Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học được xây dựng gồm 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí. Các tiêu chuẩn, tiêu chí là những yêu cầu tối thiểu về điều kiện đảm bảo chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học.
Ở Tiêu chuẩn 2 quy định về vấn đề giảng viên, yêu cầu cơ sở giáo dục đại học có đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu về số lượng, trình độ và quỹ thời gian để bảo đảm chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.
Theo đó, tiêu chí về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ với các tỷ lệ theo từng giai đoạn và từng loại cơ sở đào tạo như sau:
"Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 5% và từ năm 2030 không thấp hơn 10% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sĩ.
Tỷ lệ này không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ".
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là thước đo tối thiểu mà cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng để được xác định đạt chuẩn chất lượng. Thế nhưng, để đạt được những tiêu chuẩn, tiêu chí về tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ như yêu cầu không phải điều dễ dàng đối với nhiều trường.
Đặc biệt khó với các trường đại học địa phương
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long cho biết: Tiêu chuẩn 2, yêu cầu dành cho đội ngũ giảng viên trong Thông tư 01 là một quy định phù hợp với thực tiễn giáo dục đại học hiện nay, có tính định hướng cao nhằm giúp các cơ sở giáo dục đại học phấn đấu thực hiện và đảm bảo chất lượng trong đào tạo.
Tại Trường Đại học Hạ Long, từ tháng 02/2024, nhà trường đã nghiêm túc rà soát các điều kiện thực hiện theo Thông tư. Theo đó, trường cơ bản đạt các điều kiện trong Tiêu chuẩn 2 như tiêu chí sinh viên/giảng viên của nhà trường đang ở mức trung bình 21 sinh viên/giảng viên (yêu cầu là 40 sinh viên/giảng viên); tỷ lệ giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động là 98% (trong khi đó yêu cầu là 70%); tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ trở lên đạt 22,63%, cơ bản đáp ứng được yêu cầu ở giai đoạn trước năm 2030.
Tuy nhiên, theo thầy Tiệp, để đảm bảo tỷ lệ 30% giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ vào năm 2030 thì Trường Đại học Hạ Long cần phải tập trung dồn sức phấn đấu mới có thể đạt đủ như yêu cầu.
Hiện nay, trường đang có 12% giảng viên được hỗ trợ và cử đi làm nghiên cứu sinh. Ban lãnh đạo nhà trường đã xây dựng lộ trình để giảng viên tham gia nghiên cứu trình độ tiến sĩ trong và ngoài nước một cách bài bản, hướng đến mục tiêu đạt tỷ lệ tiến sĩ trên 30% từ năm 2030.
Bên cạnh đó, công tác thu hút giảng viên trình độ tiến sĩ giảng dạy tại trường được thực hiện công khai và nghiêm túc. Tuy nhiên, số lượng giảng viên trình độ tiến sĩ được thu hút về trường công tác vẫn còn nhiều hạn chế.
“Với các trường đại học ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay các thành phố trực thuộc trung ương và những trường đã thành lập lâu đời sẽ có nhiều lợi thế, thuận lợi hơn trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao mà không cần có chính sách đặc biệt.
Thế nhưng với các trường đại học thuộc ủy ban nhân dân tỉnh như Trường Đại học Hạ Long thì việc tuyển dụng đội ngũ giảng viên trình độ cao còn gặp nhiều khó khăn.
Trên thực tế, chúng tôi đã có chính sách thu hút đặc biệt của tỉnh với số tiền cao nhất hơn 5,5 tỷ đồng/người mà trong 5 năm chỉ thu hút được 63,6% so với chỉ tiêu.
Do đó, để có đội ngũ trình độ cao làm việc và gắn bó với trường lâu dài, bền vững thì giải pháp chính vẫn là cử giảng viên đi học nâng cao trình độ. Mặc dù điều kiện tiêu chuẩn đầu vào, đầu ra của nghiên cứu sinh cũng là một thách thức với đội ngũ giảng viên của các trường đại học địa phương, nhất là tiêu chuẩn năng lực ngoại ngữ”, thầy Tiệp chia sẻ.
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Đỗ Văn Đỉnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ cũng cho rằng, chuẩn cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành với mục tiêu tăng số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng thực tiễn.
Đây là sự chỉ đạo thiết thực để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, đối với Tiêu chuẩn 2, yêu cầu về vấn đề giảng viên, thầy Đỉnh cho rằng đây là một tỷ lệ lớn đối với nhiều cơ sở giáo dục đại học tại thời điểm hiện tại.
Theo tiêu chí này, các cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ phải đảm bảo tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30%.
Dựa vào thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trình độ tiến sĩ trên cả nước trong năm 2022 là 31,68%; năm 2023 là 31,95% và năm 2024 là 33%.
Theo đó, tỷ lệ cơ sở giáo dục đại học có trình độ tiến sĩ cao tập trung vào một số trường đại học lớn, ở các thành phố lớn và có đào tạo tiến sĩ.
Do đó, tính đến thời điểm hiện tại, đối với những cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ thì đa số các trường mới chỉ tiệm cận và đạt mức không thấp hơn 20%.
Và để đến năm 2030 đạt được tỷ lệ không thấp hơn 30% thì mỗi năm trường sẽ tăng từ 1-2%, đây không phải là con số nhỏ và dễ dàng đạt được.
Lúc này, bài toán đặt ra cho các cơ sở giáo dục đại học là phải có một kế hoạch chiến lược phát triển trình độ đội ngũ giảng viên kèm theo đó là có cơ chế, chế độ chính sách mạnh thì mới đào tạo, bồi dưỡng và thu hút đội ngũ tiến sĩ đáp ứng được mục tiêu trên.
Xét về vị thế, Trường Đại học Sao Đỏ là cơ sở giáo dục đại học đặt địa điểm tại tỉnh (không phải thành phố lớn), chưa tự chủ tài chính và chính sách lương, phúc lợi cho giảng viên có trình độ tiến sĩ chưa cao, vì vậy, việc thu hút được đội ngũ giảng viên có trình độ cao từ các thành phố lớn về làm việc còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn lực để đãi ngộ, giữ chân đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ đã có nhưng chưa cao nên việc thu hút, giữ chân thầy cô còn khó.
“Hiện nay, tỷ lệ giảng viên cơ hữu đạt trình độ tiến sĩ của Trường Đại học Sao Đỏ đạt 19,7% trong tổng số giảng viên cơ hữu của trường.
Theo kế hoạch học tập của giảng viên năm 2024 sẽ có 3-5 giảng viên hoàn thành luận án, dự kiến năm 2025 tỷ lệ giảng viên sẽ đạt tỷ lệ 20% theo yêu cầu của Thông tư 01.
Để đạt được tỷ lệ như Tiêu chuẩn 2 đã đặt ra, nhà trường cũng đã có định hướng, chiến lược trong việc phát triển đội ngũ giảng viên.
Điển hình như việc cử giảng viên tham gia học nâng cao trình độ, thực hiện các chính sách hỗ trợ học tập cho các nghiên cứu sinh, hỗ trợ 100% kinh phí học tập tập, tạo điều kiện về mặt thời gian để nghiên cứu sinh tập trung học tập và bảo vệ luận án tiến sĩ. Tích cực khen thưởng, vinh danh giảng viên hoàn thành luận án tiến sĩ kịp thời cũng như hỗ trợ kinh phí thực hiện thí nghiệm, khảo sát, báo cáo, đánh giá kết quả nghiên cứu, tham gia hội nghị/hội thảo và công bố công trình khoa học.
Bên cạnh việc ưu tiên tuyển dụng người có trình độ cao về công tác tại trường, nhà trường còn tạo điều kiện làm việc cũng như xây dựng lộ trình thăng tiến cho đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ.
Về chính sách đãi ngộ, ngoài việc hưởng lương theo quy định và chế độ thu nhập bổ sung hằng tháng chung cho tất cả cán bộ, giảng viên thì giảng viên có trình độ tiến sĩ còn được trả thêm kinh phí hỗ trợ giảng viên có trình độ cao (thu nhập bổ sung cho giảng viên có trình độ tiến sĩ bằng 3 lần lương cơ sở; thu nhập bổ sung cho giảng viên giỏi kỹ năng thực hành, thực nghiệm bằng 1,5-2 lần lương cơ sở).
Đối với giảng viên trẻ mới tuyển dụng có trình độ cao, hệ số lương thấp, ngoài chế độ cho giảng viên có trình độ cao, nhà trường hỗ trợ thêm kinh phí cho giảng viên để giảng viên yên tâm công tác, đảm bảo mức thu nhập tối thiểu trên 12 triệu đồng/tháng", thầy Đỉnh chia sẻ.
Mong muốn có thêm các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước
Trước những yêu cầu, tiêu chí bắt buộc đó, các cơ sở giáo dục đại học cần phải có sự chủ động và chuẩn bị ngay từ bây giờ thì mới có thể kịp thời đáp ứng tỷ lệ tại Thông tư 01 đã đặt ra.
Theo chia sẻ của Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, việc đáp ứng tiêu chí trên sẽ là thách thức đối với những cơ sở đào tạo nếu chưa có sự chủ động, chuẩn bị từ trước.
Mặt khác, nếu muốn phát triển quy mô ngành đào tạo, quy mô sinh viên thì các cơ sở đào tạo cần tuyển dụng, bồi dưỡng giảng viên mạnh hơn nữa.
Tuy nhiên, với các ngành đào tạo mới xuất hiện thì tỉ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ thường ít hơn so với giảng viên trình độ thạc sĩ. Chính vì vậy, khi quy mô đào tạo tăng, tương ứng với quy mô đội ngũ ngày càng lớn hơn thì tỉ lệ giảng viên trình độ thạc sĩ sẽ tăng nhanh hơn so với tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ.
“Do đó, để đảm bảo tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ trên 30% vào năm 2030 đòi hỏi các trường phải có kế hoạch cụ thể, có những giải pháp khả thi trên cơ sở lường trước những thách thức có thể gặp phải, đồng thời cần rất nỗ lực, quyết tâm để đạt được tiêu chuẩn theo Thông tư đã đề ra”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp nhấn mạnh.
Theo phóng viên tìm hiểu, hiện nay, Trường Đại học Hạ Long đã có 3 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và đến năm 2026, nhà trường sẽ có khóa đào tạo trình độ thạc sĩ tốt nghiệp và đủ điều kiện để thực hiện kiểm định chương trình đào tạo cũng như tự chủ mở ngành trình độ tiến sĩ.
Cũng theo chia sẻ của thầy Hiệu trưởng, trong định hướng và quy hoạch phát triển của Trường Đại học Hạ Long từ khi thành lập đã xác định mục tiêu phấn đấu hướng tới đào tạo trình độ tiến sĩ.
Như vậy, nếu các kế hoạch trên thuận lợi, đến năm 2030, nhà trường sẽ rà soát các tỉ lệ theo Tiêu chuẩn 2 của Thông tư 01 và sẽ quyết định mở ngành hay tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để mở ngành trình độ tiến sĩ sau năm 2030.
Tuy nhiên, thầy Tiệp cho biết, hiện nay, số giảng viên có học hàm phó giáo sư của trường còn hạn chế khi chỉ chiếm 3,2% tổng số giảng viên cơ hữu toàn trường.
Do đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ để có thể thuận lợi hơn trong việc thực hiện lộ trình đạt chuẩn giảng viên như tiêu chí tại Thông tư 01. Mặc dù các trường luôn có nhu cầu tuyển dụng, thu hút giảng viên có học hàm, học vị cao để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường song công tác tuyển dụng không hề dễ dàng, nhất là với các trường đại học trực thuộc tỉnh.
"Vậy nên, trước tiên, chúng tôi mong muốn có thêm các chính sách hỗ trợ từ phía Bộ chủ quản, Uỷ ban nhân dân tỉnh và các tổ chức quốc tế trong việc đào tạo, nâng cao trình độ cho giảng viên, đặc biệt là phát triển các chương trình liên kết quốc tế để giảng viên có cơ hội theo học và hoàn thành chương trình tiến sĩ.
Thứ hai, cần nhận được sự hỗ trợ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các phòng thí nghiệm, thư viện, và các trung tâm nghiên cứu hiện đại.
Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn là yếu tố quan trọng để thu hút đội ngũ giáo sư, phó giáo sư tham gia giảng dạy và nghiên cứu.
Thứ ba chính là sự hỗ trợ trong việc thiết lập và mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu và nâng cao trình độ giảng viên cũng như nhận được sự hỗ trợ trong việc xây dựng và phát triển một môi trường học thuật năng động, khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo.
Điều này bao gồm việc thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, hội thảo, và các chương trình đào tạo ngắn hạn để nâng cao năng lực giảng viên.
Bên cạnh đó, trường cũng mong nhận được sự hỗ trợ trong công tác phát triển nguồn học liệu, tài liệu học tập, nghiên cứu, đặc biệt là các tài liệu chuyên sâu và các cơ sở dữ liệu quốc tế, để giảng viên và nghiên cứu sinh có đủ nguồn tư liệu phục vụ cho việc giảng dạy và nghiên cứu.
Nếu những mong muốn trên thuận lợi được đáp ứng, đến năm 2030, nhà trường sẽ rà soát các tỉ lệ theo Tiêu chuẩn 2 của Thông tư 01 và sẽ quyết định mở ngành hay tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để mở ngành trình độ tiến sĩ sau năm 2030, tiến tới xây dựng Trường Đại học Hạ Long theo mô hình đô thị đại học, trở thành trung tâm thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và khu vực”, thầy Tiệp bày tỏ.
Chia sẻ về vấn đề này, thầy Đỗ Văn Đỉnh cho hay, hiện nay, Trường Đại học Sao Đỏ cũng chỉ dừng lại đào tạo hệ đại học chính quy và trình độ thạc sĩ ở một số ngành học.
Theo đó, nhà trường đang cố gắng hoàn thiện mục tiêu đối với cơ sở giáo dục không đào tạo trình độ tiến sĩ như yêu cầu tại Thông tư 01.
Trong tương lai, khi các vấn đề về nguồn lực giảng viên và cơ sở vật chất được cải thiện và đáp ứng, nhà trường sẽ đề cập và tính toán đến việc đào tạo trình độ tiến sĩ trong lộ trình phát triển của trường.
Bên cạnh đó, thầy Đỉnh cũng không khỏi bận lòng khi các điều kiện về lương, phúc lợi và điều kiện cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu còn hạn chế khiến việc giữ chân giảng viên trình độ cao cũng trở thành một áp lực lớn đối với nhà trường.
Hơn hết, việc thu hút và tuyển dụng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư để đào tạo trình độ tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học thì lại càng khó khăn hơn.
Do đó, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ bày tỏ mong muốn sẽ được Nhà nước hỗ trợ tài chính thông qua các chương trình đầu tư phát triển nhân lực, học bổng nghiên cứu hoặc các dự án hỗ trợ hợp tác quốc tế.
Cụ thể là những chính sách ưu đãi đặc biệt như các khoản hỗ trợ tài chính, nhà ở hoặc cơ hội phát triển nghề nghiệp đặc biệt dành cho các giảng viên có học vị cao.
Bên cạnh đó là sự hỗ trợ trong việc cải thiện, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và các điều kiện làm việc khác để tạo môi trường thuận lợi hơn cho giảng viên, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu.
Cuối cùng là có các chương trình hợp tác quốc tế, trao đổi giảng viên và các chương trình đào tạo ngắn hạn tại các trường đại học nước ngoài.
Điều này sẽ giúp nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên hiện có và tạo điều kiện cho việc tiếp thu những kinh nghiệm, phương pháp giáo dục tiên tiến từ các quốc gia khác.