Thêm cơ hội trải nghiệm cho học sinh
Hiện nay, nhiều tỉnh thành đang triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường, sử dụng giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh trong cả 3 cấp học phổ thông. Điều này khiến dư luận băn khoăn, đặt nhiều câu hỏi về chất lượng dạy và học môn tiếng Anh theo chương trình phổ thông hiện nay. Liệu có phải giáo viên người Việt đang không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, chất lượng giảng dạy?
Thầy Võ Anh Tuấn, giáo viên phụ trách giảng dạy chương trình Tiếng Anh trung học cơ sở phát sóng trên VTV7 (Ảnh NVCC) |
Để làm rõ vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Võ Anh Tuấn, giáo viên phụ trách giảng dạy chương trình Tiếng Anh trung học cơ sở phát sóng trên VTV7 năm 2017 cho biết:
“Về chuyên môn, giáo viên người Việt Nam và người nước ngoài đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn và bằng cấp cần thiết mới đủ điều kiện giảng dạy. Vì vậy không thể nói giáo viên nào giỏi hơn giáo viên nào được.
Giáo viên người Việt có rất nhiều người giỏi, chuyên môn cao. Tương tự, giáo viên nước ngoài không phải ai cũng là người bản xứ. Do đó, chỉ cần là giáo viên giỏi thì người Việt hay người nước ngoài đều tốt và đều có lợi cho học sinh”.
Theo thầy Võ Anh Tuấn, giáo viên nước ngoài có lợi thế trong hai việc chính. Thứ nhất, nếu là giáo viên bản xứ, các nước tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh, họ sẽ có am hiểu sâu rộng về vốn từ vựng, kiến thức, văn hóa bản địa để truyền thụ lại cho học sinh. Thứ hai, với giáo viên nước ngoài, nhiều học sinh sẽ quen với việc giao tiếp với người nước ngoài, phải bắt buộc sử dụng tiếng Anh nên khả năng nghe, nói sẽ tốt hơn.
Lợi thế của giáo viên Việt cũng không nhỏ bởi cùng ngôn ngữ, dễ dàng giao tiếp và truyền thụ kiến thức hơn cho học sinh cũng như trao đổi kết quả học tập với phụ huynh. Tuy nhiên, đây có thể là con dao hai lưỡi vì khi dạy tiếng Anh sử dụng quá nhiều tiếng Việt sẽ khiến học sinh lười động não và phát triển khả năng giao tiếp cũng như vốn từ vựng của mình.
Để lý giải vì sao nhiều phụ huynh “mê” các thầy cô nước ngoài, thầy Tuấn cho rằng: “Ở Việt Nam, hầu hết học sinh sẽ học với giáo viên người Việt vì vậy nếu có cơ hội được học với giáo viên nước ngoài thì ai cũng thích vì có thêm nhiều cơ hội trải nghiệm. Điều này được ví như phương thuốc ‘đông tây y kết hợp’.
Trong quá trình dạy học, có rất nhiều phụ huynh có điều kiện cho con học các trường quốc tế từ bé đã tâm sự với tôi rằng cần một giáo viên Việt để con được học đầy đủ, phong phú vốn từ và văn hóa giao tiếp. Điều đó cũng dễ hiểu vì sao học sinh Việt sẽ thích thú, phụ huynh Việt cũng mong đợi nếu có tiết học của giáo viên người nước ngoài và ngược lại”.
Theo thầy Tuấn, đây là chương trình khá hay vì các trường vẫn có sự kết hợp cả giáo viên Việt Nam và giáo viên nước ngoài. Tuy nhiên, bất kỳ mô hình nào thì chất lượng đầu vào của giáo viên cũng phải được kiểm soát nghiêm ngặt thì mới có thể đạt được hiệu quả cao.
Ngoài ra, để thực hiện các chương trình này, có thể đặt thêm gánh nặng về kinh tế cho phụ huynh và học sinh vì chi phí để có những buổi học với giáo viên nước ngoài chất lượng thường không rẻ. Do đó, thầy Tuấn cho rằng chỉ nên áp dụng nó như một hình thức học tự nguyện.
Trên thực tế, đã có những chương trình học tiếng Anh tổ chức theo hình thức tương tự nhưng không mang lại hiệu quả, thậm chí nhiều phụ huynh phải bỏ thêm một lần chi phí nữa để con bổ sung thêm kiến thức.
“Từ ý tưởng đến thực tế bao giờ cũng có khoảng cách. Đây là vấn đề trong khâu lên kế hoạch và thực hiện tại các địa phương. Chính quyền, nhà trường, phụ huynh, học sinh phải cùng nhau lắng nghe và đưa ra các giải pháp để tránh việc quyết định mang tính một chiều. Suy cho cùng phụ huynh và học sinh sẽ là những người bị ảnh hưởng trực tiếp nếu các đề án có sai số như mất tiền, mất công sức, mất thời gian…”, thầy Tuấn chia sẻ.
Cạnh tranh lành mạnh giữa các giáo viên
Như vậy, sử dụng giáo viên nước ngoài trong dạy môn tiếng Anh trong chương trình giáo dục phổ thông có thể xem là “sân chơi” có tính cạnh tranh hay không?
Theo thầy Võ Anh Tuấn, nếu giáo viên nước ngoài được sử dụng thì chắc chắn sẽ tạo áp lực cho giáo viên Việt Nam bởi vì lúc này đã có sự cạnh tranh xảy ra. Tuy nhiên, đây là cạnh tranh tốt, cạnh tranh lành mạnh để phát triển.
Giáo viên nước ngoài cũng mang đến luồng gió mới, với cách dạy, cách tiếp cận và các hoạt động trong lớp rất mới mẻ. (Ảnh vtc.vn) |
“Tại đó, giáo viên Việt Nam sẽ phải cố gắng trau chuốt các mặt chưa tốt của mình như phát âm, giao tiếp… Ngoài ra, giáo viên nước ngoài cũng mang đến luồng gió mới, với cách dạy, cách tiếp cận và các hoạt động trong lớp rất mới mẻ.
Giáo viên nước ngoài và giáo viên Việt có thể học tập những ưu điểm của nhau để hoàn thiện hơn bộ kỹ năng của bản thân”, thầy Tuấn nhận định.
Thực tế cho thấy rằng, mục tiêu của nhiều học sinh hiện nay là học để hoàn thành các kỳ thi tại các cấp, ví dụ là kỳ thi đại học. Vì vậy việc dạy và học ở nhiều nơi mang nặng tính lý thuyết và hình thức.
“Hiện nay, phổ biến các trường vẫn chú trọng cách dạy lý thuyết. Với cách dạy đó, học sinh có thể nắm vững nhiều kiến thức ngữ pháp nhưng chưa có nhiều cơ hội để phát triển các kỹ năng khác thông qua thực hành.
Điển hình như ngay cả bài thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông cũng chỉ có hình thức là thi viết. Do đó học sinh thường có xu hướng học lệch và các kỹ năng nghe, nói gần như bị bỏ qua.
Cũng vì lẽ đó, có nhiều giáo viên tiếng Anh có nền tảng rất tốt nhưng do một thời gian dài chỉ tập trung lệch vào một nhóm kỹ năng và bỏ qua các nhóm còn lại để phục vụ thi cử nên bị mai một và nhiều người cũng cảm thấy không cần phải bổ sung kiến thức những kỹ năng đó vì họ chỉ quan tâm đến luyện thi. Đó cũng là một trong những hạn chế của giáo viên Việt hiện nay”, thầy Tuấn nói.
Theo thầy Võ Anh Tuấn, một trong những tín hiệu tích cực là ngày càng nhiều trường đại học sử dụng cả điểm của các kỳ thi uy tín, đủ cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết như IELTS hoặc TOEFL để xét tuyển. Vì thế ngày càng nhiều học sinh đang học đều cả 4 kỹ năng hơn và nâng cao tiêu chuẩn tiếng Anh phổ thông của học sinh lên.
“Để đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của xã hội về ngoại ngữ khi các nền văn hóa giao thoa và kinh tế ngày càng mở cửa thì người học cần có những kỹ năng cơ bản để có thể sử dụng tiếng Anh trong sinh hoạt và đời sống. Muốn đạt được như vậy thì những thầy cô giáo sẽ phải là những người tiên phong về việc trau dồi, bổ sung, hoàn thiện các kỹ năng và nhiệt huyết trong các giờ học. Có như vậy thì những giá trị mang lại không phụ thuộc vào quốc tịch của giáo viên nữa. Giáo viên giỏi là giáo viên luôn cố gắng hoàn thiện chuyên môn và luôn có nhiều cơ hội trong công việc”, thầy Tuấn bày tỏ.