"Chính sách của Bộ GTVT chưa thể hiện được lòng dân"

02/04/2012 17:13
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - Chính sách của Bộ GTVT chưa thể hiện được lòng dân. Doanh nghiệp gồng mình chịu phí... là những tin bài nóng xung quanh vấn đề thu phí giao thông.
Đó là đánh giá của ông Nguyễn Túc - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xung quanh đề xuất thu phí giao thông của Bộ GTVT.

"Chính sách của Bộ GTVT chưa thể hiện được lòng dân
"

Trả lời phỏng vấn trên báo Dân Việt, ông Túc cho biết “trong các buổi thảo luận của Mặt trận gần đây, chúng tôi đều thấy rằng nhiều loại thuế, phí hiện nay không rõ định hướng xã hội chủ nghĩa. Thuế, phí phải góp phần giảm sự phân hóa giàu nghèo, ổn định an sinh xã hội. Chính vì vậy, đối tượng nào phải đóng, đối tượng nào không cần, phải được phân định rõ ràng để đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chẳng hạn xe “xịn”, xe để đi chơi thì phải đóng nhiều, đóng đủ loại thuế, phí là đương nhiên. Còn các loại xe “cà tàng”, xe của nông dân mang hàng hóa ra đô thị bán mà bắt họ đóng đủ loại thuế, phí như các loại xe khác là không thỏa đáng, không khuyến khích được sản xuất. Bởi người nông dân là khổ nhất, được hưởng ít. Đừng thấy lợi cho mình mà ép người dân”.

Ông Nguyễn Túc - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Ông Nguyễn Túc - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ông cho rằng, Bộ GTVT từ trước tới nay vẫn chịu nhiều sức ép của xã hội, dư luận nhất. Tuy nhiên với đề xuất này, rõ ràng chính sách của Bộ chưa thể hiện được lòng dân, nhất là qua những chính sách gần đây chưa xuất phát từ thực tiễn cuộc sống và thể hiện nguyện vọng của nhân dân. Do vậy, cái mất sẽ là mất đi sự ủng hộ của người dân.

Việc học tập, rút kinh nghiệm những ưu điểm của nước ngoài là tốt, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn Việt Nam thì nên coi trọng tính hợp lý và sự phù hợp. Không nên tách rời thực tiễn và lý thuyết, và chỉ khi nào độc lập suy nghĩ thì mới có chính sách đi từ lòng dân.
Doanh nghiệp gồng mình chịu phí
Nguồn tin trên Thanh niên Online cho hay, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định việc nhà nước tăng các khoản phí lên phương tiện giao thông, dẫn tới chi phí vận chuyển tăng cao đang khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) giảm sút.

Trước tình hình hàng loạt khoản phí mới đối với phương tiện giao thông đang chuẩn bị được áp dụng, ông Nguyễn Hồng Hà, PGĐ một xí nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh ở miền Tây, cho biết điều này sẽ tăng áp lực đối với DN vốn đang rất khó khăn. Chi phí vận chuyển hàng xuất khẩu từ đầu năm đến nay đã tăng từ 15 - 20%. “Việc tăng chi phí ở ta có đặc điểm là tăng rất đột ngột, DN không kịp trở tay, đành chấp nhận huề vốn thậm chí lỗ nặng bởi hợp đồng đã ký trước đó. DN cũng không thể thương lượng với đối tác nước ngoài về chuyện phí tăng không lường trước được”, ông Hà nói. 

Hạ tầng giao thông chậm cải thiện nhưng các loại phí mới luôn được đề xuất. Ảnh: D.Đ
Hạ tầng giao thông chậm cải thiện nhưng các loại phí mới luôn được đề xuất. Ảnh: D.Đ

Theo ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và mỹ nghệ TP.HCM, các DN ngành gỗ đã gánh thêm chi phí vận chuyển tăng khoảng 10%, chưa kể giá nguyên liệu đầu vào tăng 10 - 15%..., trong khi các đơn hàng chỉ có thể tăng giá 5 - 7%. “Chi phí tăng đã đẩy giá thành sản phẩm tăng cao, khiến sản phẩm VN mất hấp dẫn, giảm tính cạnh tranh. Hậu quả là đối tác chạy qua nước khác đặt hàng. DN chỉ có thể tiết kiệm chi phí quản lý, chứ không thể nào tiết kiệm chi phí vận chuyển nên đành phải chịu”, ông Hùng khẳng định.

Với các DN lữ hành, chi phí vận chuyển chiếm khoảng 30% trong cấu thành tour. Theo ông Trần Vĩnh Lộc, giám đốc một công ty du lịch ở TP.HCM, DN bị đủ thứ phí đè nặng. Ra khỏi công ty, vào sân bay đón khách đã tốn mấy loại phí; chạy tới điểm tham quan thì có phí cầu đường, gần đây có phí cao tốc tham quan Mỹ Tho cả đi và về mất tương đương 20 USD, rồi phí bến bãi… “Hơn 90% hợp đồng cũ DN phải chấp nhận thua lỗ do những đợt tăng phí tăng giá bất ngờ gần đây”, ông Lộc nói. 
“Thu phí không phải là sáng kiến của Bộ GTVT”

Trên Tin nhanh năng lượng mới (Petrotimes) đưa tin, trong cuộc họp báo Chính phủ ngày 1/4/2012, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã khẳng định: phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí ôtô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm chưa thu trong năm nay. Ông tái khẳng định sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân về việc này.

Trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trả lời rất nhiều câu hỏi chất vấn liên quan đến vấn đề thu phí giao thông.

Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân".
Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân".

Ông đã nhắc lại Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua cuối năm 2011 về các giải pháp cấp bách nhằm hạn chế tai nạn giao thông: “Các đề xuất này đều dựa trên chủ trương của Quốc hội và Chính phủ đã đưa ra trước đó. Đây không phải là sáng kiến của Bộ GTVT hay của cá nhân tôi, chúng tôi cũng không tự ý thực hiện".

Tuy nhiên, như thường lệ, Bộ trưởng Đinh La Thăng thẳng thắn: “Chúng tôi sẽ không trốn tránh trách nhiệm. Bộ GTVT sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân”.
Bộ trưởng nào… “hot” nhất?

Thông tin trên báo Đất Việt Online, câu chuyện này được nghe trong quán cà phê và người trả lời cũng rất thực lòng, rằng bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) là người “hot” nhất!
Vì sao vậy? Người trả lời phân tích: Bộ trưởng Đinh La Thăng đang đụng vào ví tiền của người dân với quá nhiều loại phí đánh vào xe máy, ô tô. Mà đã đụng vào ví tiền của người dân tất nhiên dân phản ứng, cho nên bộ trưởng Thăng là bộ trưởng “hot” nhất! Ngay cả nữ ca sĩ Mỹ Linh, khi trả lời phỏng vấn Phunutoday về việc thu phí lưu hành ô tô, cũng nói rằng “anh Thăng làm thế là… kém”! 
Bộ trưởng Đinh La Thăng “hot” thật, cứ xem báo thì biết, người dân phản ứng ầm ầm chuyện thu phí bảo trì đường bộ, phí vào nội ô giờ cao điểm. Các chuyên gia cũng nhảy vào cuộc, phân tích rất khoa học chuyện phí chồng phí trong giao thông không thể là biện pháp hữu hiệu chống nạn ùn tắc giao thông, mà thực tế là đánh vào ví người nghèo vốn mỏng dính.

Người ta bảo trong các bộ trưởng nhậm chức nhiệm kỳ này, ông Đinh La Thăng là bộ trưởng “hot” nhất, với những phát biểu táo bạo, những đề xuất gây tranh cãi. Ví dụ như ông Đinh La Thăng phát biểu trước Quốc hội, đề xuất “xin” tổng thu nhập 2 năm của ngành dầu khí (khoảng 40.000 tỉ đồng) để xây dựng một số hạng mục hạ tầng giao thông quan trọng; chuyện “trảm tướng” ở công trường xây dựng sân bay Đà Nẵng; chuyện thu phí giao thông.

Thực tế, bộ trưởng Thăng trở nên “hot” nhất không là chuyện lạ vì ông đảm nhận nhiệm vụ ở một bộ “nóng” như Bộ GTVT với quá nhiều vấn đề lưu cữu mấy chục năm qua như hạ tầng giao thông yếu kém, dù Quốc lộ 1A, nhiều tuyến đường trên khắp cả nước đầy rẫy trạm thu phí; hệ thống giao thông công cộng nhiều năm bị bỏ rơi; nạn ùn tắc giao thông ở nhiều đô thị lớn đã trở thành vấn nạn.

Tình hình bộn bề như vậy, giờ Bộ GTVT đề ra hàng loạt phí giao thông, người dân phản ứng cũng là chuyện bình thường.
Hải Phong (Tổng hợp)