LTS: Câu chuyện chạy chức, chạy quyền không phải bây giờ mới được người ta đề cập đến.
Mới đây nhất, góp ý báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ sáng 29/3, Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (đoàn TP. Hồ Chí Minh) nhận định: “Việc chạy chức, chạy quyền không chỉ là chỗ tham nhũng lớn mà còn là nơi "đẻ" ra tham nhũng” .
Vấn đề trên đang gây bức xúc trong dư luận, làm giảm sút niềm tin vào kết quả thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Chính phủ về công tác cán bộ.
Để làm rõ thêm vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cuông – nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa.
PV: Ông bình luận gì về "vấn nạn" chạy chức, chạy quyền vừa được một số Đại biểu Quốc hội nêu ra khi góp ý vào báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ sáng 29/3.
Ông Lê Văn Cuông: Theo dõi diễn biến cuộc sống và dư luận xã hội, tôi thấy vấn đề chạy chức, chạy quyền ngày càng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương khiến người ta không thể vô cảm.
Trong khi đó chúng ta luôn miệng nói quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chặt chẽ, thế nhưng tại sao con voi vẫn chui lọt lỗ kim?
Dư luận băn khoăn có những "mảng tối" trong công tác cán bộ là có cơ sở. Lĩnh vực nào “ngon” một chút, có sự hấp dẫn về quyền lực và bổng lộc thì sự nhòm ngó càng lớn, càng nhiều người tìm cách đoạt được.
Nhìn chung vấn đề chạy chức, chạy quyền không từ một vị trí nào hết, chỉ là ở mức độ khác nhau mà thôi. Tôi ví dụ, chức trưởng thôn, về lợi ích kinh tế không lớn, nhưng về mặt quyền lực, danh tiếng khu dân cư, dòng họ thì không hề nhỏ. Từ quyền lực này sẽ thao túng quyền lực khác.
Vậy nên, nhiều khi lương hay phụ cấp của các chức danh không cao, nhưng đằng sau mức lương tầm thường đó còn biết bao khoản lợi, bổng lộc, gấp hàng chục lần? Khi thấy được cái lợi ích trước mắt người ta sẽ chạy và tìm cách chạy.
Những tin tức về chuyện "chạy" công chức từng gây xôn xao dư luận. Ảnh minh họa của Báo Vietnamnet.vn). |
Trước đây, thời điểm còn là Đại biểu Quốc hội, tôi đã nhiều lần chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề này, đồng thời đưa ra cảnh báo, nếu không ngăn chặn việc chạy chức, chạy quyền sẽ dẫn đến hậu họa khôn lường cho đất nước.
Bởi lẽ những người có phẩm chất, năng lực nhưng không chịu chạy sẽ không được đề bạt, bổ nhiệm. Còn những kẻ kém tài, kém đức nhưng khéo chạy, biết cách chạy có thể sẽ dễ dàng leo lên các thang bậc của quyền lực.
Và khi có quyền họ sẽ tìm cách thao túng, phá thủng nề nếp quản lý để đặc quyền, đặc lợi, kiềm chế và triệt tiêu những người thẳng thắn, tiếp tục đưa những kẻ nịnh nọt, chạy chức, chạy quyền vào bộ máy Nhà nước.
Gần đây, dư luận lại băn khoăn nhiều về tình trạng một bộ phận cán bộ công chức có bằng thật nhưng kiến thức giả.
Nhiều người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện nhưng nhờ lo lót, chạy chọt nên vẫn được tuyển vào cơ quan Nhà nước và được đề bạt, bổ nhiệm, làm cho chất lượng đội ngũ cán bộ công chức giảm sút.
Đến nay, tình trạng trên vẫn chưa có nhiều chuyển biến.
Theo ông, đâu là nguyên nhân sinh ra “vấn nạn” này?
Ông Lê Văn Cuông: Vấn nạn chạy chức chạy quyền không phải bây giờ mới có ở Việt Nam. Từ xa xưa trong dân gian đã lưu truyền tệ “mua quan, bán chức” với bao điều xấu xa.
Thời chiến tranh, bao cấp khó khăn gian khổ, có xảy ra
việc chạy chức, chạy quyền nghiêm trọng, phức tạp như bây giờ đâu.
Nếu có cũng chỉ là những thứ lặt vặt không đáng kể hoặc ở mức độ không lớn, không nghiêm trọng như hiện nay.
Thời đó, người ta cũng không có điều kiện tham ô như bây giờ.
Câu hỏi đặt ra là vì sao bây giờ nạn chạy chức, chạy quyền lại phát triển mạnh mẽ đến như thế?
Có thể trả lời được ngay, đó là vì cơ chế, mà trước hết là công tác cán bộ nhiều nơi, nhiều chỗ chưa được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch.
Chừng nào công tác cán bộ vẫn do một người, một nhóm người quyết định, hoặc dân chủ còn hình thức thì chạy chức, chạy quyền vẫn còn đất sống.
Thực tế thì chỉ những người yếu kém, tư lợi, tham chức, tham quyền mới chạy chọt. Họ bỏ ra một số vốn đầu tư cho việc chạy thì sau này rất có thể người ta sẽ yêu cầu cấp dưới phải chạy chọt, để thu lại những khoản tiền mình đã bỏ ra.
Điều này làm cho bộ máy Nhà nước không còn trong sạch và rất có hại cho dân, cho nước.
Ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa (ảnh: Quốc Toản). |
Cũng cần phải nói thêm rằng, mặc dù thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo cho ra lò hàng loạt Tiến sĩ được cho là không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được nhiều địa phương, Bộ, Ngành... đánh giá là nhân tài, nên đã đề ra nhiều chính sách, chế độ cục bộ hấp dẫn để thu hút, ưu tiên trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm đề bạt.
Vì vậy có nhiều người cố chạy cho được tấm bằng Tiến sĩ để làm quan, dẫn đến nghịch lý, Viện nghiên cứu, các trường Đại học rất thiếu Giáo sư, Tiến sĩ. Nhưng tại các cơ quan hành chính nhà nước, nhất là ở cấp Bộ thì đi đâu cũng gặp Tiến sĩ.
Tôi cũng đã nhiều lần phản ánh tình trạng sinh viên ra trường phải bỏ ra hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng để chạy việc, trong khi đó, có nhiều sinh viên mặc dù phẩm chất, năng lực khá nhưng vẫn bị loại ra ngoài vì không có tiền lót tay.
Tôi cho rằng đầu tư cho chạy chức, chạy quyền là đầu tư siêu lợi nhuận.
Như ông nhận định có việc chạy chức, chạy quyền, nhưng vì sao việc “bắt tận tay”, xử lý tận gốc tình trạng này lại khó đến vậy?
Ông Lê Văn Cuông: Không có người nào chạy chức, chạy quyền nào lại đi báo cáo với cơ quan chức năng cả. Thế thì khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”.
Tôi lấy ví dụ, trước đây, để được xuất vào bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, mỗi người phải "nộp" hai mươi đến ba mươi triệu đồng. Sau đó, hành vi vi phạm của cán bộ cơ quan này đã bị cơ quan chức năng truy tố trước pháp luật.
Hay chuyện có cán bộ bị kỷ luật ở vị trí này, sau đó không lâu lại được bổ nhiệm ở vị trí khác, cao hơn.
Nếu không chạy thì làm sao có hiện tượng lạ đời như vậy?
Điều này cho thấy rằng, tình trạng chạy chức, chạy quyền diễn ra ngầm, phức tạp. Chỉ có đi vào thực tế kiểm tra, xem xét cụ thể mới phát hiện được.
Đây là trách nhiệm của cơ quan điều tra, trong việc phát hiện những đối tượng đó chạy đến đâu? chạy như thế nào? cách thức chạy ra làm sao?
Theo ông, làm thế nào để ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền hiện nay?
Ông Lê Văn Cuông: Muốn ngăn chặn được tình trạng này, trước hết cần nhìn thẳng vào vấn đề, mạnh dạn mổ xẻ, tìm đúng căn nguyên của bệnh mới trị được.
Ví dụ, trong công tác cán bộ, khi thực hiện việc tuyển chọn nhân sự cần phải đưa ra nhiều ứng cử viên và những người đó phải có chương trình hành động cụ thể. Họ phải thực hiện đối thoại với dân và phải đưa ra tập thể để bỏ phiếu.
Do đó, dân chủ, công khai, minh bạch là liều thuốc tốt nhất để chữa căn bệnh chạy chức, chạy quyền. Cụ thể, phải tăng cường sự giám sát của nhân dân, tổ chức, tập thể trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
Vấn đề này cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao nhất.
Còn nếu cứ thực hiện công tác cán bộ theo kiểu tù mù, chủ yếu dựa vào sơ yếu lí lịch, không có chương trình hành động, không có nhiều đối tượng ngang sức ngang tài để cạnh tranh, đối thoại xem ai hơn ai để lựa chọn, thì chạy chức chạy quyền vẫn có đất sống.