Cha mẹ chính là thủ phạm đánh cắp mùa hè tuyệt vời của con trẻ

05/06/2015 07:45
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Nhiều cha mẹ đã gây sức ép cho con như thế, tước đoạt mất mùa hè ngắn ngủi của con sau 10 tháng trời đằng đẵng sách vở...

LTS: Thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc đã phải thốt lên như thế ở bài viết này. Vậy thì chúng ta phải làm gì để trả lại mùa hè cho con trẻ? 

Mùa hè là mùa nghỉ ngơi, vui chơi thỏa thích của lứa tuổi học trò sau 10 tháng trời vất vả, nhọc nhằn với học hành, thi cử ở trường lớp.

Nhiều phụ huynh bây giờ có cái được, là thời gian hè, không còn gây áp lực về chuyện học hành với con cái nữa, cứ ở nhà vui chơi tha hồ cùng chúng bạn, nếu có điều kiện thì cho con đi du lịch, thăm ông bà, nội ngoại dài ngày ở quê ...

Anh Trình Văn Cang, 50 tuổi, ở phường Đống Đa, thành phố Qui Nhơn (Bình Định) cho biết: "Nhà tôi có hai cháu, năm học tới, một cháu lên lớp 12, một cháu lớp 5.

Mặc dù cuối năm học nhà trường, thầy cô giáo có gợi ý các em nên đi học hè, củng cố kiến thức, để chuẩn bị tốt cho sang năm, nhưng vợ chồng tôi thấy không cần thiết.

Cứ để các cháu ở nhà, vừa chơi, vừa coi nhà, lúc các cháu thích học thì tự lấy sách vở cũ và mới ra tự học, chứ chúng tôi chẳng ép.

Tôi chỉ mong các con tôi luôn được thoải mái, có sức khỏe tốt, còn việc học hành cũng rất quan trọng đối với con trẻ nhưng mấy ngày hè mà ép con em học hành, nhiều lúc lợi bất cập hại".

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn rất nhiều phụ huynh không nghĩ và làm được như anh Trình Văn Cang. Họ quá coi trọng việc học hành, bằng cấp, việc làm của con cái sau này.

Họ vẫn trĩu nặng tư tưởng phải "hy sinh đời bố, để củng cố đời con". Cho nên lúc nào phụ huynh cũng thúc giục, theo dõi, ép buộc quá mức chuyện học tập của con cái.

Đến thời gian hè, các em rất muốn được nghỉ ngơi, vui chơi nhưng trước mệnh lệnh, sức ép của các ông bố, bà mẹ nên cực chẳng đã mới tham gia các lớp học thêm, chủ yếu dạy trước chương trình ở trường, ở nhà thầy cô giáo.

Thấy con chơi nhiều, ít học, có phụ huynh "lên lớp" đủ điều với con: "nào mày không lo học ngày đêm thì đời mày sau này sẽ khổ, nào có đỗ đạt, bằng cấp thì con mới có  địa vị cao trong xã hội, nào tất cả các đứa cùng trang lứa với con ở khu phố này có đứa không đi học hè, học thêm đâu".

Bên cạnh đó, cũng có số phụ huynh biết việc ép buộc con em đi học hè, học thêm nhiều là điều không tốt, song có những lý do  khiến học cha mẹ không thể làm khác được. Bà Phạm Thị Minh, ở quận 3, thành phố Hồ Chí Minh phân trần:

"Vợ chồng tôi bận làm việc tối ngày, rất ít có thời gian để quan tâm, giám sát con cái, nhất là thời gian hè, hơn nữa lại sợ con ra đường bị tai nạn giao thông, sợ con mình dễ bị bạn xấu lôi kéo vào tệ nạn xã hội, nên cách tốt nhất là “tống” con đi học thêm, được chữ nào hay chữ ấy, cho đỡ lo." 

Em Bùi Thị Thanh Thúy, học sinh lớp 11, trường THPT Lê Trung Đình, nhà ở thành phố Quảng Ngãi, nói: "Lắm lúc, em cũng thấy mệt cho cha mẹ em.

Lúc nào cũng giám sát, lo sợ quá mức rằng em nghỉ hè, không đi học thêm là hư hỏng, lơ là việc học. Bọn em cần nhẹ nhàng, thoải mái đầu óc. Bọn em đã lớn rồi, biết suy nghĩ nhiều việc, phụ huynh hãy tin vào khả năng, tính tự chủ của bọn em".

Cha mẹ chính là thủ phạm đánh cắp mùa hè tuyệt vời của con trẻ ảnh 2

Hãy trả lại kỳ nghỉ hè thần tiên cho học sinh.

(GDVN) - Giá trị giáo dục của kỳ nghỉ hè truyền thống sẽ được nhân lên gấp nhiều lần nếu toàn xã hội chung tay tổ chức cho hàng triệu học sinh cả nước chơi hè.

Mùa hè, ở các thị xã, thành phố...thường có mở những lớp học về nhạc, họa, võ thuật, bơi lội.. với mức học phí khác nhau, thu hút các em học sinh có nhu cầu và điều kiện tham gia học tập.

Đó là những việc làm, hoạt động rất cần thiết và bổ ích dành cho thanh thiếu niên. Song không phải ở đâu cũng đáp ứng đầy đủ, và rất nhiều em, nhất là vùng nông thôn, đâu dễ có cơ hội được theo học.

Những khu vui chơi, giải trí, sân bãi đá bóng, chơi cầu...không phải mất tiền ở nhiều thị xã, trung tâm thành phố hiện nay ngày càng bị teo tóp lại, thậm chí rất ít. Cho nên, nhiều em có muốn vui chơi trong những ngày hè cũng khó lắm thay.

Nhiều em không có chỗ chơi, đành phải đi học thêm các môn văn hóa cho đỡ buồn.  

Các em ở quê có việc phụ giúp gia đình, cuốc cày, chăn nuôi, vào các cơ sở sản xuất làm công.

Các trẻ em nghèo ở thành thị và các vùng nông thôn, trong hè còn tham gia vào đội quân bán vé số, đánh giày, bán báo ở các khu vực đô thị.

Các việc làm trên giúp các em thêm sức khỏe, biết và yêu lao động, gắn bó với gia đình, sự trải nghiệm cuộc sống xung quanh.

Tóm lại, để có những mùa hè thật sự có ý nghĩa, bổ ích đối với các em học sinh, phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, trách nhiệm, mối quan tâm lớn của cha mẹ.

Trước hết các bậc phụ huynh cần tạo môi trường và dành thời gian dẫn dắt trẻ, giúp trẻ có những hoạt động vui chơi theo từng độ tuổi.

Hướng trẻ vào những hoạt động như: học các môn năng khiếu nhạc, họa, thể thao hoặc đọc sách báo, nghe nhạc, xem những bộ phim ưa thích do chính các em lựa chọn dưới sự hướng dẫn của cha mẹ.

Luôn ủng hộ và khuyến khích con em mình tham gia sinh hoạt xã hội, với sự tổ chức của các đoàn thể địa phương, các tổ chức tình nguyện.

Chỉ bày, hướng dẫn các con làm được các việc trong nhà hoặc các kỹ năng khác như: sửa máy tính, tạo blog, dịch sách… rèn luyện thêm kỹ năng giao tiếp như thăm bà con, thầy cô, bạn bè cũ… hay cùng gia đình về quê thăm ông bà, đi du lịch, chụp ảnh, quay phim, tạo album, viết lách....

ĐỖ TẤN NGỌC