Theo chồng lên công tác vùng cao, cô giáo gắn bó với Mường Lát vì yêu thương HS

02/12/2024 06:42
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Sự nhanh nhạy và tinh thần trách nhiệm của cô giáo Bùi Thị Châm đã giúp hơn 200 học sinh thoát nạn khỏi sạt lở đất.

Đã hơn 2 tháng kể từ ngày trận sạt lở đất kinh hoàng do ảnh hưởng của cơn bão số 3 xảy ra ở sườn đồi ngay phía sau khu nhà ở bán trú của hơn 200 học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Trung Lý, huyện biên giới Mường Lát, Thanh Hóa nhưng ký ức về sự việc vẫn như vẹn nguyên trong tâm trí cô Bùi Thị Châm.

Thật may mắn, vụ sạt lở đất này đã không gây thiệt hại về người nhờ cô giáo Bùi Thị Châm (giáo viên dạy Địa lý tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Trung Lý, huyện biên giới Mường Lát, Thanh Hóa) đã phát hiện sớm nguy cơ và cảnh báo để hơn 200 học sinh di tản kịp thời.

Yêu mảnh đất vùng biên bởi sự chân thật, tình cảm của người dân

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về cơ duyên đến với nghề giáo, cô Bùi Thị Châm chia sẻ: “Ngay từ bé, tôi đã có một ước mơ là được góp sức mình phục vụ cho tổ quốc nên sau này lớn lên tôi đã chọn nghề giáo viên để có thể đem kiến thức và truyền nguồn cảm hứng về học tập đến học sinh như tôi được thầy cô của mình từng làm

Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, là con thứ 3 trong gia đình có 5 người con, bố mẹ tôi vẫn cố gắng lo cho cả 5 chị em đều học đại học, trong đó có một chị gái là thạc sĩ và em út là bác sĩ hiện cũng chuẩn bị bảo vệ khóa luận thạc sĩ”.

Không phụ lòng bố mẹ, cô Châm đã cố gắng học hành, chọn theo ngành sư phạm để hiện thực hóa ước mơ của mình.

Kể về lý do gắn bó với huyện vùng biên Mường Lát, cô Châm cho biết, cô tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm địa lý, Khoa Địa lý, Trường Đại học Vinh cách đây hơn 10 năm. Năm 2021, khi chồng làm đơn tình nguyện đi tăng cường các huyện vùng biên giới, cô quyết định theo chồng và về dạy tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Trung Lý.

Bản thân cô cũng băn khoăn bởi những khó khăn của các huyện vùng cao như thường xảy ra thiên tai lũ quét và sạt lở đất.

Tuy nhiên, suy nghĩ kĩ lại về trách nhiệm và sứ mệnh thiêng liêng của nghề giáo, cô đã quyết định theo chồng lên vùng cao bởi chính những nơi còn nhiều khó khăn đó lại đang rất cần sự cống hiến của những nhà giáo.

Những ngày đầu đặt chân đến nơi này, tuy phải làm quen với nhiều khó khăn, nhưng từng ngày làm việc và tiếp xúc với học trò nơi đây, cô dần yêu mảnh đất vùng biên này, bởi sự chân thật, tình cảm của người dân.

“Rất may mắn khi tôi được biết, được nghe những câu chuyện đầy xúc động của các anh chị đồng nghiệp đi trước, tấm lòng chân thật của bà con dân bản và lòng yêu thương với học sinh đã cho tôi thấy mình có mặt ở nơi này là đúng đắn.

Tinh thần ham học, vượt qua khó khăn để đến trường tìm con chữ của con em đồng bào Mông nơi đây cũng truyền cho tôi thêm động lực gắn bó với nghề.

Hơn hết, tôi vẫn luôn thầm cảm ơn mảnh đất nơi này đã cho tôi có cơ hội được sống với đam mê, được đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho các em học sinh thân yêu. Chính tình cảm, lòng biết ơn ấy giúp tôi không ngừng nỗ lực, cố gắng từng ngày hoàn thiện mình hơn, làm nghề bằng tất cả nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm", cô Châm chia sẻ.

Cô Bùi Thị Châm cùng các em học sinh. Ảnh: NVCC
Cô Bùi Thị Châm cùng các em học sinh. Ảnh: NVCC

Theo cô Châm, xã Trung Lý là xã có địa hình phức tạp và kinh tế còn nhiều khó khăn, cả xã có 15 bản thì học sinh từ 13 bản sẽ ở lại bán trú tại trường. Có những em cách trường từ 7km đến gần 50km. Vì vậy, việc tiếp cận và vận động các em ở xã đi học là rất khó khăn.

Tuy nhiên, nhờ có các chính sách hỗ trợ của nhà nước như chế độ bán trú theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; chế độ miễn, giảm học tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP mà các em yên tâm học tập hơn.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng cô Châm vẫn miệt mài “gieo” tri thức, thắp sáng ước mơ cho các em vùng cao Mường Lát. Trong gian khó nơi núi rừng biên giới, cô Châm đã gieo chữ, gieo cả niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn cho những đứa trẻ nơi đây.

Để khuyến khích, động viên các em đến trường, cô Châm thường kể những tấm gương học sinh nghèo vượt khó và đã thành công giúp bản thân và bà con dân bản thoát nghèo.

Đồng thời, cô còn kể cho các em nghe những câu chuyện, chia sẻ những hình ảnh của các em nhỏ ở rất nhiều nơi trên thế giới còn khó khăn hơn đất nước mình ngoài nghèo đói, các bạn nhỏ ấy còn phải đối mặt với chiến tranh… để thấy được dù mình có đang khó khăn nhưng còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Vì vậy, cô luôn động viên, hỗ trợ các em cố gắng học tập vì một tương lai tươi sáng.

Những giờ học Địa lý của cô luôn mang đến cho học sinh nơi vùng cao xa xôi này những kiến thức về khoa học, địa lý, đặc biệt là kĩ năng phòng chống thiên tai.

Luôn lo lắng cho sự an toàn của học sinh

Không chỉ là một giáo viên luôn hết lòng với học sinh, cô đã lan tỏa tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, ý thức cảnh giác phòng chống thiên tai trong giáo viên và học sinh ở những bản làng xa xôi của huyện Mường Lát. Cô Châm chia sẻ: "Vào ngày 22/9/2024, do mưa lũ kéo dài nhiều ngày, đất đá sạt lở trên đồi đã bắt đầu có dấu hiệu đổ xuống khu vực ký túc xá của trường.

Hôm đó, tôi trực ban học sinh khu ký túc xá của trường. Là giáo viên Địa lý, có hiểu biết về thiên tai, tôi lo lắng đất đá trên đồi núi phía sau khu ký túc xá đã nhiều ngày mưa to, ngấm nước dễ gây sạt lở đất đá.

Nhất là trong lúc hàng trăm học sinh đang ngủ trưa rất nguy hiểm khi lũ quét, sạt lở xảy ra. Tôi vừa nghĩ vừa chạy vội lên ký túc xá kiểm tra và thấy đất đá đang bắt đầu rơi, kèm bùn nhão chảy từ trên đồi xuống.

Đến cổng trường, tôi thấy cổng đã bị sạt lở. Nhìn lên trên quả đồi sau ký túc xá, đất đang sạt xuống từng mảng, tôi hoảng hốt chạy vào khu ký túc xá hô hoán cho các em học sinh chạy và nhờ một số bạn học sinh gọi các em khác dậy, còn tôi lấy loa đi thông báo cho mọi người".

Sau khi nghe tiếng loa thì tất cả các thầy cô giáo trong ban giám hiệu cũng bỏ bữa cơm chạy lên để sơ tán kịp thời các em và kiểm tra xem còn bạn nào đang ngủ.

Chỉ sau 10 phút kể từ khi các em sơ tán, hàng trăm khối đất đá từ quả đồi phía sau đổ sập xuống làm biến dạng nhiều giường học sinh vừa nằm ngủ. Đồ đạc trong phòng bị xô lệch, hư hỏng nặng Khi đó tất cả các em học sinh đã an toàn ở khu phòng học, nếu chậm chút nữa, thảm họa đã xảy ra với học sinh.

“Thật may mắn là chúng tôi đã kịp thời sơ tán các em ra khỏi khu vực ký túc xá trước khi tình huống xấu xảy ra. Các em ở lại bán trú chủ yếu là ở bản xa, có bản cách trường gần 50 cây số. Các em đã phải xa gia đình, bố mẹ đến trường ở bán trú để theo đuổi con chữ. Thầy cô trong trường luôn coi các em như con. Nhìn thấy các em được an toàn là điều hạnh phúc nhất của những người làm thầy, cô như chúng tôi”, cô Châm bồi hồi kể lại.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa Nguyễn Văn Dĩnh đã trao giấy khen, phần thưởng cho cô giáo Bùi Thị Châm, giáo viên của trường, vì có thành tích xuất sắc trong phòng chống bão lũ.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa Nguyễn Văn Dĩnh đã trao giấy khen, phần thưởng cho cô giáo Bùi Thị Châm, giáo viên của trường, vì có thành tích xuất sắc trong phòng chống bão lũ.

Theo cô Châm, việc công tác tại miền núi rất khó khăn, kể cả bố mẹ cô khi lên thăm nhìn địa hình, đường đi, thương con thương cháu cũng khuyên chuyển về. Nhưng cảm thấy bà con nơi này cũng như học sinh cần những giáo viên, những người nhiệt huyết, nhiệt tình, tận tâm với nghề. Càng thấu hiểu những khắc nghiệt của vùng cao, cô càng yêu nghề, yêu trẻ hơn.

Hành trình gieo chữ không chỉ được đo đếm bằng chiều dài những quãng đường mà hơn hết là tâm huyết, lòng yêu nghề của các thầy cô với các em học sinh vùng cao.

Gửi gắm tới những thầy, cô giáo đang công tác tại vùng cao, cô Châm nhắn nhủ: “Nghề giáo luôn đòi hỏi sự tâm huyết, trách nhiệm và tình yêu với nghề.

Nếu có thể lên công tác vùng biên giới, chúng tôi luôn giang tay chào đón các bạn, nhất là các bạn trẻ. Một chút cố gắng nhỏ sẽ thay đổi cuộc đời của một đứa trẻ và đặc biệt là những đứa trẻ vùng cao.

Nơi đây con người hiền hòa, chân thật, học sinh trong sáng ngây ngô rất cần các bạn tô vẽ cho những bông hoa núi rừng trở nên tươi đẹp. Mong sao, các thầy, cô có thể góp một phần chút công sức bé nhỏ mang con chữ tới các em vùng khó khăn hẻo lánh này để các em được học tập”.

Ngày 25/9, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định khen thưởng cô Bùi Thị Châm, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Trung Lý huyện Mường Lát. Cô Châm được tặng Giấy khen cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống lụt bão năm 2024.

Thu Trang