dự án quốc lộ, đi qua các đô thị thậm chí còn khó khăn hơn”, Bộ trưởng chia sẻ. Ông cũng cho biết đã nhận được nhiều khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến vấn đề này.
Để giải quyết, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải kết hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội làm việc với phía nhà thầu, đảm bảo tiến độ. Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tới yêu cầu đối với Hà Nội về việc giải quyết, vừa đảm bảo đúng pháp luật, vừa hợp tình, hợp lý, hài hòa giữa lợi ích các bên.
Dự án Cầu Nhật Tân đã chậm tiến độ 2 năm. Ảnh: Hoàng Hà |
Là một trong những quyết sách quan trọng của Chính phủ trong giai đoạn đầu năm 2013, các giải pháp nhằm “hâm nóng” thị trường bất động sản cũng nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Tại phiên giải trình của Ủy ban kinh tế Quốc hội về giải cứu thị trường bất động sản sáng ngày 24/1, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết phần lớn các doanh nghiệp địa ốc vẫn báo lãi trong năm 2012. Thông tin này làm dấy lên nghi ngờ về việc gói giải pháp của Chính phủ “chỉ tập trung cứu nhà giàu”.
Trả lời báo chí xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết đây là quan điểm không đúng. “Không có chuyện Chính phủ chỉ tập trung cứu nhà giàu. Mọi giải pháp đều hướng tới việc phát triển nền kinh tế”, ông khẳng định.
Theo Bộ trưởng, gói giải pháp của Chính phủ được xây dựng trên cơ sở các khảo sát, đánh giá cụ thể của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng… Do đó, đã nhận diện và tập trung giải quyết những khó khăn thật sự của thị trường bất động sản. Chính phủ cho rằng đây là cơ hội tốt để những người trước đây chưa có điều kiện sở hữu nhà, nay có thể tiếp cận với tín dụng mua nhà. “Chắc chắn người có thu nhập trung bình sẽ được thụ hưởng nhiều hơn người giàu khi các giải pháp này được áp dụng”, Bộ trưởng nói.
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng đầu năm, người phát ngôn của Chính phủ nhận định tình hình kinh tế vĩ mô đã có dấu hiệu ổn định hơn, nhưng chưa thật sự vững chắc, bằng chứng là việc CPI tiếp tục tăng trên 1%. “Chính phủ tiếp tục kiên trì điều hành theo mục tiêu được Quốc hội phê duyệt là tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn so với năm 2012. Tuy nhiên, việc chỉ số giá tăng 1,25% trong ngay trong tháng một rõ ràng là tín hiệu cảnh báo”, ông Đam nhận định.
Để đảm bảo mục tiêu đề ra, người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh tới việc phối hợp giữa trung ương và địa phương, tránh tình trạng thiếu đồng bộ trong điều kiện phải kiểm soát giá, ổn định thị trường trong dịp Tết. “Tháng 9/2012, cả nước bước vào năm học mới, công với việc điều chỉnh viện phí đã khiến CPI tăng hơn 2%. Tháng một vừa qua cũng vậy, 10 tỉnh tăng viện phí đã làm tăng 0,44%, trong tổng số 1,25% tăng của CPI”, Bộ trưởng nhắc lại.