Ngoài các khoản chính thu, phụ huynh còn méo mồm với các khoản phụ thu chóng mặt nữa.
Phụ thu gấp ba lần chính thu
Cầm tờ giấy báo nộp tiền học đầu năm cho đứa con học lớp 10, chị Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) không khỏi choáng váng khi số tiền đóng cho con lên đến vài triệu đồng. Chị Minh làm công nhân của Công ty môi trường đô thị, lương một tháng chưa đến 3 triệu đồng, chồng chị là bộ đội chuyên nghiệp nên thu nhập cũng chẳng hơn chị là bao.
Năm nay, gia đình chị Minh có con trai lớn vào lớp 10 và con trai út vào học lớp 1. Cả hai con đều vào đầu cấp nên số tiền đóng góp rất lớn, chị Minh ngẫm trong đầu là bạc triệu cho mỗi con nhưng chị chưa bao giờ nghĩ đến số tiền đóng góp lên hàng chục triệu đồng như vậy.
Chị Minh cho biết, con trai lớn chị học trong trường nửa công lập, nửa dân lập nên mức học phí ở dạng trung bình là 450 nghìn đồng/tháng, chưa kể tiền học thêm các môn toán, vật lý, văn, lịch sử hàng tháng. Nếu chỉ tính riêng tiền học mỗi tháng chị Minh tính cậu cả cũng ẵm của nhà 1 triệu đồng.
Phiếu báo thu tiền của con trai lớn nhà chị Minh |
Không chỉ các khoản phí đó, khoản đồng phục mùa hè, mùa đông mang tính thương hiệu của trường cũng khiến chị Minh phải xót lòng. Chị tính năm nào cũng vậy, đầu mỗi năm học chị lại phải đóng hàng triệu tiền đồng cho con.
Còn đối với cậu con út nhà chị Minh thì kinh phí còn khủng hơn nhiều. Chị Minh tính nhẩm tiền đóng cho cu cậu trong tháng này ngót nghét cả chục triệu. Chị Minh liệt kê hàng loạt các khoản đóng góp như sau: tiền học phí, tiền học võ, ngoại khóa, tiếng anh có giáo viên nước ngoài, đồng phục, nước uống, bảng viết, qũy phụ huynh, các loại bảo hiểm, tiền xây dựng trường lớp… chị Minh nhận tờ giấy tạm thu lên đến hơn 3 triệu đồng. Trong đó khoản học phí tách riêng tùy vào điều kiện gia đình nộp từ 3 tháng hoặc theo học kỳ với số tiền 620 nghìn đồng/tháng
Phụ huynh sợ con mình bị trù ẻo nên đều "tự nguyện" nộp các khoản phụ phí |
Mướt mồ hôi trường điểm, trường ngoại
Chồng chị vì thương con nên không muốn vì điều kiện nghèo khổ mà gửi con về quê học nên cho con ở lại Hà Nội học và chọn cho cháu trường trường dân lập. Anh tham khảo qua học phí của một vài trường nhưng cũng không khỏi “lo sợ” vì học phí “khủng” của các trường.
Chị Mai gửi con vào học tại một trường dân lập gần nhà. Tuy nhiên số tiền đóng góp cũng lên đến gần chục triệu. Trong các khoản đóng góp đó, chị Mai ngỡ ngàng vì khoản phí đóng cả tiền ghế ngồi cho cô giáo, tiền mua váy tập thể dục Erobic cho học sinh nữ.
Có điều kiện hơn gia đình chị Mai nhưng chị Giang (Trung Yên, Hà Nội) cũng khỏi méo mặt khi nhìn khoản tiền đóng góp cho con trai học lớp 1 của chị. Con trai lớn nhà chị Giang vào lớp 1 của trường Đoàn Thị Điểm, Hà Nội chị Giang nhận được một “bảng báo giá” số tiền trên bao gồm: học phí: 3 triệu/tháng đóng cả 3 tháng; bán trú: 1,2 triệu/tháng/ 3 tháng; ô tô đưa đón: 700 nghìn đồng/tháng đóng 3 tháng; cơ sở vật chất: 1 triệu đồng, bảo hiểm y tế là 210 nghìn đồng/năm, bảo hiểm học sinh 50 nghìn đồng; tổ chức hoạt động: 500 nghìn đồng. Tổng thu là 17,4 triệu đồng.
Trước đó chị có nghe giá ở trường này cao nhưng không nghĩ lại nhiều đến như vậy. Biết thế chỉ chọn một trường điểm cho con học cũng được. Còn hàng trăm khoản phí khác đóng rải rác hàng năm nữa.
Theo Điều 105, Luật Giáo dục năm 2005: Ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, người học và gia đình người học không phải đóng khoản tiền nào khác. Công văn số 5956/2010 của Bộ GD-ĐT quy định: Tất cả các cơ sở giáo dục đều phải thực hiện công khai các khoản thu, chi theo quy định tại Thông tư số 09/2009 của Bộ GD-ĐT.
Đối với thu học phí, lệ phí tuyển sinh, các cơ sở giáo dục phải thực hiện nghiêm túc các quy định về mức thu, các đối tượng được miễn giảm, học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh theo đúng quy định của UBND tỉnh, thành phố.
Mặc dù, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các trường trên địa bàn thành phố không tăng học phí, nghiêm cấm hiện tượng lạm thu,… nhưng trên thực tế, hiện tượng trên vẫn diễn ra. Các khoản thu này đều được hợp thức hóa bằng việc “tự nguyện” của phụ huynh nhưng nhiều phụ huynh không khỏi xót xa.
“Không đóng cũng phải đóng, nếu mình không đóng con mình mất cửa chơi với bạn bè, có khi mất cả cửa học, ở đâu cũng như vậy cả nên đành chấp nhận việc lạm thu là đương nhiên” – chị Thúy Nga một phụ huynh trường tiểu học Tân Mai thật thà.