Cha mẹ mua quà nhờ cô trao cho con để chụp ảnh khoe trên ...mạng xã hội

02/06/2015 07:35
PHAN TUYẾT
(GDVN) - Đánh giá xếp loại theo TT30, việc khen thưởng cũng có nhiều thay đổi, những học sinh được khen phải đạt thành tích nổi bật, có tiến bộ trong nội dung đánh giá.

LTS: Nếu không phải là lời của người trong cuộc, chúng ta khó có thể tin được rằng có những bậc cha mẹ, vì muốn oai mà mua cả quà, cả phần thưởng để năn nỉ xin thầy cô...trao giúp cho con em mình.

Bài viết này của cô giáo Phan Tuyết đã chỉ rõ việc ấy. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Vài năm về trước, để xét học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến cấp tiểu học, giáo viên chỉ cần căn cứ vào con điểm kiểm tra định kì của các em học sinh.

Vì vậy, số lượng học sinh được khen trong một lớp thường ở con số cao ngất ngưởng, một số trường ở nhiều nơi, học sinh giỏi, học sinh tiên tiến gần chạm mốc 100%.

Năm học này, đánh giá xếp loại theo Thông tư 30, việc khen thưởng cũng có nhiều thay đổi. Điểm kiểm tra định kì cuối năm không còn là căn cứ để xét chọn.

Những học sinh được khen phải “Đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá…” (Học tập, năng lực và phẩm chất).

Vì thế, số lượng học sinh được khen ở các trường cũng có nhiều biến động. Có trường chỉ xét 5-6 em, trường nhiều cũng chỉ hơn chục em là cùng.

Nhiều phụ huynh xưa nay vẫn thường hay khoe con: cháu năm nào cũng đạt học sinh giỏi, học sinh xuất sắc của lớp…Nay bỗng dưng các bé không còn được nhận danh hiệu đó nữa, cũng có nhiều người thấy buồn, thấy sốc và cảm thấy chông chênh.

Cha mẹ mua quà nhờ cô trao cho con để chụp ảnh khoe trên ...mạng xã hội ảnh 1

Thông tư 30 dần gây khó dễ cho công tác khuyến học

(GDVN) - Nội dung khen thưởng học sinh tiểu học theo thông tư 30 của Bộ GD&ĐT sẽ gây khó khăn cho các tổ chức khuyến học khi xây dựng quy chế khen thưởng.

Nhiều phụ huynh tâm tư: “Muốn con có được tấm giấy khen để nở mày nở mặt với mọi người”.

Hay có người “để về cơ quan, khu phố, hội khuyến học nhận thưởng” nên sau khi con mình không được xét khen thưởng đã giở bài “năn nỉ”, “mua chuộc” hay nhờ các mối quan hệ khác tác động thầy cô để xin cho con được tờ giấy khen nhưng không được.

Một số khác lại có nhã ý mua phần thưởng mang đến nhờ thầy cô trao dùm cho các con: “Để khuyến khích động viên các em tiếp tục cố gắng”.

Có giáo viên cương quyết không chịu nhưng cũng có người vì cả nể nên cũng đồng ý.

Thế là, ngoài một số học sinh được nhận giấy khen, quà của nhà trường thì một số học sinh còn lại cũng được thầy cô trao phần thưởng trong lớp đó là những phần thưởng do chính tay ba mẹ các em chuẩn bị.

Rồi phần thưởng được cô thầy trao, các mẹ tranh nhau chụp hình đưa lên mạng xã hội để tung hô con yêu đang nhận phần thưởng…

Việc ba mẹ nhờ thầy cô trao phần thưởng cho các em không được xét khen thưởng ở trường, có điều gì đó làm cho việc nhận thưởng của những học sinh xuất sắc khác bỗng trở nên bình thường và mất dần đi ý nghĩa.

Chính phụ huynh đang mắc căn bệnh hình thức, hội chứng khoe con, tung hô quá đáng những giá trị thật. Vô tình người lớn tạo cho con trẻ những suy nghĩ tự mãn, tự bằng lòng với kết quả hiện tại của mình mà không cần phấn đấu, vươn lên gì cả.

Tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hoan nghênh quý độc giả, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các nhà quản lý-chuyên gia giáo dục...viết bài cộng tác cùng Tòa soạn.

Đặc biệt là các bài viết phản ánh, phản biện chính sách giáo dục (chuyện thi cử, tuyển sinh; sách giáo khoa-chương trình; chuyện trên lớp trên trường; mối quan hệ nhà trường-học sinh-phụ huynh...); những tấm gương tốt; những hạn chế cần khắc phục trong công tác giáo dục từ mầm non trở đi.

Tất cả các bài viết đều được chi trả nhuận bút thỏa đáng, kịp thời và đảm bảo tác quyền. 
Trong trường hợp tế nhị, tác giả có thể sử dụng bút danh, Tòa soạn cam kết giữ bí mật thông tin tác giả theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bài viết xin gửi về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn hoặc gọi số 0938766888 để biết thêm chi tiết.

Ban biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng cảm ơn!

PHAN TUYẾT