ĐH Sao Đỏ: Không thống kê học viên thạc sĩ, trường nêu lý do khó tuyển sinh

19/06/2024 06:45
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Báo cáo 3 công khai hai năm học 2020-2021, 2021-2022 của Trường Đại học Sao Đỏ đều tổng hợp nguồn thu của năm 2021, tuy nhiên, số liệu có nhiều chênh lệch.

Trường Đại học Sao Đỏ tiền thân là Trường Công nhân cơ Điện mỏ thành lập ngày 15/5/1969 và Trường Công nhân Cơ khí Chí Linh thành lập ngày 8/4/1975. Ngày 24/3/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 376/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Sao Đỏ trên cơ sở nâng cấp từ Trường Cao đẳng Công nghiệp Sao Đỏ.

Hiện, Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Các là chủ tịch hội đồng trường; Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Nguyên là hiệu trưởng. Nhà trường có 2 cơ sở đào tạo, trong đó cơ sở 1 nằm ở số 76, Nguyễn Thị Duệ, Thái Học 2, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương; Cơ sở 2 có địa chỉ tại Km78, quốc lộ 37, phường Thái Học, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Đào tạo sau đại học không đều, số lượng giảng viên cơ hữu giảm

Theo báo cáo 3 công khai từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022-2023, quy mô đào tạo của trường có xu hướng tăng.

ảnh-1.png
Quy mô đào tạo của Trường Đại học Sao Đỏ có xu hướng tăng (Ảnh chụp màn hình)

Căn cứ vào bảng số liệu trên có thể thấy quy mô đào tạo của nhà trường liên tục tăng qua các năm.

Cụ thể, năm học 2021-2022, nhà trường đào tạo tất cả 2.583 sinh viên hệ đại học chính quy (tăng 378 sinh viên so với năm học 2020-2021, tương đương tăng 17,1%).

Năm học 2022-2023, số sinh viên đại học chính quy của trường là 2.814 người (tăng 231 sinh viên so với năm học 2021-2022, tương đương tăng 8,9%). Số sinh viên hệ vừa học vừa làm năm học này cũng tăng 20 người so với năm học 2021-2022.

Tuy nhiên, năm học 2020-2021, nhà trường có 4 học viên thạc sĩ nhưng hai năm học tiếp theo nhà trường không thống kê số học viên thạc sĩ.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Văn Đỉnh - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ cho hay: Hiện tại nhà trường đang đào tạo thạc sĩ Kỹ thuật điện tử. Năm 2021, Bộ giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ.

Trước kia, ngoại ngữ đầu vào đối với thạc sĩ do cơ sở đào tạo quyết định còn hiện tại chuẩn đầu vào thạc sĩ theo khung bậc 3 trong khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc.

Chính vì thế, số học viên đăng ký cao học những năm gần đây giảm vì không đáp ứng được năng lực ngoại ngữ. Hàng năm cũng có một số lượng hồ sơ đăng ký nhưng số lượng quá ít nên nhà trường nhận thấy việc tổ chức đào tạo sẽ rất vất vả. Nhà trường không tổ chức thành lớp học chứ không dừng tuyển sinh.

Cũng theo thầy Đỉnh, nhà trường đào tạo theo hướng kỹ thuật thì phải học trực tiếp, còn học online sẽ không đảm bảo chất lượng vì ngoài lý thuyết, chương trình đào tạo còn nhiều hoạt động thực hành khác.

Nguyên nhân thứ hai là thạc sĩ về kỹ thuật hiện cũng không thu hút được nhiều người học. Theo quy định, giảng viên đại học phải có trình độ thạc sĩ trở lên, đào tạo thạc sĩ thì phải có tiến sĩ. Đó cũng là một rào cản đối với các ngành Kỹ thuật so với các ngành Kinh tế.

Nhà trường vẫn duy trì đào tạo thạc sĩ vì theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì phải sau 3 năm không tuyển sinh được mới đóng ngành.

Bên cạnh đó, chuẩn đầu ra của thạc sĩ hiện nay cũng cao hơn, nếu như trước kia chỉ yêu cầu trình độ B1 ngoại ngữ thì hiện tại là B2 cũng khó hơn nên cũng không thu hút được người học.

Cũng theo báo cáo 3 công khai hai năm học 2021-2022 và năm học 2022-2023, thông tin về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường đều được nhà trường liệt kê là trên 90% mà không có con số chính xác.

Khi được phóng viên đặt câu hỏi về tính chính xác của con số này cũng như nhà trường đã khảo sát bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ thông tin: Theo kết quả khảo sát và công khai trên hệ thống đảm bảo chất lượng của nhà trường năm 2021, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường đạt 91,4%, năm 2022 là 96,3%, năm 2023 là 94,8%.

“Hàng năm nhà trường đều tiến hành khảo sát hết tất cả sinh viên ra trường. Nhà trường sẽ khảo sát để nắm được là các em đã chủ động tìm kiếm việc làm chưa, nếu chưa có việc làm nhà trường sẽ có hỗ trợ. Ngoài ra, trường có tiến hành khảo sát khi các bạn chuẩn bị tốt nghiệp, sau 6 tháng và sau 12 tháng khi sinh viên tốt nghiệp”, thầy Đỉnh chia sẻ.

ảnh-2.jpg
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp sau 1 năm ra trường được nhà trường liệt kê trên 90% mà không có con số chính xác. (Ảnh chụp màn hình)

Đáng chú ý, mặc dù quy mô đào tạo tăng nhưng đội ngũ giảng viên của trường lại có xu hướng giảm.

Căn cứ vào bảng số liệu trên có thể thấy năm học 2021-2022 tổng số giảng viên cơ hữu của trường bằng năm học 2020-2021. Tuy nhiên, năm học này nhà trường lại giảm 2 giảng viên tiến sĩ, tăng 2 giảng viên thạc sĩ.

Năm học 2022-2023, số lượng giảng viên cơ hữu của trường giảm khá nhiều, nhất là trình độ thạc sĩ. Cụ thể, năm học này nhà trường giảm 1 tiến sĩ, 42 thạc sĩ so với năm 2021-2022. Cả 3 năm học 2020-2021, 2021-2022 và 2022-2023, Trường Đại học Sao Đỏ đều không có giảng viên chức danh giáo sư và phó giáo sư.

Chia sẻ về vấn đề này, thầy Đỉnh cho biết: Trước năm 2023 nhà trường có hợp đồng với 1 giáo sư toàn thời gian (không phải giáo sư cơ hữu mà là hợp đồng toàn thời gian). Năm 2023 nhà trường có một giảng viên ngành Cơ khí đạt chuẩn chức danh phó giáo sư ngành Cơ khí - Động lực.

Nhà trường cũng động viên, khích lệ các giảng viên tiến sĩ phấn đấu đạt đủ tiêu chuẩn để xét công nhận chức danh phó giáo sư. Trường Đại học Sao Đỏ hiện cũng có chính sách thu hút nhà khoa học về trường làm việc. Đồng thời cũng hỗ trợ các giảng viên tại trường nâng cao trình độ.

“Giảng viên tại trường nếu đi học sẽ được hỗ trợ kinh phí đào tạo (học phí, làm thí nghiệm lấy mẫu) và vẫn được hưởng lương. Sau khi các thầy cô tốt nghiệp về sẽ hỗ trợ kinh phí 70 triệu đồng với tiến sĩ kỹ thuật và 50 triệu đồng với tiến sĩ xã hội, các tiến sĩ nước ngoài về nước được hưởng thêm 40 triệu đồng.

Ngoài ra, với một số giảng viên có trình độ chuyên môn cao nhà trường có tổ chức thi đánh giá năng lực để sát hạch và có tổ bình chọn chuyên môn. Nếu ai đạt được ngưỡng này sẽ có thêm khuyến khích. Trong thời gian tới nhà trường cũng sẽ điều chỉnh làm sao có chính sách hỗ trợ tốt hơn”, thầy Đỉnh thông tin.

Về vấn đề số giảng viên thạc sĩ giảm, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ cũng chỉ ra một số nguyên nhân. Thứ nhất là một số giảng viên đến tuổi nghỉ hưu. Thứ hai là một số ngành tuyển sinh khó khăn nhà trường đã chuyển đổi vị trí làm việc của giảng viên, chuyển sang các phòng ban khác.

Ngoài ra, với những trường đóng trên địa bàn tỉnh cũng khó thu hút được giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Đồng thời kinh phí hỗ trợ chưa nhiều, mức lương cũng chưa cao nên cũng chưa thể thu hút và giữ chân được đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

Chia sẻ về chính sách thu hút và giữ chân đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong thời gian sắp tới, thầy Đỉnh cho hay trường đang xây dựng cơ chế, chính sách cho con em cán bộ công chức, viên chức nhà trường vào các trường đại học hoặc những sinh viên có hộ khẩu thường trú tại Hải Dương có khả năng học tập tốt được giữ lại trường và được khuyến khích học cao hơn.

Báo cáo 3 công khai 2 năm học đều tổng hợp nguồn thu của một năm

Theo quy định tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân yêu cầu cơ sở giáo dục đại học công khai thu chi tài chính theo biểu mẫu số 21. Trường Đại học Sao Đỏ đã thực hiện công khai theo quy định nhưng số liệu công khai có sự mâu thuẫn.

Theo đó, báo cáo 3 công khai năm học 2020-2021 và báo cáo 3 công khai năm học 2021-2022 nhà trường đều thống kê tổng thu của năm 2021. Mặc dù cùng là năm 2021 nhưng số liệu nguồn thu trong 2 báo cáo này có sự khác biệt. Cụ thể:

Tổng thu năm 2021 của trường (theo báo cáo 3 công khai năm học 2020-2021) là 41,147 tỷ đồng. Trong đó, thu từ ngân sách là 2 tỷ đồng (chiếm 4,86%); thu từ học phí là 38,027 tỷ đồng (chiếm 92,42%); thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 0,35 tỷ đồng (chiếm 0,85%); từ nguồn thu hợp pháp khác là 0,77 tỷ đồng (chiếm 1,87%).

Tổng thu năm 2021 của trường (theo báo cáo 3 công khai năm học 2021-2022) là 46,112 tỷ đồng. Trong đó, thu từ ngân sách là 13,15 tỷ đồng (chiếm 28,5%); thu từ học phí là 25,5 tỷ đồng (chiếm 55,3%); thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 1,5 tỷ đồng (chiếm 3,25%); thu từ nguồn thu hợp pháp khác là 5,962 tỷ đồng (chiếm 12,95%).

GDVN_dh-sao-do-1.jpg
Báo cáo 3 công khai của Trường Đại học Sao Đỏ trong 2 năm học đều tổng hợp nguồn thu của một năm (Ảnh: LT)

Về nguồn thu năm 2021, thầy Đỉnh cho biết nguồn thu chính xác của năm 2021 là 46,112 tỷ đồng. Trong đó, thu từ ngân sách là 13,15 tỷ đồng (chiếm 28,5%); thu từ học phí là 25,5 tỷ đồng (chiếm 55,3%); thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 1,5 tỷ đồng (chiếm 3,25%); thu từ nguồn thu hợp pháp khác là 5,962 tỷ đồng (chiếm 12,95%).

Nguyên nhân nhà trường công bố 2 số liệu khác nhau về nguồn thu của năm 2021 được thầy Đỉnh lý giải: “Báo cáo 3 công khai yêu cầu công bố vào tháng 6 nên nhà trường có sự nhầm lẫn con số nguồn thu 6 tháng đầu năm đưa vào. Về tài chính thường quyết toán theo năm kế hoạch là ngày 31/12 sẽ chốt sổ nhưng báo cáo 3 công khai lại vào tháng 6 nên có sự nhầm lẫn. Sau phản ánh của Tạp chí những năm tiếp theo nhà trường sẽ rà soát kỹ số liệu chính xác trước khi công bố”.

Theo báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, tổng thu năm 2022 của trường là 65,816 tỷ đồng. Trong đó, thu từ ngân sách là 21,703 tỷ đồng (chiếm 32,97%); từ học phí là 33,515 tỷ đồng (chiếm 50,92%); từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 1,263 tỷ đồng (chiếm 1,92%); từ nguồn thu hợp pháp khác là 9,335 tỷ đồng (chiếm 14,19%).

Như vậy có thể thấy phần lớn nguồn thu của Trường Đại học Sao Đỏ đều đến từ học phí (có năm nguồn thu từ học phí chiếm tới 92,42% trong cơ cấu nguồn thu). Đáng chú ý nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu nguồn thu (3 năm gần nhất chỉ dao động từ 0,85-3,25%).

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện nhà trường thông tin, nhà trường cũng có nhiều giải pháp để nâng cao nguồn thu cho hoạt động khoa học công nghệ như: Phối hợp với các nhà khoa học, các cơ sở giáo dục đại học tham gia đấu thầu các đề tài cấp Bộ. Nhà trường cũng đã thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học cho các doanh nghiệp, có đề tài trị giá 5 tỷ đồng.

Trong định hướng phát triển khoa học công nghệ của trường hàng năm đã khuyến khích giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học gắn với chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhà trường còn tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để xác định xem trong thực tế doanh nghiệp cần điều gì và trường sẽ tổ chức nghiên cứu. Từ đó tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

LÃ TIẾN