Giá cát tăng mạnh bất thường
Từ thời điểm đầu tháng 4/2017, cát xây dựng trên địa bàn cả nước tăng mạnh, có những thời điểm giá bị thổi lên theo ngày, tăng từ 30 - 50%. Cá biệt là tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, có thời điểm giá cát tăng tới 70%.
Còn tại Hà Nội, giá cát cũng biến động theo ngày, tăng giá dao động phổ biến từ 20-30%.
Chuyện cát tăng giá cao bất thường đã gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động xây dựng của người dân và doanh nghiệp.
Anh Nguyễn Tuấn Dũng, một chủ thầu xây dựng ở khu vực Thanh Xuân Hà Nội cho biết: “Hàng năm, như một quy luật, đầu năm tăng giá vật liệu, cuối năm tăng giá nhân công. Không chỉ cát, sỏi mà xi măng, sắt thép đều tăng.
Nhưng năm nay có vẻ không bình thường so với các năm khác, vì giá cát liên tục tăng, tăng theo ngày.
Tôi cho rằng, việc tăng giá cát đang có yếu tố đầu cơ, làm giá của những nhà cung cấp vật liệu xây dựng.
Đặc biệt, khi mà việc khai thác cát bị siết chặt, nguồn cung giảm, trong khi nhu cầu xây dựng thì tăng cao nên giá cát vì thế được đẩy lên”.
Công ty Trục vớt luồng Hạ Lưu có bảo kê, đe dọa Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh? |
Đồng quan điểm, anh Ngô Bá Huy, Giám đốc Công ty Xây dựng An Huy, có trụ sở ở quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ rằng:
“Đầu tháng 4, giá cát lấp nền, cát vàng, cát mờ đều liên tục tăng bất thường. Việc này làm tôi rất lo lắng trong nhận thầu công trình.
Với đà tăng giá chưa có dấu hiệu dừng lại như thời điểm này thì nguy cơ lỗ là rất lớn”.
Để khảo sát giá, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trong vai một người dân có nhu cầu mua cát để xây nhà đã tiến hành liên hệ với các cơ sở chuyên cung cấp cát sỏi ở một số khu vực nội thành.
Theo anh Ngô Đăng Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH Anh Đức, trụ sở ở Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội báo giá, cát san lấp 95 nghìn đồng/m3, cát vàng 200 nghìn đồng/m3, cát vàng trộn bê tông có giá là 300 nghìn đồng/m3.
So với giá cát thời điểm cuối tháng 3, mỗi khối cát đã tăng lên 30 nghìn đồng/m3 cho đến 100 nghìn đồng/m3. Anh Ngô Đăng Mỹ cho biết giá cát trên đã bao gồm phí vận chuyển.
Khi được hỏi về giá cát để mua lượng lớn, các chủ bến tỏ ra bình thản như thể chưa muốn bán! (ảnh Bạch Đằng- chụp tại Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội). |
Để tìm hiểu kỹ hơn về giá cát hiện nay, Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến bến Chèm, bến Bạc ở Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội – một nơi tập trung nhiều ông lớn phân phối cát cho thị trường xây dựng Hà Nội.
Theo khảo sát, thì giá cát bán tận bến ở đây có rẻ hơn khu vực nội thành từ 5 nghìn đồng/m3 đến 30 nghìn đồng/m3.
Đơn cử, giá cát san lấp hiện có giá 90 nghìn đồng/m3, cát vàng có giá 175 nghìn/m3, cát nâu có giá là 150 nghìn /m3. Tuần trước, giá cát san lấp là 75 nghìn đồng/m3 và giá cát vàng bán ra 140 nghìn đồng/m3.
So với thời điểm cách đây 2 tuần thì vào lúc này nhiều chủ bến cát đã có thể gom về những khoản lợi nhuận chênh lệch rất lớn, thế nhưng họ vẫn khá bình thản chứ không vội vã đẩy hàng đi vì cho rằng giá sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Ở khu vực phía Nam, đỉnh điểm là tại Thành phố Hồ Chí Minh giá cát cùng loại còn được bán với giá gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần ở Hà Nội.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện giá cát vàng bị đẩy lên cán mức 450 nghìn đến 500 nghìn đồng/m3; cát san lấp 250 nghìn đến 270 nghìn đồng/m3. Trong khi vào cuối tháng 3, giá chỉ bằng nửa mức giá hiện tại.
Tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, hiện giá cát các loại đã tăng gấp đôi so với một tháng trước đây.
Cát sông Đồng Nai dùng để xây có giá 350 nghìn đồng/m3, trong khi cách đó một tháng chỉ khoảng 180 nghìn đồng/m3; Cát san lấp cũng đã tăng lên hơn 100 nghìn đồng/m3.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Thành hiện làm việc tại Hà Nội cho biết: “Việc giá cát tăng hiện nay ở khu vực Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và một số tỉnh miền Bắc như Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Nam Định là có yếu tố thổi giá, đầu cơ.
Lợi dụng tâm lý siết chặt trong việc khai thác cát sỏi nên các đầu nậu cố tình tạo khan hiếm giả tạo. Chứ nguồn cung về cát không có chuyển giảm sút một cách nhanh chóng để giá có thể tăng gấp đôi như một số địa phương hiện nay”.
Giá cát tăng nhưng hoạt động buôn bán lại vắng lặng không được nhộn nhịp như thời điểm trước đây (ảnh Bạch Đằng). |
Cảnh giác với chiêu trò thổi giá, tạo khan hiếm giả tạo
Chia sẻ những thông tin được xem là “tuyệt mật” về thế giới của những ông trùm phân phối cát xây dựng tại bến Chèm, bến Bạc (xã Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) – nơi được xem là thủ phủ của cát xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn T.T (xin được giấu tên) cho biết:“Cả khu vực bến Chèm, bến Bạc kéo dài hàng km ở khu vực xã Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội thì giá cát đều như nhau.
Trông các bến sông riêng lẻ, cứ tưởng mỗi khu vực là lãnh địa của một ông trùm, một thế giới riêng bất khả xâm phạm. Bề ngoài mang vẻ như “mạnh ai nấy làm”, “thân ai nấy lo” nhưng sự thực đều là “anh em” hết.
Giá cát hàng ngày lên xuống như thế nào, những ông trùm cát sỏi đều phải bàn bạc tính toán với nhau. Đó là một thế giới ngay cả “con nhang, đệ tử” thân cận của các ông trùm cũng không thể tiếp cận.
Những ông trùm vẫn thường liên lạc, bàn bạc để quyết định về giá. Do đó, không có chuyện một nơi mỗi giá, mạnh ai nấy bán, tranh giành khách hàng trong việc buôn bán cát tại nơi đây.
Như một luật bất thành văn của giới buôn cát xây dựng tại bến Chèm, bến Bạc, không một đầu nậu cát sỏi nào có thể tự ý điều chỉnh giá xuống mà không thông qua bàn thảo với “anh em” trong giới.
Nếu có người nào lỡ xuống giá thì coi như tự ý biết điều mà cuốn chiếu rời khỏi khu vực này nếu không cái giá phải trả là rất đắt”.
Người dân kêu trời vì "cát tặc", lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đang ở đâu? |
Ông Nguyễn T. cho biết: "Hiện cát xây của Hà Nội đang được vận chuyển đưa về từ Việt Trì, Phú Thọ là chính. Đó là cát mỏ, còn cát tự khai thác trên sông Hồng ở khu vực Hà Nội là gần như không có.
Ngay cả mỏ cát ở khu vực Sơn Tây, Hà Nội giờ cũng khó để khai thác. Lực lượng chức năng giờ làm căng lắm nên thời gian này đa số các ông trùm khai thác cát làm nhỏ giọt cố để nuôi quân thôi”.
Vừa kể, ông T. vừa chỉ tay về phía những chiếc xà lan trống không nằm bất động trên bãi.
Bàn về chuyện giá cát tăng, ông T. cho rằng, lý do chính là vì hiếm nguồn cung; đặc biệt là giá cát vàng tăng nhanh do nhu cầu xây dựng lớn mà nguồn cung loại cát này giờ rất khan hiếm.
Theo ông Nguyễn T.T, hoạt động vận chuyển cát trên sông Hồng kém nhộn nhịp hơn trước đây (ảnh Bạch Đằng). |
Như cố giúp chúng tôi hiểu hơn, ông T. chỉ về phía những xà lan cát vàng, cát nâu đang nối đuôi nhau chạy trên sông Hồng đoạn gần chân cầu Thăng Long và nói:
“Tất cả đều từ Việt Trì, Phú Thọ và ở các nơi xa về hết. Nhìn thế, chứ lên Việt Trì đợi cả tuần mới bốc được một xà lan cát để về. Một chuyến chở từ Việt Trì về tận Hà Nội cũng mất gần 6 ngày.
Nguồn cát đã hiếm, những nơi có mỏ cát được khai thác thì người ta cố tình xuất hàng nhỏ giọt nên lượng cung vì thế mà khan hiếm theo”.
Nói thì nói vậy, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên thì muốn mua bao nhiêu cũng có, chỉ có giá lên mà thôi.
Giá cát tăng bất thường thực sự chỉ là chiêu trò làm giá, gây rối loạn thị trường của một số đối tượng.
Hiện tại, nhà nước chống "cát tặc" không giấy phép khai thác, còn "cát tặc có giấy phép" thì lại đẩy giá lên cao nhằm trục lợi.
Do đó, rất cần có sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan chức năng, nhất thiết phải quản lý được việc khai thác của các đơn vị có giấy phép để đánh thuế, quản lý giá, tránh thất thu cho Nhà nước, xử lý những trường hợp sai phạm nhằm tránh những tác động xấu tới thị trường vật liệu xây dựng và thị trường bất động sản.