Cho dù có tâm huyết với nghề thì các cô cũng không nên quỳ lạy, van xin

17/06/2018 08:05
CHÍ NHÂN
(GDVN) - Cô giáo quỳ lạy như vậy là một hình ảnh không đẹp, vô cùng phản cảm khi cơ sở hoạt động dạy, chăm sóc trẻ chưa tuân theo quy định của luật pháp.

Những ngày gần đây, vụ việc các cô giáo ở cơ sở  mầm non Tuổi Thơ (huyện Thanh Chương, Nghệ An) quỳ gối, khóc lóc van xin Chủ tịch thị trấn Thanh Chương để không phải đóng cửa hoạt động đã rộ lên nhiều ý kiến trái chiều.

Lý do chính quyền địa phương quyết đóng cửa hoạt động của nhà trường là do chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục pháp lý để hoạt động.

Nhiều ý kiến cho rằng việc quỳ lạy là các cô giáo đang đánh mất đi lòng tự trọng, cũng có ý kiến cho rằng chính quyền địa phương xử lý cứng nhắc. 

Đánh giá về hành động của các cô giáo trường mầm non Tuổi Thơ khi quỳ lạy, khóc lóc van xin không đóng cửa trường, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, đó là một biểu hiện cử chỉ ngôn ngữ rất đặc biệt, truyền tải thông điệp đến các nhà quản lý.

“Hành động của các cô giáo là biểu hiện của cử chỉ ngôn ngữ rất đặc biệt để truyền tải một thông điệp đến các nhà quản lý rằng, người ta đã làm đến mức tốt nhất vì sự nghiệp giáo dục.

Hành động quỳ gối van lậy đã có từ xa xưa, để đến mức phải quỳ gối van lậy là đã thấy được mức độ cuối cùng mà họ buộc phải làm.

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất.
Nhà nghiên cứu tâm lý  Nguyễn An Chất.

Hành động quỳ gối van xin không phải là hèn hạ, hay là hạ thấp chính mình của các cô giáo mà theo tôi hiểu tâm lý của thầy cô giáo đó là một sự tâm huyết rất cao để mang lại điều tốt đẹp cho xã hội.

Vì điều kiện nên họ làm điều đó chứ không phải sự hèn hạ, đánh mất long tự trọng của mình”, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất đánh giá.

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cũng cho rằng, các cô giáo cư xử như vậy không phải vì lợi ích cá nhân mà ở đây vì lợi ích cộng đồng.

Cho dù có tâm huyết với nghề thì các cô cũng không nên quỳ lạy, van xin ảnh 2Kiên quyết đóng cửa trường Tuổi Thơ, mặc dù các cô đã quỳ lạy cầu xin

“Xét về nhận thức, tâm lý con người tôi không nghĩ họ đánh mất lòng tự trọng của mình, mà họ làm đến mức cuối cùng để những nhà quản lý biết được yêu cầu của họ và có hướng giải quyết tốt đẹp hơn.

Họ đã đưa ra một thông điệp là cần giải quyết vấn đề một cách tích cực, đứng đắn, minh bạch. Nếu họ quỳ gối để van xin cho riêng cá nhân họ thì chuyện lại khác, đây họ đã van xin cho cộng đồng, cho các phụ huynh thì lại là chuyện khác.

Đây không phải vì cá nhân, vì hèn kém mà đây là lợi ích của cộng đồng, họ đã làm những việc đó để cầu mong cho cộng đồng tốt hơn.

Và làm thế nào để những nhà quản lý thấy rõ được, tích cực làm việc để đem lại lợi ích cho cộng đồng, đừng làm cho cộng đồng phải có những cái làm trái chiều nữa.

Lớp học tại cơ sở mầm non Tuổi Thơ. Ảnh: baonghen.vn.
Lớp học tại cơ sở mầm non Tuổi Thơ. Ảnh: baonghen.vn. 

Nói về những nhà quản lý, thì họ có tâm huyết đối với vấn đề này như thế nào? Liệu rằng họ đã làm việc theo đúng nghiệp vụ của mình chưa?

Và làm việc đã vì lợi ích của cộng đồng, của người dân chưa? Và đặc biệt là theo đúng đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước chưa? Hay là vì một cái gì đó.

Ở đây người ta cũng thông điệp cho nhà quản lý nói chung chứ không  phải một mặt vì chính quyền để phù hợp với lòng dân”, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất nhấn mạnh.

Còn theo đánh giá của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, việc các cô giáo quỳ lạy như vậy là một hình ảnh không đẹp, vô cùng phản cảm. Trong khi đó cơ sở hoạt động dạy, chăm sóc trẻ thì chưa tuân theo quy định của pháp luật.

“Trước hết để cơ sở giáo dục hoạt động tốt thì cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Trong khi đó cơ sở mầm non Tuổi Thơ hoạt động chưa đầy đủ cơ sở pháp lý thì cần phải hoàn thiện để đảm bảo điều kiện dạy và học cho các cháu.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII. 

Việc quỳ lạy, van xin để cơ sở tồn tại tôi nghĩ đây là một hình ảnh không được đẹp, rất phản cảm.

Cơ sở chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý thì cần phải tiến hành làm ngay các thủ tục để được cấp phép hoạt động, chứ quỳ lạy, khóc lóc van xin như thế thì không nên”, Phó giáo sư An nói.

Phó Giáo sư Bùi Thị An cho biết thêm, những năm gần đây tại các cơ sở giáo dục đã xảy nhiều vụ việc đáng tiếc về mất an toàn trong trường học, khi các cơ quan liên nghành kiểm tra thì lại chưa đầy đủ cơ sở pháp lý hoạt động, cho nên việc cấp quản lý yêu cầu cần có thủ tục pháp lý đầy đủ là điều nên làm.

Cơ quan chức năng, cũng nên kiểm điểm lại mình vì sao lại để xảy ra việc giáo viên quỳ lạy như thế? Nếu cơ quan chức năng làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình, không gây khó dễ gì cho doanh nghiệp, thì không sao. Nhưng nếu cơ quan chức năng gây sức ép, o bế, thì cần phải kiểm điểm.

Trước đó, ngày 12/6 các cô giáo tại cơ sở mầm non Tuổi Thơ, thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An qùy gối xin Chủ tịch thị trấn Thanh Chương đừng đóng cửa cơ sở mầm non này.

Cho dù có tâm huyết với nghề thì các cô cũng không nên quỳ lạy, van xin ảnh 5Quỳ lạy xin ông Chủ tịch, các cô có giữ được trường không?

Giải thích về lý do đóng cửa cơ sở mầm non này, ông Nguyễn Văn Quế Chủ tịch huyện Thanh Chương cho rằng, Công ty Minh Sang chủ đầu tư cơ sở mầm non Tuổi Thơ mới chỉ có chủ trương chấp thuận đầu tư của tỉnh, ngoài ra không có bất cứ hồ sơ pháp lý nào theo quy định nên bị đóng cửa.

Trong khi đó ông Chương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Minh Sang thì cho rằng, thông tin cơ sở mầm non Tuổi Thơ hoạt động không có bất cứ hồ sơ pháp lý nào là chưa thật chuẩn xác.

Chủ đầu tư cũng đã cố gắng hoàn thiện hồ sơ pháp lý nhưng do các yếu tố khách quan về mặt thủ tục hành chính kéo dài mất nhiều thời gian nên chưa kịp hoàn thiện đúng theo yêu cầu.

Quyết định đóng cửa cơ sở mầm non của Chủ tịch thị trấn Thanh Chương là quá đột ngột khiến nhà đầu tư không kịp trở tay.

Các cô giáo vì thế mà quỳ gối xin ông Chủ tịch thị trấn đừng đóng cửa cơ sở mầm non này.

CHÍ NHÂN