Ngày 19/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đoàn công tác đã thăm, tặng quà nạn nhân chất độc da cam/dioxin hai huyện Đông Hoà, Tây Hoà, tỉnh Phú Yên, nhân Tháng Hành động vì nạn nhân chất độc da cam năm 2019.
Phú Yên hiện có 11.380 người bị tật nguyền do phơi nhiễm chất độc da cam, trong đó có 187 gia đình có từ 2-4 nạn nhân bị phơi nhiễm. Có 5.731 người được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với các nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: TTXVN |
Phần đông các nạn nhân có độ tuổi từ 50-70, sức khỏe yếu. Nhiều người có con, cháu bị dị dạng, dị tật không tự lực được trong sinh hoạt. Tiền chữa bệnh hằng tháng chiếm tỉ lệ rất cao so với thu nhập, nhiều người lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn...
Vì thế, nhiều nạn nhân đang từng ngày vật lộn với đau đớn, bệnh tật, sống trong cảnh nghèo khó.
Riêng hai huyện Đông Hoà, Tây Hoà có gần 3.200 người bị phơi nhiễm, ảnh hưởng, di chứng của chất độc da cam. Trong đó có khoảng 1.600 người hưởng chế độ chính sách, trợ cấp xã hội thường xuyên.
Để làm vơi bớt khó khăn cho những gia đình nạn nhân chất độc da cam, các cấp hội nạn nhân chất độc da cam của tỉnh Phú Yên đã tích cực vận động các cấp, ngành, địa phương, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm và cộng đồng thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ bằng nhiều hình thức thiết thực như: Tặng học bổng; cho vay vốn, tạo việc làm cho những người có khả năng lao động; thăm khám chữa bệnh; sửa chữa, xây nhà mới… Sự đồng hành, đoàn kết, nghĩa tình đã phần nào giúp các gia đình nạn nhân giảm bớt khó khăn, mất mát.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ cảm phục ý chí của những gia đình có người bị phơi nhiễm, bị ảnh hưởng chất độc da cam, trong đó có nhiều người là cựu chiến binh, luôn vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Hoàn cảnh của nhiều gia đình hết sức éo le khi di chứng chất độc da cam ảnh hưởng đến cả thế hệ thứ hai, thứ ba. Không chỉ một mà nhiều thành viên gia đình cũng bị di chứng chất độc da cam.
Phó Thủ tướng cho biết: Chiến tranh đã qua đi mấy chục năm. So với thế giới, đất nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thứ hai, liên tục trong hơn 20 năm. Tuy nhiên, trước những hậu quả nặng nề của chiến tranh nên chúng ta vẫn còn rất nghèo.
Vì vậy, dù hết sức cố gắng nhưng các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người có công, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội… vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của mọi gia đình.
Riêng đối với các nạn nhân chất độc da cam, đến nay vẫn còn nhiều người chưa đủ điều kiện để nhận trợ cấp xã hội thường xuyên.
“Chúng ta cần phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách” để hỗ trợ ở mức tối đa có thể giúp các nạn nhân có thêm điều kiện vượt qua khó khăn”, Phó Thủ tướng kêu gọi và biểu dương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ với Hội Nạn nhân chất độc da cam thường xuyên có nhiều hoạt động hướng về các đối tượng chính sách, nạn nhân chất độc da cam.
Cùng với đó là sự đồng hành của các nhà tài trợ, trước hết là các doanh nghiệp lớn, trong đó nhiều đơn vị tiên phong đi đầu là doanh nghiệp Nhà nước.
“Mong rằng cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Nhà nước thường xuyên chăm lo, giúp đỡ về vật chất, thời gian, tinh thần, tình cảm cho những đối tượng thiệt thòi, khó khăn”, Phó Thủ tướng mong muốn và gửi lời cảm ơn đến những người dân, bà con lối xóm hằng ngày luôn sẻ chia, đùm bọc, giúp đỡ các gia đình nạn nhân chất độc da cam.
Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan liên quan, trong đó có ngành Lao động Thương bình và Xã hội, y tế, cùng phối hợp, sớm làm các công việc cần thiết để tiếp tục xác định các đối tượng bị di chứng, ảnh hưởng chất độc da cam cần đưa vào diện hỗ trợ của Nhà nước, kết hợp với các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng để giúp bà con vươn lên.
“Sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm có bao nhiêu cũng không bù đắp hết những thiệt thòi, mất mát của những người bị nhiễm chất độc da cam.
Chúng ta hãy cố gắng cùng nhau vượt qua khó khăn, đóng góp cho xã hội trước hết bằng nghị lực của mình, từ đó lan toả những điều tốt đẹp cho xã hội”, Phó Thủ tướng nói.