Chỉ 15-16 điểm/3 môn đã đỗ đại học: ĐBQH lo thừa thầy thiếu thợ, nhiều hệ lụy

15/06/2024 06:15
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Theo ĐBQH, việc nhiều trường đại học lấy điểm chuẩn xét tuyển học bạ từ 15 điểm sẽ kéo theo nhiều hệ lụy và là nguyên nhân dẫn đến “thừa thầy thiếu thợ”.

Thời gian qua, một số trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển điểm học bạ chỉ 15-16 điểm/3 môn, tương đương với việc thí sinh chỉ cần trung bình mỗi môn đạt hơn 5 điểm là đỗ đại học.

Các chuyên gia lo ngại, tình trạng “mở rộng” đầu vào như vậy, khiến chất lượng tuyển sinh không cao, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo đại học, cũng như ảnh hưởng chất lượng nguồn nhân lực sau này.

Bộ GDĐT cần có giải pháp kiểm soát tốt hơn chất lượng đầu vào đại học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hiền - nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng, những lo ngại về chất lượng tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực của các chuyên gia là có cơ sở.

Nguyễn Thanh Hiền - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An (1).jpg
Ông Nguyễn Thanh Hiền - nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An. Ảnh: quochoi.vn.

Cụ thể, ông Hiền phân tích: “Khi xã hội ngày càng phát triển, ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục đại học được mở ra. Để cạnh tranh thu hút thí sinh, nhiều trường đại học đã “mở rộng” đầu vào, lấy mức điểm chuẩn khá thấp, nhằm mục đích tuyển được nhiều thí sinh.

Tôi cho rằng, việc sử dụng kết quả học tập ở bậc trung học phổ thông (điểm học bạ) để xét tuyển đại học hiện nay không còn phù hợp bởi điểm học bạ đâu đó còn có nơi chưa đảm bảo chất lượng, thậm chí chưa phản ánh đúng năng lực của học sinh. Do đó, nếu xét tuyển học bạ chỉ cần 5-6 điểm/môn mà đỗ đại học thì càng khó có chất lượng tốt.”.

Ngoài ra, ông Hiền cũng chỉ ra: “Một phần của tình trạng trên, có lẽ xuất phát từ mong mỏi của nhiều phụ huynh, luôn muốn con phải vào đại học, thậm chí đâu đó có người cho rằng, chỉ có con đường đi học đại học mới thành công, hay con nhà người ta học đại học thì con mình cũng phải học đại học... Nhưng đó là một quan niệm sai lầm. Bên cạnh đại học, còn rất nhiều “cánh cửa” khác cho tương lai. Phụ huynh và các em thí sinh cần phải có cái nhìn tổng thể, toàn diện hơn, để xác định rõ nhu cầu, thế mạnh của bản thân, mà lựa chọn hướng đi phù hợp nhất.

Khi một học sinh chỉ đạt 15 điểm/3 môn văn hóa ở bậc phổ thông, nhưng lại có năng khiếu, năng lực và thế mạnh ở một lĩnh vực khác, mà chỉ chăm chăm nộp hồ sơ vào một ngành học vừa đủ điểm đỗ, chỉ để đi học đại học thì đó là một sự lãng phí. Bởi lẽ, những năm qua, cũng có không ít câu chuyện, sinh viên năm nhất, năm hai muốn chuyển ngành học hoặc thậm chí dừng việc học để gia nhập thị trường lao động...

Một tình trạng nữa cũng đáng chú ý, nhìn từ thực tế tuyển dụng của nhiều cơ quan, doanh nghiệp cho thấy ở những trường lấy điểm chuẩn đầu vào thấp thì khả năng tìm kiếm cơ hội việc làm thường thấp, điều này dẫn đến sự lãng phí rất lớn cho cả phụ huynh và xã hội”.

Theo ông Nguyễn Thanh Hiền, nâng điểm đầu vào cao lên cũng góp phần tăng chất lượng đào tạo nhân lực. Bên cạnh đó, cũng giải quyết tốt “bài toán” nhận thức của xã hội, nhận thức của phụ huynh và học sinh trong lựa chọn đào tạo nghề nghiệp.

“Nên chăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp kiểm soát tốt hơn chất lượng đầu vào của các trường đại học.

Đồng thời, cần có kế hoạch tư vấn, triển khai hiệu quả hơn nữa đối với công tác phân luồng, để học sinh có lựa chọn phù hợp hơn” - nguyên đại biểu Quốc hội bày tỏ.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến “thừa thầy, thiếu thợ”

Theo Đại biểu Hồ Thị Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, việc các trường đại học lấy điểm chuẩn thấp như vậy chính là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

z3961863565031_bd5da7591d68f34e6825c712023a341d.jpg
Đại biểu Hồ Thị Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị. Ảnh: quochoi.vn.

Cụ thể, nữ đại biểu phân tích: “Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” ở Việt Nam hiện nay chính là do việc các cơ sở giáo dục đại học đào tạo tràn lan, lấy điểm chuẩn thấp để có thể tuyển nhiều thí sinh.

Một phần nguyên nhân là do tâm lý “sính bằng cấp”, công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp của ngành giáo dục cũng không bằng tư duy “theo đuổi con đường học đại học là con đường có tương lai xán lạn”.

Mặt khác, hiện nay, các trường đại học chủ yếu vẫn đang dựa vào nguồn thu học phí để vận hành. Bởi vậy, nhiều trường đại học dù không có đủ “sức hút”, vẫn cố vơ vét thí sinh để đủ “nuôi sống” bộ máy.

Chính điều đó dẫn đến tình trạng “mở” rộng đầu vào. Ngày trước, đậu đại học rất khó, còn ngày nay, vào đại học giống như “phổ cập”, người người, nhà nhà phải vào đại học...

Nhưng cũng chính vì thế, sau khi ra trường, không ít cử nhân lại cần tấm bằng đại học đó quay về làm thợ”.

Từ đó, Đại biểu Hồ Thị Minh bày tỏ: “Chính vì những tồn tại trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra các quy chuẩn. Phải đề ra một mức “điểm sàn” nhất định vào đại học chứ không để tuyển tràn lan như hiện nay”.

Tiếp diễn tình trạng “mở toang” đầu vào, kéo theo nhiều hệ lụy

Trao đổi về vấn đề này, Đại biểu Quàng Thị Nguyệt - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cũng chia sẻ, tình trạng một số trường đại học “nới lỏng” điều kiện đầu vào và đầu ra, chấp nhận điểm thi đại học chỉ 15 điểm/3 môn để trúng tuyển, đang gây ra lo ngại về chất lượng giáo dục.

z5535711033882_b9001aead734cec484f69bb6e2189348.jpg
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên. Ảnh: NVCC.

Theo đó, Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt chỉ ra một số hệ lụy khi để tiếp diễn tình trạng này: “Đầu tiên, chất lượng đào tạo giảm sút: Việc “nới lỏng” điều kiện đầu vào có thể dẫn đến việc tuyển sinh những học sinh chưa đủ năng lực, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Các sinh viên có thể gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức và hoàn thành chương trình học.

Giá trị bằng cấp giảm: Khi chất lượng đầu vào thấp, chất lượng đầu ra cũng khó đảm bảo. Điều này có thể làm giảm giá trị của bằng cấp và uy tín của nhà trường, khiến các nhà tuyển dụng mất niềm tin vào chất lượng sinh viên tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, là vấn đề gánh nặng cho giảng viên: Giảng viên sẽ phải đối mặt với thách thức lớn hơn trong việc dạy học và hỗ trợ các sinh viên yếu kém. Điều này có thể tạo áp lực lớn, làm giảm hiệu quả giảng dạy và ảnh hưởng đến các sinh viên khác.

Ngoài ra, gây ra cạnh tranh không lành mạnh: Các trường khác có thể phải điều chỉnh tiêu chuẩn tuyển sinh để cạnh tranh, dẫn đến một “vòng xoáy” giảm chất lượng giáo dục toàn diện.

Mặt khác, tình trạng này cũng sẽ tạo định hướng sai lầm cho học sinh: Học sinh có thể hiểu sai rằng việc học đại học không cần nỗ lực lớn, dẫn đến thái độ học tập không nghiêm túc và thiếu cố gắng”.

Theo nữ đại biểu, một số ý kiến lo ngại việc “mở” đầu vào quá rộng dẫn đến tình trạng sinh viên bỏ dở chương trình hoặc học xong không tìm được việc làm đúng chuyên ngành, là hoàn toàn có căn cứ.

Cụ thể, nữ đại biểu đề cập đến một số hiện tượng đáng lo ngại: “Thiếu động lực và khả năng học tập: Sinh viên được tuyển vào với điểm số thấp thường thiếu động lực và khả năng học tập cần thiết để hoàn thành chương trình đại học. Điều này dẫn đến việc họ cảm thấy quá tải, mất hứng thú và cuối cùng là bỏ dở chương trình học.

Chất lượng giảng dạy và học tập giảm: Khi tiêu chuẩn đầu vào thấp, lớp học có thể bao gồm nhiều sinh viên với trình độ và khả năng khác nhau. Điều này gây khó khăn cho giảng viên trong việc duy trì chất lượng giảng dạy, và sinh viên giỏi có thể không nhận được sự hỗ trợ cần thiết để phát triển hết khả năng của mình.

Thị trường lao động khó khăn: Sinh viên tốt nghiệp với năng lực yếu kém do đầu vào thấp sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp với chuyên ngành. Nhà tuyển dụng có xu hướng lựa chọn những ứng viên có kỹ năng và kiến thức vững chắc, dẫn đến tình trạng sinh viên không tìm được việc làm đúng chuyên ngành hoặc phải làm những công việc không liên quan.

Lãng phí tài nguyên giáo dục và tài chính: Sinh viên bỏ dở chương trình học gây lãng phí tài nguyên giáo dục, thời gian và tiền bạc của cả gia đình và nhà trường. Điều này cũng tạo áp lực lên hệ thống giáo dục và tài chính công.

Uy tín của nhà trường bị ảnh hưởng: Khi tỉ lệ sinh viên bỏ học cao và tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm đúng chuyên ngành gia tăng, uy tín của nhà trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này có thể dẫn đến việc giảm số lượng tuyển sinh sau này...”.

Theo Đại biểu Quàng Thị Nguyệt, để khắc phục tình trạng này, các trường cần tăng cường kiểm soát chất lượng đầu vào và đầu ra, đảm bảo các tiêu chuẩn tối thiểu để duy trì uy tín và chất lượng giáo dục. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục cũng nên có các biện pháp giám sát và đánh giá chặt chẽ hơn.

Để công tác phân luồng học sinh được thực hiện tốt hơn và tránh tình trạng phụ huynh nhất định phải “đua” vào đại học, cũng như nâng cao vai trò của đào tạo nghề, đặc biệt ở các địa phương, theo nữ đại biểu, có thể xem xét các biện pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức: Tuyên truyền về giá trị của giáo dục nghề nghiệp, tăng cường công tác truyền thông về lợi ích và cơ hội việc làm từ giáo dục nghề nghiệp. Đưa các câu chuyện thành công từ cựu sinh viên trường nghề vào các chiến dịch truyền thông.

Tư vấn hướng nghiệp từ sớm, bắt đầu công tác tư vấn hướng nghiệp từ cấp trung học cơ sở, giúp học sinh và phụ huynh hiểu rõ về các lựa chọn học tập và nghề nghiệp khác nhau.

Thứ hai, cải thiện chất lượng đào tạo nghề: Nâng cao chất lượng giảng dạy và cơ sở vật chất, cụ thể, đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại và đào tạo giảng viên để nâng cao chất lượng giảng dạy tại các trường nghề. Liên tục cập nhật và điều chỉnh chương trình đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

Thứ ba, hợp tác với doanh nghiệp: Liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các trường nghề và doanh nghiệp để đảm bảo chương trình đào tạo sát với yêu cầu của thị trường lao động. Tạo điều kiện cho học sinh được thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp.

Hỗ trợ học sinh học nghề tìm kiếm việc làm ngay sau khi tốt nghiệp thông qua các chương trình hợp tác với doanh nghiệp, hội chợ việc làm và các hoạt động tư vấn nghề nghiệp.

Thứ tư, chính sách hỗ trợ học sinh và phụ huynh: Một mặt, cung cấp các chính sách ưu đãi về học phí, học bổng và hỗ trợ tài chính cho học sinh học nghề. Mặt khác, Nhà nước và các tổ chức có thể đưa ra các chính sách tuyển dụng ưu tiên hoặc bình đẳng giữa bằng cấp đại học và chứng chỉ nghề để khuyến khích học sinh chọn học nghề.

Thứ năm, nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý giáo dục địa phương: Phân luồng học sinh hiệu quả, các cơ quan giáo dục địa phương cần chủ động trong việc phân luồng học sinh dựa trên khả năng và sở thích của từng em. Tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và phụ huynh.

Đồng thời, thường xuyên đánh giá và giám sát các chương trình đào tạo nghề tại địa phương để đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Thứ sáu, tạo điều kiện học tập liên thông: Liên thông giữa các bậc học, tạo điều kiện cho học sinh học nghề có thể liên thông lên các bậc học cao hơn nếu có nhu cầu và khả năng. Điều này giúp học sinh thấy được con đường học tập và phát triển sự nghiệp rõ ràng hơn.

Bằng cách thực hiện các biện pháp này, công tác phân luồng học sinh sẽ được cải thiện, giúp học sinh và phụ huynh nhận thức rõ hơn về giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Mộc Trà