Chủ tịch Hội đồng giáo sư nhà nước không nhất thiết phải là giáo sư, phó giáo sư

28/05/2021 06:25
Hồng Thủy
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cơ sở giáo dục đại học nào bổ nhiệm Bộ trưởng đương nhiệm làm giáo sư, phó giáo sư và giao nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy, trả lương cho vị ấy theo đúng quy định?

Ngày 25/5, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 770/QĐ-TTg về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023 theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Văn bản số 1951/BGDĐT-TCCB ngày 13/5/2021/

Điều 1 Quyết định 770/QĐ-TTg bổ nhiệm ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày ký. [1]

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước Nguyễn Kim Sơn, ảnh: moet.gov.vn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước Nguyễn Kim Sơn, ảnh: moet.gov.vn.

Báo Thanh Niên ngày 26/5 đưa tin: PGS Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa được bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2018 - 2023. Việc bổ nhiệm này dựa vào quy định “trường hợp khác”, do Thủ tướng quyết định, do ông Nguyễn Kim Sơn chưa là giáo sư. [2]

Chủ tịch Hội đồng giáo sư nhà nước mặc nhiên là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư ban hành theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 (sau đây gọi tắt là Quy định 37), quy định rõ về Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Điều 13. Cơ cấu và trình tự thành lập Hội đồng Giáo sư nhà nước

1. Hội đồng Giáo sư nhà nước gồm: Chủ tịch; một Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký; một Phó Chủ tịch phụ trách các nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ; một Phó Chủ tịch phụ trách nhóm ngành khoa học sức khỏe; một Phó Chủ tịch phụ trách các nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật, thể dục thể thao và các Ủy viên. Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng Giáo sư nhà nước; bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký và các Phó Chủ tịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước quyết định bổ nhiệm các Ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước và xem xét điều chỉnh, bổ sung thường xuyên hàng năm.

4. Nhiệm kỳ của Hội đồng Giáo sư nhà nước là 05 năm. Thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước tham gia không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên của Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký làm việc theo chế độ chuyên trách.

5. Hội đồng Giáo sư nhà nước có con dấu hình quốc huy, tài khoản riêng và địa điểm làm việc riêng. Kinh phí hoạt động được cấp từ ngân sách nhà nước thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo.

6. Hội đồng Giáo sư nhà nước có bộ phận giúp việc là Văn phòng và các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành.

7. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giáo sư nhà nước; Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành; Hội đồng giáo sư cơ sở và Văn phòng hội đồng giáo sư nhà nước.

Bộ trưởng là nhà quản lý; giáo sư, phó giáo sư là nhà giáo đang giảng dạy bậc đại học và được bổ nhiệm

Theo Quy định khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý ban hành theo Quyết định số 214/TW ngày 02/01/2020 của Ban Chấp hành Trung ương, quy định rõ:

2.15. Chức danh khối cơ quan Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước

a) Bộ trưởng và tương đương, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước

Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực: Có trình độ cao và am hiểu sâu sắc về quản lý nhà nước, nắm chắc pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế. Có năng lực cụ thể hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để hoạch định phương hướng, chính sách phát triển ngành, lĩnh vực được phân công và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.

Có năng lực phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và giữa Trung ương với địa phương, tạo sự đồng bộ trong thực hiện chính sách chung của Đảng, Nhà nước. Có kinh nghiệm lãnh đạo, điều hành và quyết đoán, quyết liệt, kịp thời quyết định những vấn đề khó, phức tạp thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách. Không bị chi phối bởi lợi ích nhóm. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp thứ trưởng hoặc phó trưởng ban, ngành, đoàn thể Trung ương hoặc lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh.

Tiêu chuẩn chung trong khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, về trình độ yêu cầu: Tốt nghiệp đại học trở lên; lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp; quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương; trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp. [3]

Còn chức danh giáo sư, phó giáo sư thì theo Luật Giáo dục (số 43/2019/QH14), Điều 68. Giáo sư, phó giáo sư quy định:

1. Giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục đại học đáp ứng tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư do cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm.

2. Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Bộ trưởng - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước là nhà quản lý, không phải "nhà giáo đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học" nên không thể giữ chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Quyết định 37/2018/QĐ-TTg quy định chức danh giáo sư, phó giáo sư do người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm dựa theo cơ cấu vị trí, số lượng, tiêu chuẩn và điều kiện, vị trí việc làm, nhiệm kỳ bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư là 05 năm. Sau 05 năm, phải rà soát đánh giá theo các quy định để quyết định có bổ nhiệm lại hay không.

Bộ trưởng không thể cáng đáng công việc của một giáo sư hay phó giáo sư

Cơ sở giáo dục đại học nào bổ nhiệm Bộ trưởng đương nhiệm làm giáo sư, phó giáo sư và giao nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy, trả lương cho vị ấy theo đúng quy định của pháp luật? Quyết định 37/2018/QĐ-TTg, Điều 3. Nhiệm vụ của giáo sư và phó giáo sư quy định:

1. Thực hiện nhiệm vụ của giảng viên theo quy định của Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học, chế độ làm việc của giảng viên và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Biên soạn chương trình, giáo trình và sách phục vụ đào tạo khác; giảng dạy, hướng dẫn đồ án, khóa luận tốt nghiệp đại học, luận văn thạc sĩ, luận văn chuyên khoa, chuyên đề, luận án tiến sĩ và thực hiện những nhiệm vụ chuyên môn khác theo quy định.

3. Nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, bảo đảm chất lượng đào tạo.

4. Rèn luyện đạo đức, tác phong khoa học, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và định hướng nghiên cứu khoa học, công nghệ cho đồng nghiệp trong tổ, nhóm chuyên môn.

5. Hợp tác với đồng nghiệp về công tác chuyên môn; tham gia các hoạt động tư vấn khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ phục vụ Kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và các công tác khác.

Thông tư 20/2020/TT-BGDĐT ngày 27/7/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học, Điều 3. Thời gian làm việc, giờ chuẩn giảng dạy và định mức giờ chuẩn giảng dạy, quy định:

1. Thời gian làm việc của giảng viên trong năm học là 44 tuần (tương đương 1.760 giờ hành chính) để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác, được xác định theo năm học sau khi trừ số ngày nghỉ theo quy định.

2. Giờ chuẩn giảng dạy là đơn vị thời gian quy đổi từ số giờ lao động cần thiết để hoàn thành khối lượng một công việc nhất định thuộc nhiệm vụ của giảng viên tương đương với một tiết giảng lý thuyết trình độ đại học trực tiếp trên lớp (hoặc giảng dạy trực tuyến), bao gồm thời gian lao động cần thiết trước, trong và sau tiết giảng.

3. Thời gian giảng dạy trong kế hoạch đào tạo được tính bằng giờ chuẩn giảng dạy, trong đó một tiết giảng lý thuyết trình độ đại học trực tiếp trên lớp (hoặc giảng dạy trực tuyến) 50 phút được tính bằng một giờ chuẩn giảng dạy và được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 6 của Thông tư này.

Đối với các nội dung giảng dạy có tính chất đặc thù, các tiết giảng trình độ đại học trực tiếp trên lớp (hoặc giảng dạy trực tuyến) trên 50 phút giao thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quy đổi cho phù hợp.

Còn nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước theo khoản 2 điều 15 Quy định 37, cụ thể là:

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước

a) Chủ trì các kỳ họp và giải quyết công việc của Hội đồng Giáo sư nhà nước giữa hai kỳ họp;

b) Quyết định bổ nhiệm Ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước;

c) Quyết định thành lập và bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng và các thành viên Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành;

d) Quyết định miễn nhiệm và bổ nhiệm người thay thế những Ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước, thành viên Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành không còn đủ tiêu chuẩn của nhà giáo theo quy định của pháp luật và các tiêu chuẩn quy định tại Điều 17 Quyết định này;

đ) Phân công nhiệm vụ, quy định trách nhiệm, quyền hạn của các thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước. Đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị, kinh phí, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác cho Hội đồng Giáo sư nhà nước, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành hoạt động;

e) Chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát hoạt động của Hội đồng Giáo sư nhà nước, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở;

g) Ban hành nghị quyết, ký quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư;

h) Tham gia các hoạt động của Hội đồng Giáo sư nhà nước với tư cách thành viên của Hội đồng.

Vì vậy, thiết nghĩ không nên đặt vấn đề Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước có phải là "trường hợp khác" vì chưa là giáo sư hay không. Nếu Bộ trưởng - Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đương nhiệm mà vẫn giữ chức danh giáo sư/phó giáo sư thì phải thực hiện nhiệm vụ của giáo sư/phó giáo sư, thời gian đâu để làm công tác quản lý nhà nước?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=1&mode=detail&document_id=203292

[2]https://thanhnien.vn/giao-duc/chu-tich-hoi-dong-gs-nha-nuoc-nguyen-kim-son-duoc-bo-nhiem-theo-dien-truong-hop-khac-1389045.html?fbclid=IwAR09T0q5qSSl837UG5wIEl_KjQXu225_EZtrSGEOfgfVAgRqwpqiqHRdWXw

[3]https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/quy-dinh-so-214-qdtw-ngay-02012020-cua-bo-chinh-tri-ve-khung-tieu-chuan-chuc-danh-tieu-chi-danh-gia-can-bo-thuoc-dien-ban-6021

Hồng Thủy