PGS - TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an, khẳng định: "Chỉ khi trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận, đất nước mới ổn định, vững mạnh”.
PGS - TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an
|
Hai món nợ với nhân dân
Cảm xúc của ông thế nào sau khi xem xong bài viết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới đây nói về cảm nghĩ của Chủ tịch nhân kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2.9?
- Có thể nói lâu lắm rồi, một người ở cương vị là Chủ tịch nước VN mới có một bài viết bộc lộ những suy nghĩ, trăn trở của mình về những vấn đề sâu kín nhất của đất nước, của Đảng ta như vậy. Cảm nhận đầu tiên của tôi là bài viết của Chủ tịch có những tâm sự, chia sẻ và phản ánh khá sát thực tế. Bài viết cũng gieo vào lòng nhân dân ta niềm tin với Đảng, với Nhà nước.
Chúng ta cũng phải xem bài viết này của Chủ tịch nước trong một chuỗi cách hành động liên tiếp xảy ra thời gian qua như vụ bắt ông Nguyễn Đức Kiên, trước nữa là các vụ án Vinashin, Vinalines, và cả sự kiện kiểm điểm theo Nghị quyết T.Ư 4... Tất cả những hành động này đã và đang làm giảm bớt sức căng của xã hội, gián tiếp gửi tới người dân những tín hiệu và thông điệp lành mạnh, cho thấy từ cấp cao nhất của Đảng cũng đã có những dấu hiệu của sự chuyển động tích cực.
Chủ tịch nước có viết rằng “Tự hào với những gì đã làm được, nhưng chúng ta cũng cần phải biết hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiền liệt về những yếu kém, khuyết điểm của mình đã cản trở bước đi lên của dân tộc...”. Theo ông, những yếu kém, khuyết điểm mà Chủ tịch nước muốn đề cập ở đây là gì?
- Phải đặt câu này trong hoàn cảnh Chủ tịch nước đang hồi tưởng về cuộc Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2.9 cách đây 67 năm. Ngày đó, hơn 20 triệu người VN hăm hở đi dưới cờ Đảng, cờ Tổ quốc, phá bỏ xiềng xích nô lệ, xóa bỏ phong kiến và đánh đuổi thực dân. Có thể nói, lúc ấy mỗi đảng viên là một ngôi sao sáng, là một người cộng sản chân chính, dám hy sinh xương máu để giành chính quyền về tay nhân dân.
Đã có không biết bao nhiêu đảng viên phải ngã xuống để đất nước có ngày độc lập. Trước những tấm gương như vậy, nhân dân mới ngưỡng mộ và một lòng theo Đảng. Dân gắn với Đảng vì thế. Nhưng bây giờ thì có thể nói không đươc như vậy nữa. Đó là “món nợ” thứ nhất mà Đảng phải trả dân. Nghị quyết T.Ư 4 cũng với mục đích trả lại lòng tin mà Đảng đang còn nợ dân, trả lại bằng cách tự sửa mình.
Thứ hai, lịch sử VN là lịch sử anh hùng bất khuất trong cuộc trường kỳ chống ngoại xâm để bảo vệ bờ cõi của đất nước. Lịch sử VN được nối tiếp bằng những mốc son chống giặc ngoại xâm, tiền nhân là những ngôi sao sáng của dân tộc. Đến bây giờ, lòng yêu nước đó cũng không suy giảm chút nào.
Với tư cách một nhà nghiên cứu, tôi phải thực lòng mà nói rằng, trong cuộc chiến chống nội xâm, chúng ta không thể hiện được tinh thần anh hùng bất khuất mà chúng ta đã có được trong những cuộc chiến chống ngoại xâm. Đó chính là bất cập lớn của dân tộc. Chống giặc nội xâm, chúng ta nói nhiều làm ít khiến cho nhân dân giảm lòng tin. Đây cũng là món nợ thứ hai mà Đảng phải trả cho dân.
Hải quân Nhân dân Việt Nam diễn tập bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
|
Lênin đã từng nói: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Đó chính là lời cảnh báo với người cộng sản cầm quyền. Đảng tồn tại bao lâu là do tự Đảng quyết định chứ không phải do bất cứ thế lực thù địch nào cả. Khi những người lãnh đạo cao nhất của Đảng tha hóa, biến chất, họ sẽ tự đánh mất vai trò lãnh đạo của Đảng mình. Chúng ta phải ý thức được điều này.
Khi những công bộc của dân do Đảng cử gắn bó với dân, khắc phục được quan liêu, tham nhũng, lãng phí, được dân tin thì không thế lực nào có thể xóa bỏ được. Dân tin Đảng, mong muốn Đảng sửa mình thực lòng, mở rộng cửa lắng nghe tiếng nói của dân. Nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc, triệt để Nghị quyết T.Ư 4, tôi tin chắc dân sẽ lại tiếp tục tin và đi theo Đảng. Người lãnh đạo Đảng phải nắm được điều này. Đây chính là cái nợ thứ ba của Đảng với dân, đó là chưa nắm được tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Không đoàn kết, kẻ thù sẽ nhòm ngó
Thưa ông, khái niệm chủ quyền quốc gia gắn kết thế nào với cuộc chiến chống giặc nội xâm?
- Đất nước suy yếu làm sao bảo vệ được chủ quyền quốc gia? Lịch sử thế giới hơn 2000 năm qua cho thấy, không một quốc gia suy yếu nào mà bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ. Lịch sử VN 4 lần mất nước cũng vào những lúc nội bộ đất nước suy yếu.
Từ thời An Dương Vương đến thời nhà Hồ, rồi hậu Lê và cuối cùng, khi triều Nguyễn làm mất nước vào tay thực dân Pháp, đều do triều đình mục ruỗng. Nội xâm luôn gắn chặt với khái niệm chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Không tạo được sức mạnh đoàn kết vô biên của dân tộc, lúc đó kẻ thù mới nhòm ngó. Và không phải ngẫu nhiên mà vài năm trở lại đây, Trung Quốc liên tục gây áp lực cho chúng ta trong vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ...
Ông từng nói rằng phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, mà muốn làm được điều này thì trước tiên quốc gia phải mạnh. Sức mạnh dân tộc phải dựa trên yếu tố nào?
- Mẫu số chung là truyền thống lịch sử. Điều này dân tộc ta đã có. Còn tử số chính là sự kết hợp của giới tinh hoa với cộng đồng dân tộc. Giới tinh hoa chính là những người lãnh đạo quốc gia. Theo tôi, giới tinh hoa phải hội tủ đủ 3 yêu tố: Có tâm trong sáng, có tầm trí tuệ và tận tâm với đất nước. Nói cách khác, chừng nào “lòng dân gặp ý Đảng” thì đó là lúc khởi phát ra sức mạnh vô địch của dân tộc VN. Lúc ấy dân tộc VN thăng hoa.
Đầu tư nghiên cứu Biển Đông
Quay lại vấn đề Biển Đông, có nhiều ý kiến cho rằng trong đối ngoại, thời gian qua chúng ta nhún nhường do dân tộc vừa trải qua 2 cuộc chiến tranh với nhiều mất mát nên việc tránh xung đột là ưu tiên hàng đầu?
- Tôi cho rằng đó chỉ là ngụy biện, che giấu một sự yếu kém nào đó. Chúng ta không tuốt gươm, không đưa đạn pháo vào nòng làm gì cả. Đấy là việc tối kị, hạ sách. Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng đừng. Việc Trung Quốc ngang ngược thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, về thực chất đây là cuộc xâm lược về pháp lý của Trung Quốc đối với ta. Năm 1979, Trung Quốc đã thực hiện một cuộc xâm lược trên thực địa. Và ngày 21.6 vừa qua, họ lại tiến hành một cuộc xâm lược về mặt pháp lý. Đây là việc quá hệ trọng nên chúng ta phải có đối sách.
Vậy theo ông, người dân VN cần làm gì đơn giản nhưng thiết thực vào lúc này để bày tỏ lòng yêu nước của mình?
Thiếu tướng Lê Văn Cương
Thứ hai là phải ngay lập tức đưa vấn đề Biển Đông vào hệ thống SGK, phổ biến giáo dục cho các em học sinh biết rõ. Nhà nước phải đầu tư cho nghiên cứu về Biển Đông ở nhiều cấp độ khác nhau. Tổ chức Hội thảo quốc tế về vấn đề này tại nước ngoài. Nhà nước cũng phải tạo điều kiện cho truyền thông tiếp cận thông tin về Biển Đông để có thể chuyển tải kịp thời, trung thực nhất. Cuối cùng, chúng ta cần tiến hành đàm phán song phương với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Tùy vụ việc mà tỏ thái độ thích hợp. Ngoài ra, cũng phải đa phương hóa vấn đề Biển Đông vì đây không chỉ là vấn đề giữa Việt Nam – Trung Quốc mà là vấn đề toàn cầu.
Xin cảm ơn Thiếu tướng!
Hải Phong/Dân Việt