Cần có mức “điểm sàn” nhất định để không tuyển những thí sinh quá kém vào học ĐH

11/06/2024 09:22
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Theo ĐBQH, cần có một mức “điểm sàn” nhất định, nhất là với các trường tư, để không tuyển những thí sinh quá kém vào đại học, đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực.

Những năm gần đây, không ít trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển học bạ với điểm chuẩn trúng tuyển chỉ từ 15-16 điểm, tức chỉ hơn 5 điểm/môn đã trúng tuyển đại học.

Điều này khiến các chuyên gia bày tỏ nhiều lo ngại về chất lượng đầu vào thí sinh quá thấp, kéo theo đó là băn khoăn về chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

GDVN_minh họa.JPG
Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Nhiều trường lấy điểm chuẩn quá thấp để cạnh tranh tuyển sinh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương có một số chia sẻ.

z5525464089793_3ca361ed3ccf5ad90a54375c634630c9.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: NVCC.

Theo đó, nữ đại biểu đề cập: “Ở nhiều nước trên thế giới, đầu vào đại học cũng rất mở, thí sinh có thể đăng ký vào bất kỳ một trường đại học nào phù hợp với nguyện vọng và khả năng của mình. Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo cũng như kiểm soát đầu ra đều được làm rất chặt chẽ, sinh viên buộc phải đạt các yêu cầu, chuẩn đầu ra thì mới được tốt nghiệp.

Làm như vậy, sẽ đảm bảo được chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài ra, như vậy, người học sẽ phải suy nghĩ rất chín chắn khi lựa chọn ngành học, bởi khi đã quyết định theo một trường đại học nào, là sẽ phải gắn bó và học tập thực sự rất nghiêm túc, để việc học không bị gián đoạn hoặc không trở nên vô nghĩa.

Còn tại Việt Nam, để cạnh tranh tuyển sinh được đủ chỉ tiêu, nhiều trường đại học đã lấy điểm chuẩn với mức khá thấp”.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, hiện nay, Việt Nam đang tập trung để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì đương nhiên phải nâng cao chất lượng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

“Thực tế, dù đã có nhiều khởi sắc sau khi Luật Giáo dục đại học ra đời, tuy nhiên chất lượng giáo dục đại học hiện nay chưa được như kỳ vọng - vấn đề này cũng đã từng được rất nhiều đại biểu đề cập trong các phiên thảo luận của Quốc hội” - đại biểu chia sẻ.

Trước thực tế đó, Đại biểu Việt Nga cho rằng cần phải có tổng thể các giải pháp khác nhau để có thể nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

“Trong đó, không thể thiếu giải pháp liên quan đến vấn đề tuyển sinh đầu vào, phải làm sao cho thực chất, có chất lượng. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng dạy và học trong các cơ sở giáo dục đại học cũng như nghiên cứu khoa học.

Tôi tin rằng tới đây, chắc chắn Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ có rất nhiều chương trình, đề án liên quan đến vấn đề này. Bởi vì, chúng ta xác định, nâng cao năng suất lao động và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới” - nữ đại biểu nhấn mạnh.

Cần thiết phải có một mức “điểm sàn” nhất định

Ở góc độ khác, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội lại cho rằng, đã xét tuyển đại học, không thể chỉ thông qua điểm học bạ.

Còn về việc xét tuyển đại học thông qua học bạ và lấy mức điểm chuẩn chỉ khoảng 15-16 điểm/3 môn, vị đại biểu cho rằng đây là điều hết sức vô lý và chính điều đó đã tạo ra những tác động tiêu cực trong giáo dục.

1dai-bieu-truong-xuan-cu-doan-dbqh-tp-ha-noi-1880.jpg
Theo Đại biểu Trương Xuân Cừ, việc xét tuyển đại học bằng học bạ và lấy mức điểm chuẩn chỉ khoảng 15-16 điểm/3 môn, là điều hết sức vô lý. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ cũng nhấn mạnh: “Việc các chuyên gia lo ngại về chất lượng tuyển sinh và đào tạo đại học khi các trường lấy mức điểm chuẩn thấp như vậy là có căn cứ. Đầu vào đại học là cực kỳ quan trọng, chính chất lượng đầu vào đó sẽ quyết định một phần chất lượng đào tạo cả quá trình học đại học.

Đã đến lúc, chúng ta cần phải làm một cách nghiêm túc, kiểm soát cả đầu ra lẫn đầu vào đại học, không thể tiếp tục “nới lỏng” đầu vào, nhất là theo kiểu “vơ bèo vạt tép” như ở một số cơ sở giáo dục đại học hiện nay.

Theo tôi, cần thiết phải có một mức “điểm sàn” nhất định, đặc biệt đối với các trường để khống chế tình trạng trên. Có như vậy, sẽ góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực sau này”.

Chia sẻ liên quan đến vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn - nguyên Đại biểu Quốc hội (khóa XII) cũng cho rằng: “Để đảm bảo chất lượng đào tạo đại học, thì chất lượng tuyển sinh đầu vào cũng đóng góp rất lớn.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, số lượng học sinh tốt nghiệp phổ thông có nhu cầu vào đại học hiện nay là rất lớn; mặt khác, do tâm lý và tập quán của người Việt, các bậc phụ huynh cũng mong muốn con mình phải vào đại học... dẫn đến công tác phân luồng của chúng ta không rõ ràng. Ít nhất phải có 50% học sinh sau khi tốt nghiệp, bước vào đào tạo nghề và trực tiếp tham gia vào thị trường lao động. Tuy nhiên, do tâm lý quá coi trọng bằng cấp, cha mẹ “ép” học sinh phải vào đại học, đã dẫn đến tình trạng quá tải tuyển sinh. Các trường đại học mới mở ra ngày càng nhiều và có một số trường đại học hiện nay đi theo xu hướng cứ nhận sinh viên vào, dẫn đến có những trường “mở rộng” đầu vào với mức điểm chuẩn khá thấp.

Chính vì vậy, theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra một thang điểm nhất định để đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường đại học”.

Đảm bảo chất lượng đào tạo, để doanh nghiệp đánh giá chất lượng

Giáo sư Hà Thanh Toàn cũng chỉ ra: “Điều quan trọng nhất là làm sao xây dựng được chương trình đào tạo có thể kiểm soát được chất lượng học tập cho sinh viên, đảm bảo sau quá trình phấn đấu, vẫn đảm bảo được yêu cầu đầu ra.

Ví dụ, đối với một chương trình đào tạo cử nhân 4 năm, nếu sinh viên học không đàng hoàng, sẽ phải ở lại lâu hơn, kéo dài chương trình học 6-7 năm, chứ không phải cứ vào học là kiểu gì cũng ra được trường.

Các trường đại học phải công khai, minh bạch chương trình đào tạo và có cơ chế kiểm soát để đảm bảo chất lượng, sinh viên tốt nghiệp buộc phải đáp ứng được nhu cầu của xã hội, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đó là trách nhiệm của các trường đại học”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phải giám sát được chương trình đào tạo, được tổ chức, giảng dạy như thế nào, đầu ra phải đảm bảo chất lượng ra sao, có đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, của đơn vị tuyển dụng, của xã hội hay không? Vấn đề này phải được thực hiện một cách rất nghiêm túc, chứ không phải chỉ là hình thức” - thầy Toàn đề cập.

gdvn-ha-thanh-toan-2416.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn - nguyên Đại biểu Quốc hội (khóa XII). Ảnh: Mộc Trà.

Bên cạnh đó, theo Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, song song với các giải pháp kiểm soát chất lượng tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, vai trò đánh giá chất lượng đào tạo sinh viên của các nhà trường cũng cần có sự tham gia mạnh mẽ hơn từ phía các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động.

Cụ thể, thầy Toàn phân tích: “Các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động cũng phải tham gia đánh giá chất lượng nhân lực được đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học một cách khách quan. Do đó, xu thế liên kết, hợp tác giữa trường đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp càng cần phải được triển khai tích cực hơn. Một mặt, doanh nghiệp đảm bảo sẽ tiếp nhận sinh viên đi thực tế, thực tập; mặt khác, nếu chất lượng sinh viên tốt, doanh nghiệp cũng sẽ có kế hoạch sử dụng lao động sau khi tốt nghiệp...

Như vậy, một trong những cách để đánh giá thực chất chất lượng đào tạo của các trường đại học chính là để doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đánh giá. Khi có tiếng nói của đơn vị sử dụng lao động một cách khách quan, sẽ phần nào giảm bớt những đánh giá chỉ tồn tại dựa trên con số hay hình thức”.

Nếu “áp cứng” điểm sàn, dễ kéo theo tiêu cực

Mặc dù cho rằng, cần có một thang điểm nhất định để tránh tình trạng “mở toang” đầu vào đại học, song, Giáo sư Hà Thanh Toàn cũng nhấn mạnh: “Không thể lấy một mức điểm sàn chung cho tất cả các ngành đào tạo, bởi lẽ, còn tùy thuộc vào sức hút của ngành đó đối với người học.

Chẳng hạn, vì sao điểm trúng tuyển vào ngành y luôn cao? Đó là bởi có quá nhiều thí sinh mong mỏi và đăng ký nguyện vọng vào đó, nên khi xét tuyển, nhà trường lấy điểm từ cao xuống thấp, mà chỉ lấy đến mức 28-29 điểm là đã tuyển đủ chỉ tiêu. Hay như gần đây, đối với ngành sư phạm, do chúng ta đã có chính sách hỗ trợ, nên ngành học cũng dần trở nên thu hút hơn.

Vậy, khi có những chính sách khuyến khích đối với sinh viên, người lao động trong lĩnh vực nào, thì sẽ tạo thêm sức hút cho chính ngành đó trong tuyển sinh, dần dần, cũng cải thiện và dẫn tới điểm chuẩn trúng tuyển cao lên. “Bài toán” khi này trở thành, làm sao để Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các trường đại học có mối liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau, để các trường đại học đào tạo theo đúng nhu cầu của doanh nghiệp, của xã hội”.

Mộc Trà