Ngày 19/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức” nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí, việc làm và khung năng lực theo quy định.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, có 60 phần trăm viên chức và 50 phần trăm viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 (tương đương với trình độ B2 khung châu Âu) trở lên; hướng đến năm 2030 sẽ đảm bảo 70 phần trăm viên chức và 60 phần trăm viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 (tương đương với trình độ B2 khung châu Âu) trở lên.
Giáo viên phải đạt chuẩn ngoại ngữ thế nào trong thời gian tới? (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại) |
Đề án này áp dụng đối với cán bộ trong các cơ quan Nhà nước; công chức trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Riêng cán bộ, công chức, viên chức công tác trong hệ thống các cơ quan, đơn vị thuộc ngành ngoại giao và giáo viên, giảng viên ngoại ngữ sẽ không áp dụng theo Đề án này.
Như vậy, theo mục tiêu đề ra tại Đề án thì trong thời gian tới sẽ có một bộ phận lớn giáo viên các cấp (ngoại trừ giáo viên ngoại ngữ) phải tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ để đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 (tương đương với trình độ B2 khung châu Âu) theo quy định.
Chẳng hạn như ở trường học, phải có 60 phần trăm giáo viên, nhân viên đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4.
Đối với giáo viên giữ chức vụ lãnh đạo quản lý (Hiệu trưởng, Hiệu phó, tổ trưởng/tổ phó chuyên môn và văn phòng) phải có 50 phần trăm đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4.
Kinh phí xây dựng và thực hiện Đề án được bố trí từ dự toán chi ngân sách Nhà nước được giao theo quy định về phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn tài chính, huy động hợp pháp khác.
Nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức được bố trí từ ngân sách Nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành; kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; đóng góp của cán bộ, công chức; tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Văn bằng, chứng chỉ là một kiểu giấy phép con “làm tội” nhà giáo |
Nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho viên chức được bố trí từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (không bao gồm nguồn ngân sách Nhà nước bố trí cho đơn vị); đóng góp của viên chức và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Đề án cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, hoàn thiện các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ và xác nhận trình độ ngoại ngữ tương đương theo các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức.
Nghiên cứu, đề xuất xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ (bao gồm cả đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến online) cho cán bộ, công chức, viên chức theo tiếp cận chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu chung và yêu cầu thực thi nhiệm vụ công vụ.
Hướng dẫn các quy định về cơ chế, chính sách đối với đội ngũ giảng viên, giáo viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức.
Mở rộng mạng lưới các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức; thẩm định năng lực và giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá năng lực và cấp chứng chỉ ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.
Thời gian thực hiện Đề án từ năm 2019 đến hết năm 2030.
Tài liệu tham khảo:
Quyết định 1659/QĐ-TTg 2019 Đề án Chương trình học ngoại ngữ cho cán bộ, công chức