Ngày 17/10, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Sơn Tây, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa (Phú Yên) cùng người dân ra đường chặn xe rước dâu để đòi 3 triệu đồng mà gia đình chú rể chưa đóng xây dựng nông thôn mới.
Sau khi được báo chí đề cập dư luận rất bức xúc, khi chính quyền cơ sở vô cảm, lợi dụng lúc trọng đại của cô dâu chú rể để chặn đường thu tiền. Đó là hành vì vừa trái với đạo lý cũng như pháp lý.
Xung quanh chuyện, sáng ngày 31/10, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng: “Hành vi của Bí thư ấp, Bí thư thôn, rồi trưởng thôn huy động mọi người ra chặn đường xe cô dâu chú rể là hình ảnh vô cùng phản cảm.
Làm gì, có thứ người thực thi công việc quản lý, làm công tác tư tưởng mà hành động những việc như vậy. Việc làm trên vừa không đúng chức năng, lại không đúng thẩm quyền điều đó hết sức đáng tiếc.
Đừng nói đến chuyện nhận thức của người dân trong vấn đề này nhận thức của cán bộ còn chưa đến nơi đến chốn”.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (ảnh Trinh Phúc). |
Đánh giá một cách khách quan về vụ việc này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Phía gia đình chú rể cho rằng con họ đã đóng góp ở nơi khác 3,5 triệu nên miễn đóng ở địa phương thì cách giải thích của gia đình nhà chú rể cũng không đúng.
Bởi vì, anh sống ở đâu thì đóng góp ở đó. Mặc dù, ý của gia đình chú rể là không phải họ chây ì, không phải không đóng góp hay phải phản đối chính sách.
Trong việc này, chính quyền thôn phải giải thích cho người dân là ở đây thôn mình cũng có nghĩa vụ”.
Tư duy, nhận thức của một số cán bộ, công chức "ô nhiễm" đến mức đáng sợ |
Đại biểu của đoàn Bến Tre thẳng thắn cho rằng: “Ngày cưới là ngày thiêng liêng, anh ra chặn xe, chặn cô dâu chú rể như vậy cả một tiếng đồng hồ là quá phản cảm.
Không biết, khi làm việc này, họ có coi đám cưới, đám ma, đám giỗ của gia đình họ như thế nào để mà có thể làm những việc như thế”.
Qua trao đổi với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng có thể thấy, công việc xây dựng nông thôn mới cần huy động các nguồn lực để làm. Vấn đề đặt ra, cần thực hiện các biện pháp nào, giám sát như thế nào để sử dụng được tất cả các nguồn lực là vô cùng quan trọng.
Công việc cần phải cần công khai, minh bạch, có chính sách rõ ràng, phương pháp xử lý và quản lý nhà nước thì phải hài hòa.
Chính quyền địa phương phải hiểu, không thể lẫn lộn giữa biện pháp quản lý xã hội và quản lý nhà nước. Chính quyền cơ sở không thể tự cho cái quyền mà có thể chặn ai, bắt ai bất kỳ lúc nào?. Cái đó cần phải có xem xét trách nhiệm và xử lý hết sức nghiêm túc.
Đại biểu của đoàn Bến Tre còn cho rằng: “Các hành vi kiểu chặn đường xe đón dâu để thu tiền nông thôn rất phản cảm, làm mất đi ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới.
Chúng ta xây dựng nông thôn mới đòi hỏi những người lãnh đạo ở những vùng nông thôn mới ấy phải là con người mới.
Hành vi của họ không phải của lãnh đạo vùng nông thôn mới. Đó là hành vi hơi hạ đẳng, việc hô hào mọi người ra chặn xe để thu tiền, cái đó không đúng.
Nói thẳng ra đó là vi phạm pháp luật, cản trở giao thông, cưỡng đoạt chứ không chỉ là thu tiền, đó là cưỡng đoạt tài sản của người khác. Nếu thu tiền được rồi, hành vi là hoàn thành tội cưỡng đoạt, nếu cao hơn đây là cướp, trấn lột”.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu nói về những điều “nhạy cảm, tế nhị” |
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: “Chỗ này đề nghị cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chuyên môn phải vào cuộc xem xét phân tích đánh giá hành vi để làm bài học giáo dục chung.
Phải xử lý cho nghiêm để đảm bảo cho việc xây dựng nông thôn mới theo ý của Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Xuân Dũng : “Làm sao ở đó vẫn còn tiếng chim hót, còn tình cảm thôn quê, phải để cho vẫn còn ấm áp tình người, tình làng nghĩa xóm” chứ không phải xây dựng nông thôn mới để chúng ta vì câu chuyện, vì khoản tiền đóng góp để chúng ta đi cưỡng đoạt nhau”.