Chống mất trộm hành lý, cần cấm nhân viên bốc xếp sân bay dùng điện thoại

16/06/2015 07:46
Mai Anh
(GDVN) - Một vị chuyên gia hàng không cho rằng: “Không mang điện thoại, nhân viên bốc xếp dù lấy trộm hành lý cũng không đưa ra ngoài được, cần áp dụng quy định này".

Hành lý bị mất, khách được bồi thường thế nào?

Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin trước tình trạng hành khách hàng không đi các chuyến bay quốc tế liên tục bị mất trộm tài sản, hành lý... trong 3 ngày 10, 11 và 12/6, Cục Hàng không Việt Nam tổ chức kiểm tra đột xuất công tác an ninh tại khu vực vận chuyển và xếp dỡ hàng hóa ký gửi tại sân bay Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.

Theo ghi nhận ban đầu của đoàn kiểm tra, hiện tượng hành lý bị rạch, khóa bị mở dẫn đến mất trộm tài sản cũng có thể xảy ra tại sân bay các nước trước khi được chuyển về Việt Nam.

Về kết quả kiểm tra, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết, Cục đang làm báo cáo lên Bộ Giao thông vận tải sau đó sẽ thông tin rộng rãi ra phương tiện thông tin đại chúng và dư luận.

Hành lý ký gửi của hành khách (ảnh minh họa)
Hành lý ký gửi của hành khách (ảnh minh họa)

Trong khi đó trao đổi với phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam, ông Tô Tử Hùng, Phó trưởng Phòng An ninh - Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), hiện tượng mất trộm hành lý của hành khách xảy ra tại nhiều nước. Trước khi nói đến trách nhiệm các bên khi hành khách bị mất trộm hành lý, ông Hùng lấy ví dụ cụ thể để hành khách hiểu hơn quy trình xử lý và trách nhiệm các bên.

"Nếu một hành khách mua vé hãng hàng không đi từ Việt Nam sang Thái Lan, giữa hành khách và hãng hàng không đã có hợp đồng về mặt dân sự về việc vận chuyển hành khách và hành lý của hành khách đến nơi an toàn.

Trong hợp đồng vận chuyển này, ngoài vận chuyển người hãng hàng không còn phải vận chuyển cho hành khách 15 - 20kg hành lý ký gửi an toàn từ sân bay đi và đến. An toàn ở đây được hiểu hành lý không bị sứt mẻ, rách, tách rời…”, ông Hùng cho biết.


Chống mất trộm hành lý, cần cấm nhân viên bốc xếp sân bay dùng điện thoại  ảnh 2

Nếu an ninh sân bay "móc ngoặc", mất trộm hành lý là khó tránh khỏi

Chống mất trộm hành lý, cần cấm nhân viên bốc xếp sân bay dùng điện thoại  ảnh 3

"Không truy được hành lý mất cắp, uy tín hàng không tổn hại nghiêm trọng"

Đặt giả thiết trong trường hợp hành lý ký gửi của hành khách có 2kg sâm Linh chi có giá trị rất cao nhưng không kê khai số lượng sâm này với hãng hàng không, ở sân bay đến khi nhận hành lý, hành khách thấy vali có hiện tượng bị rách và mất 2kg sâm. 

“Trong trường hợp như vậy, theo hợp đồng dân sự, hãng hàng không chỉ phải bồi thường cho hành khách vali bị rách. Ở đây không phải bồi thường vali mới mà là khắc phục tình trạng vali bị rách, vì vali đã qua sử dụng.

Đối với 2kg sâm bị mất, do hành khách không kê khai tài sản và giá trị tài sản thì hãng hàng không chỉ căn cứ bồi thường theo số hao hụt của trong lượng hành lý. Ví dụ như bồi thường 20 USD/ kg hành lý bị mất”, ông Hùng lý giải. 

Theo ông Hùng, hãng hàng không không phải là đơn vị trực tiếp thực hiện việc vận chuyển hành lý nhưng để đảm bảo chất lượng phục vụ của mình và đảm bảo quyền lợi của hành khách, hãng hàng không phải có trách nhiệm thông báo với các đơn vị để xác minh. 

“Việc xác minh không phải nhằm mục đích tìm lại tài sản bị mất (vì đã được bồi thường) mà muốn tìm xem kẽ hở như thế nào, các yếu tố gây ra mất hành lý”, ông Hùng cho biết thêm. 

Trong quá trình tìm hiểu sự việc có thể xảy ra trường hợp, thứ nhất nếu phát hiện ra một nhân viên lấy trộm hành lý, họ xử lý nhiều cách như giao cơ quan điều tra, thuyên chuyển công tác, xử phạt hành chính thậm chí buộc thôi việc…

Thứ hai trong thời gian tìm hiểu sự việc phát hiện hành lý hành khách rơi rớt, còn lại ở băngchruyền hay ở nơi nào khác, theo trách nhiệm hãng hàng không phải trả lại hàng hóa đã mất cho hành khách.

“Trong trường hợp hãng hàng không tìm lại hành lý trả lại cho khách, nếu hành lý bị hỏng khách không thể yêu cầu hãng hàng không bồi thường được. Bởi trước đó Hãng hàng không đã bồi thường theo số Kg, hơn nữa tài sản bị mất kia hành khách không khai báo với hãng hàng không”, ông Hùng nhấn mạnh. 

“Phân tích như trên để hiểu hơn quyền lợi trách nhiệm hành khách, ngành hàng không không phủ nhận trách nhiệm, ngành hành không Việt Nam xác định việc trộm cắp hành lý là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải loại bỏ”, ông Hùng cho biết.

Hạn chế mất cắp hành lý được không?

Tham gia đoàn kiểm tra an ninh khu vực vận chuyển hành lý tại 3 sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất... ông Hùng cho biết có thể đồ đạc, hành lý không mất ở Việt Nam nhưng luôn để phòng tất cả các nguy cơ hành lý có thể mất tại Việt Nam, do người Việt Nam lấy. 

Theo ông Hùng, trong dây chuyền vận chuyển hành lý hàng không có đơn vị sau đây được tiếp xúc trực tiếp qua việc vận chuyển và kiểm tra hành lý: Kiểm tra qua nhân viên an ninh (ở đây có thể đơn vị dịch vụ), cơ quan hải quan... đây là hai đơn vị có quyền kiểm tra trực tiếp hành lý. Nhưng việc kiểm tra hành lý phải được mở công khai, nếu mở kiểm tra lén lút là sai quy định. Nhân viên làm thủ tục hành lý, nhân viên làm việc tại quầy, nhân viên bốc xếp hành lý… Tóm lại ai có cơ hội tiếp xúc với hành lý đều có nguy cơ cao. 

Sau đợt kiểm tra đột xuất vừa qua, không chỉ hành khách mà bản thân hãng hàng không đều hy vọng tình trạng mất trộm hành lý không xảy ra.

Cụ thể theo VietJet, một hãng hàng không trẻ, việc mất trộm hành lý gây thiệt hại tiền bạc và danh tiếng cho hãng.

“Vietjet không tham gia khâu vận chuyển hành lý nên bản thân Vietjet không thể nào triệt để được. Do đó để ngăn chặn tình trạng mất trộm đồ, đầu tiên Cục Hàng không phải biện pháp ngăn chặn; thứ hai an ninh cảng vụ và thứ ba các công ty phục vụ mặt đất phải có biện pháp”, đại diện VietJet cho biết.

Còn theo ý kiến một chuyên gia hàng không, Cục Hàng không cần có các quy định chặt chẽ hơn với nhân viên bốc xếp hàng hóa tại các công ty dịch vụ mặt đất. Nêu ví dụ cụ thể, vị này cho biết tại các sân bay Thái Lan, Singapore... nhân viên bốc xếp vào ca làm việc không được mang điện thoại và quần áo có túi, cổng kiểm soát an ninh rất kỹ.

“Không mang điện thoại, nhân viên bốc xếp dù lấy trộm hành lý cũng không đưa ra ngoài được, chúng ta cần áp dụng quy định này. Hơn nữa nên siết chặt cửa ra vào của nhân viên bốc xếp”, vị chuyên gia này cho hay.

Bên cạnh đó cũng có lo ngại trong trường hợp nhân bốc xếp và an ninh thông đồng hoặc tìm cách tuồn đồ lấy trộm qua xe kỹ thuật, xe rác… nếu không kiểm tra kỹ cũng rất khó phát hiện. 

Mai Anh