Chuẩn bị đội ngũ giáo viên để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

14/08/2019 15:11
LÃ TIẾN
(GDVN) - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu ngành Giáo dục tiểu học ưu tiên chuẩn bị đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Sáng 14/8, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 đối với Giáo dục tiểu học.

Dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ; lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và đại diện lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo trên cả nước.

Trên cơ sở ý kiến phát biểu của ngành giáo dục các địa phương, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, năm học 2019-2020 là năm bản lề chuẩn bị các điều kiện để đưa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vào giảng dạy ở lớp cấp 1 tiểu học từ năm 2020-2021.

Do đó, bên cạnh hoàn tất công tác chuẩn bị cho năm học mới, các địa phương phải tăng cường cơ sở vật chất để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

“Ngành giáo dục tiểu học cần tập trung ưu tiên chuẩn bị cho đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Các địa phương phải phối hợp thực hiện tốt công tác bồi dưỡng giáo viên; sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, dồn dịch điểm trường đối với cấp tiểu học phải tuân thủ theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: CTV)
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: CTV)

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu, giáo dục tiểu học không chỉ chú trọng đến môn Tiếng Việt, Toán mà cần quan tâm đến các môn chuyên như Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, kỹ năng sống… để học sinh học phát triển toàn diện.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý ngành giáo dục cùng với các địa phương tăng cường xây dựng trường học an toàn, thân thiện; duy trì chất lượng trường chuẩn quốc gia.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2018-2019 là năm sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Đây cũng là năm bản lề tích cực chuẩn bị các điều kiện để đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trọng tâm là lớp 1.

Kết thúc năm học 2018-2019, toàn quốc hiện có 13.995 trường tiểu học, trong đó có 13.735 trường tiểu học công lập, giảm 1.025 trường so với năm học trước.

Số học sinh tiểu học có gần 8,5 triệu học sinh với 278.385 lớp học, trung bình 30 học sinh/lớp.

Toàn quốc có gần 400.000 giáo viên tiểu học, tỷ lệ trung bình là 1,38 giáo viên/lớp, cơ bản đủ để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.

Năm học này, các địa phương đã tích cực thực hiện sáp nhập các trường tiểu học có quy mô nhỏ; sáp nhập trường tiểu học với trung học cơ sở hoặc sáp nhập các điểm trường lại với nhau.

Khi thực hiện việc sáp nhập, các tỉnh, thành phố dựa trên nguyên tắc “tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh;

Phù hợp với quy hoạch, đáp ứng được các yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”.

Bộ Giáo dục yêu cầu không đọc báo cáo trong ngày khai giảng
Bộ Giáo dục yêu cầu không đọc báo cáo trong ngày khai giảng

Bên cạnh đó, các địa phương chú trọng duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm…

Qua đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo dục tiểu học tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và hình thức tổ chức, phương pháp đánh giá học sinh.

Chuyển từ truyền thụ kiến thức sang tổ chức hoạt động học tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh.

Giáo dục tiểu học bước đầu sử dụng các hình thức dạy học trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, chú ý các hoạt động trải nghiệm để học sinh vận dụng kiến thức, phát triển năng lực.

Thực hiện nghiêm việc xây dựng ma trận đề kiểm tra định kỳ, tăng cường hướng dẫn giáo viên thực hiện đúng quy trình ra đề kiểm tra, đánh giá định kỳ các môn học.

Chính vì vậy, năm học 2018-2019, chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên và duy trì vững chắc.

Các địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ để tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày (tỷ lệ này đạt 80,06%); Nhiều địa phương đạt 100% tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày.

Phong trào xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia cũng đạt kết quả đáng khích lệ, tỷ lệ đạt 59,7%...

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu ngành Giáo dục tiểu học ưu tiên chuẩn bị đội ngũ giáo viên để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới (Ảnh: CTV)
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu ngành Giáo dục tiểu học ưu tiên chuẩn bị đội ngũ giáo viên để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới (Ảnh: CTV)

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra nhiều bất cập như: tỷ lệ giáo viên hợp đồng chưa được xét tuyển chính thức còn khoảng 15%;

Cơ cấu đội ngũ chưa hợp lý, một số nơi thiếu trầm trọng giáo viên các môn như chuyên Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật…

Việc thực hiện giảm áp lực cho giáo viên chưa được các cấp quản lý chú trọng chỉ đạo thực hiện.

Việc quản lý các trường có yếu tố nước ngoài, các chương trình tích hợp, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong trường học… chưa hiệu quả.

Tình trạng học sinh bỏ học, học sinh ngồi nhầm lớp vẫn diễn ra tại một vài địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt là khu vực Tây Nam Bộ, Tây Nguyên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, chỉ đạo Giáo dục tiểu học tập trung hoàn thành trong năm học 2019-2020.

Đó là, thực hiện rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp; tăng cường cơ sở vật chất cho các trường tiểu học;

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; chuẩn bị sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cùng với đó, chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ cho nhà trường;

Tăng cường nền nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục  trong các cơ sở giáo dục tiểu học…

Tại hội nghị đã có gần 10 tham luận, ý kiến phát biểu tại hội nghị để làm rõ thêm về việc giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu phòng học, nhà vệ sinh;

Duy trì trường chuẩn quốc gia như: bổ sung xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, phòng chức năng, nhà vệ sinh cho học sinh.

LÃ TIẾN