Chinh phục đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có khó?

24/05/2023 06:40
KHÁNH VĂN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đa phần các địa phương vẫn nhân điểm hệ số 2 đối với môn Ngữ văn và môn Toán nên việc đạt điểm cao môn Văn sẽ rất có lợi trong kỳ thi tuyển sinh 10.

Đến thời điểm này, tất cả các địa phương đã công bố phương án thi tuyển sinh 10 cho năm học 2023-2024 tới đây và công bố các môn thi đến các em học sinh lớp 9. Chính vì vậy, việc chuẩn bị tốt các môn thi để chinh phục kỳ thi tuyển sinh 10 là rất quan trọng đối với những em học sinh lớp 9, trong đó có môn Ngữ văn.

Bởi lẽ, cũng giống như các năm trước đây, đa phần các địa phương vẫn nhân điểm hệ số 2 đối với môn Ngữ văn và môn Toán nên việc đạt điểm cao môn Văn sẽ rất có lợi trong kỳ thi tuyển sinh 10.

Điều đặc biệt là trong năm học 2022-2023 này, môn Ngữ văn lớp 9 đang tiếp tục được giảm tải rất nhiều bài học theo hướng dẫn của Công văn 3280/BGDĐT-GDTrH nên dẫn đến nhiều thuận lợi cho thầy- trò ở các nhà trường khi dạy và học, cũng như ôn thi tuyển sinh 10.

Việc chuẩn bị tốt về kiên thức, phương pháp tiếp cận sẽ dễ dàng đạt được điểm cao môn Ngữ văn (Ảnh minh họa, nguồn: Classbook.vn).

Việc chuẩn bị tốt về kiên thức, phương pháp tiếp cận sẽ dễ dàng đạt được điểm cao môn Ngữ văn

(Ảnh minh họa, nguồn: Classbook.vn).

Môn Ngữ văn 9 đã được giảm tải như thế nào?

Theo hướng dẫn của các văn bản giảm tải trước đây và mới nhất là Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì gần như các môn học ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đều đã được giảm tải rất nhiều đơn vị kiến thức.

Trong đó, môn Ngữ văn 9 đã giảm tải nhiều bài khó ở phân môn tiếng Việt và phần văn bản để chuyển sang đọc thêm hoặc khuyến khích học sinh tự đọc.

Đối với phần văn bản là các bài, đoạn trích: Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh; Cảnh ngày xuân; Mã Giám Sinh mua Kiều; Kiều báo ân báo oán; Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ; Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới; Chó Sói và Cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông-ten; Con cò; Con chó bấc; Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang; Bắc Sơn; Bến quê.

Phần tiếng Việt là các bài: Xưng hô trong hội thoại ;Trường từ vựng; Trau dồi vốn từ…Và, thông thường, những bài đã chuyển sang đọc thêm hoặc khuyến khích học sinh tự đọc thì các địa phương đã hướng dẫn sẽ không nằm trong nội dung kiểm tra, thi cử.

Vì thế, đối với phần văn bản chỉ còn tập trung trọng tâm vào các bài, đoạn trích như sau:

Phần văn xuôi: Chuyện người con gái Nam Xương; Hoàng Lê nhất thống chí (hồi 14);Làng; Chiếc lược ngà; Lặng lẽ Sa Pa; Những ngôi sao xa xôi; Bố của Xi- Mông.

Phần thơ: Chị em Thuý Kiều; Kiều ở lầu Ngưng Bích; Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga; Đồng chí; Bài thơ về tiểu đội xe không kính; Đoàn thuyền đánh cá; Bếp lửa; Ánh trăng; Mùa xuân nho nhỏ; Viếng lăng Bác; Sang thu; Nói với con; Mây và Sóng.

Mặc dù số tác phẩm văn học vẫn còn nhiều nhưng nếu so với các năm học trước khi Bộ ban hành Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH thì kỳ thi tuyển sinh 10 tới đây đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Vì thế, học sinh sẽ bớt đi áp lực và thuận tiện hơn khi ôn thi trong khoảng thời gian còn lại của năm học này.

Ôn thi môn Văn như thế nào sẽ hiệu quả?

Lâu nay, đa phần đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh 10 ở các địa phương có sự khác nhau về cấu trúc. Nhưng, phần nhiều thường có 2 phần, đó là phần đọc hiểu (3-4 điểm) và phần làm văn (6-7 điểm).

Nếu phần làm văn 7 điểm thì thường có câu 2 điểm (viết đoạn văn) và câu 5 điểm (nghị luận văn học). Và, cấu trúc đề vẫn được các Sở thông báo trước kỳ thi để các nhà trường và học sinh chủ động trong công tác ôn tuyển sinh.

Để chinh phục tốt được đề Ngữ văn và hướng tới điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh 10 thì học sinh nên hệ thống lại các đơn vị kiến thức theo giai đoạn hoặc theo từng chủ đề sẽ dễ nhớ, dễ cảm nhận hơn.

Bởi vì, mỗi giai đoạn văn học sẽ có một bối cảnh lịch sử riêng, tác động trực tiếp lên nhân vật văn học.

Vì thế, học sinh nên gom lại với nhau thành từng giai đoạn: văn học trung đại; văn học kháng chiến chống Pháp; văn học kháng chiến chống Mĩ; văn học sau 1975. Hoặc, có thể gom theo chủ đề như: thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ; chủ đề người lính, chủ đề tình phụ tử…

Đối với phần tiếng Việt thì phần lớn sách Ngữ văn 9 của 2 học kỳ đã gom lại các chủ đề ở cuối học kỳ, như: từ vựng; biện pháp tu từ; cụm từ; thành phần câu; câu chia theo cấu tạo, câu chia theo mục đích nói…

Phần tập làm văn thì học sinh chỉ cần tập trung chủ yếu ở học kỳ II của lớp 9 với 2 kiểu bài chính là nghị luận xã hội; nghị luận văn học và phần làm văn thường nằm ở mức 6-7 điểm/ thang điểm 10.

Phần văn nghị luận thường yêu cầu viết đoạn văn nên chủ ý cần hướng tới câu mở đoạn, kết đoạn và bám sát vào yêu cầu của đề bài để triển khai cho lời văn mạch lạc, rõ ràng, không nên sa đà, lan man các ý.

Đối với câu nghị luận văn học thì phải có bố cục rõ ràng, hệ thống luận điểm, luận cứ phải chặt chẽ, lý lẽ phải thuyết phục và chắt lọc được những dẫn chứng cụ thể, sinh động để làm sáng tỏ các luận cứ, luận điểm.

Đặc biệt, đối với môn Văn thì khi trình bày cần phải chú ý về hình thức. Bài viết cần đẹp, sạch sẽ, chữ viết rõ ràng, dễ đọc và bài văn thì chia thành nhiều đoạn để tạo khoảng nghỉ cho người chấm.

Điều quan trọng nhất là các văn bản thơ các em nên thuộc, văn xuôi phải nhớ được cốt truyện, tình huống truyện, hoàn cảnh sáng tác, vị trí của đoạn trích, nhân vật, nội dung và một số lời thoại tiêu biểu thì khi cảm nhận mới sâu và thuyết phục được người chấm.

Đặc biệt, khi hành văn phải rõ ràng, lời lẽ sắc bén qua các luận cứ, luận điểm sẽ thuyết phục được người đọc.

Môn Ngữ văn là môn lâu nay vẫn được xem là “định tính” vì thế, bài viết cần trình bày đẹp, rõ ràng các ý, bố cục cân đối, lời văn chân thực, hồn nhiên, đan xen những dẫn chứng, liên hệ phù hợp sẽ dễ dàng chinh phục được giám khảo chấm thi.

Vì vậy, nếu học sinh chú ý trong học tập, tận dụng tốt thời gian vài tuần còn lại của năm học thì việc có được số điểm cao môn Ngữ văn không phải là quá khó.

KHÁNH VĂN