Trên đây là lời tâm sự của TS. Nguyễn Khắc Thái (Trường Đại học Khoa học Huế) khi ông trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về những hành động của Trung Quốc tại biển đông trong thời gian qua.
TS. Nguyễn Khắc Thái quan niệm, hành động của Trung Quốc vừa qua là bước đi tiếp về mặt vũ lực đặt Việt Nam vào sự thử thách tồn vong, do đó toàn dân tộc từ miền xuôi tới miền núi, từ nông thôn đến thành thị, từ trong nước đến ngoài nước đoàn kết đấu tranh lại sự xâm lược của Trung Quốc.
Không thể chối cãi với lịch sử
Thưa ông, đối với mỗi công dân, vấn đề chủ quyền biển đảo có ý nghĩa như thế nào, nhất là với những người làm sử, dạy sử như ông?
TS. Nguyễn Khắc Thái: Một dân tộc tồn tại trên hai trục, trục lịch đại của diễn trình lịch sử từ thời đại này sang thời đại khác và trục đồng đại tức là trong một thời điểm. Vậy vấn đề biển đông gắn liền với dân tộc Việt Nam trên cả hai trục đó.
TS. Nguyễn Khắc Thái (TrườngĐại học Khoa học Huế). |
Trục lịch đại đã ghi nhận đây là vùng đất (quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có từ rất lâu trong lịch sử, sự ghi nhận này song song giữa hai quốc gia láng giềng là Việt Nam và Trung Quốc. Khi con người đủ khả năng để tiến ra biển và quản lý vùng biển thì đã ghi nhận năng lực quản lý và quyền quản lý vùng biển đó của Việt Nam, ở Việt Nam đã có từ trước thời Lý, Trần, Lê. Lúc đó cả Trung Quốc và Việt Nam không ai xác định chủ quyền.
Nhưng từ sau thời Lê trở đi đã được định danh vào trong bản đồ của Nhà nước phong kiến Việt Nam, đặc biệt thời chúa Nguyễn đã có những tổ chức để quản lý Hoàng Sa (phi đội Hoàng Sa), sau đó những người cầm quyền và các nhà khoa học Việt Nam như Lê Quý Đôn đã viết nhiều lần vào những cuốn sách, những thư tịch cổ chứng minh rằng Hoàng Sa, Trường Sa là vùng đất của Việt Nam.
Gần đây nhất các học giả trên thế giới đã sưu tầm được trên 200 bản đồ cổ của các nhà khoa học đều ghi nhận vùng đất Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Như vậy, trong diễn trình lịch sử Việt Nam thì vùng đất Hoàng Sa, Trường Sa là không thể tách rời.
Nhưng vấn đề ở chỗ, song song với quá trình quản lý vùng biển đông đối với Trường Sa, Hoàng Sa thì đồng thời lịch sử Trung Quốc cũng có một diễn trình lịch sử song song như vậy, và họ chỉ quản lý đến đảo Hải Nam mà thôi.
Chưa bao giờ trong lịch sử Trung Quốc và các bản đồ cổ Trung Quốc vượt quá quần đảo Hải Nam. Như vậy sự tồn tại lịch sử song song của hai quốc gia láng giềng đều hợp lý từ xưa tới nay và chưa bao giờ mâu thuẫn (một bên quản lý tới đảo Hải Nam, một bên quản lý từ Hải Nam trở xuống).
Về mặt đồng đại, tính chủ thể của một quốc gia cho phép Việt Nam thừa nhận trong thời kỳ hiện đại Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam.
Lý do thứ nhất, khi đất nước tạm chia làm hai miền, Việt Nam lúc đó có hai hệ thống Chính trị khác nhau (Hệ thống chính trị của Việt Nam dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc và Hệ thống chính trị của Chính phủ Việt Nam cộng hòa ở phía Nam). Cả hai hệ thống Chính trị này đều song song quản lý vùng biển đông mà không có sự tranh chấp của Trung Quốc.
Vấn đề chỉ xảy ra khi năm 1974, Trung Quốc lấy Hoàng Sa từ tay Chính phủ Việt Nam cộng hòa, đó cũng là xâm chiếm chủ quyền trên một thực thể là Việt Nam chứ không phải là một thực thể nào khác.
Việt Nam hoàn toàn không đơn độc trong việc này.
Tại Hội thảo Việt Nam học lần thứ 4 tổ chức tại Hà Nội, gần như 100% các nhà khoa học đều chứng minh rõ ràng và cụ thể chủ quyền vùng đất Hoàng Sa là của Việt Nam, phái đoàn Trung Quốc có dự và không có một phản đối gì. Như vậy, trong hai trục đồng đại và hiện đại mặc nhiên hai vùng đất Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Hiện nay việc thừa nhận này được thế giới đồng tình ủng hộ.
Là trí thức sống trong thời đại này, chúng tôi được tiếp cận với thông tin quốc tế, hàng ngày hàng giờ chúng tôi đều nhận được gần như 100% sự ủng hộ về quyền quản lý của Việt Nam đối với Hoàng Sa.
Một điều nữa, trong hàng ngũ các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã có người lên tiếng thừa nhận việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của một nước khác là điều không đúng.
Trên tinh thần đó, với tư cách là một công dân của nước Việt Nam, với tư cách là người nghiên cứu lịch sử Việt Nam, chúng tôi kịch liệt phản đối sự xâm chiếm của Trung Quốc, tuy rằng đây chỉ là một giàn khoan nhưng cũng phải hiểu rằng đây là một quá trình, bởi Trung Quốc đã thực sự xâm chiếm Hoàng Sa từ trước năm 1974.
Tôi quan niệm đây là bước đi tiếp về mặt vũ lực của Trung Quốc, đặt Việt Nam vào sự thử thách tồn vong, do đó toàn dân tộc từ miền xuôi tới miền núi, từ nông thôn đến thành thị, từ trong nước đến ngoài nước đoàn kết đấu tranh lại sự xâm lược của Trung Quốc. Trước mắt đấu tranh buộc Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Nhưng thưa ông, xuất phát từ đâu mà Trung Quốc luôn tỏ thái độ, âm mưu bành trướng lãnh thổ?
TS. Nguyễn Khắc Thái: Trung Quốc luôn có âm mưu bành trướng bởi có ba lý do sau:
Thứ nhất, chúng ta không quy kết nhân dân Trung Quốc, nhưng tầng lớp cầm quyền Trung Quốc trong nhiều thế hệ họ luôn luôn có tư tưởng bành trướng, đó là chủ nghĩa sô – vanh (chủ nghĩa nước lớn). Tư tưởng đó nằm trong lịch sử Trung Quốc suốt nghìn năm. Bây giờ, lẽ ra trong thời đại mới với một Đảng cầm quyền đại diện cho giai cấp công nhân, tư tưởng tiến bộ của nhân dân Trung Quốc, nhưng họ vẫn đi theo bánh xe cũ như vậy, đó là điều đáng buồn.
Thứ hai, Trung Quốc cũng gặp khó khăn lớn về kinh tế, trong đó có khó khăn về mặt tài nguyên, đặc biệt là về năng lượng. Trong bản đồ Trung Quốc từ trước tới nay nước này chỉ thăm dò tài nguyên trên đất liền (năng lượng khô, tiềm năng hạn chế), do đó Trung Quốc tham vọng có được nguồn tài nguyên ở Đông Nam Á.
Thứ ba, như là một quy luật của lịch sử mà Ăng – Ghen đã từng tổng kết: Mỗi khi trong nội bộ dân tộc thiếu sự thống nhất, thường tầng lớp cầm quyền gây một cuộc xung đột với bên ngoài để tập hợp lại lực lượng trong nước. Hiện nay giới lãnh đạo nhà nước Trung Quốc đang có vấn đề với các địa phương, các dân tộc. Đó cũng là thủ đoạn để làm nhạt những mâu thuẫn nội bộ và hướng sự mâu thuẫn đó ra bên ngoài.
Ngoài ra, Trung Quốc tự coi mình là một nước lớn, nếu là nước lớn thì có quyền tranh chấp với các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, NATO. Đó là những lý do mà Trung Quốc đặt tham vọng lớn tiến quân về Đông Nam Á, việc đầu tiên là xâm phạm lãnh thổ của Philipines và Việt Nam.
Mối đe dọa xuyên suốt lịch sử
Cũng có ý kiến cho rằng, xét về lịch sử thì bản chất chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam là chống Trung Quốc, ông nghĩ sao về điều này, thưa ông?
TS. Nguyễn Khắc Thái: Trong lịch sử Việt Nam từ khi hình thành nhà nước cho tới bây giờ gần như là những cuộc chiến tranh vệ quốc triền miên, mà đối tượng của cuộc chiến tranh vệ quốc đó là Trung Quốc.
Cuộc chiến tranh đó nằm trong mọi trạng thái, chúng ta thực hiện chiến tranh chống Pháp là chỉ một thời đoạn của thực dân kiểu cũ, khi thực dân kiểu cũ không còn phù hợp với quy luật lịch sử sẽ mất đi hoàn toàn. Kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng chỉ trong thời đoạn của chủ nghĩa thực dân kiểu mới, khi chủ nghĩa thực dân kiểu mới không còn phù hợp với thời đại thì nguy cơ cũng mất đi.
Nhưng chủ nghĩa sô –vanh nước lớn hay chủ nghĩa Hoa mãn (bành trướng người Hoa ra toàn thế giới) là mối đe dọa lâu dài, khác với mối đe doạn thực dân kiểu cũ và kiểu mới. Chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và mới chỉ là mối đe dọa của sự vận động lịch sử trong từng giai đoạn. Nhưng mối đe doạn chủ nghĩa Hoa mãn là mối đe dọa thường xuyên và xuyên suốt lịch sử.
Chính Khổng Tử - ông tổ nhà tư tưởng Trung Quốc cũng đã từng trả lời học trò của mình, khi học trò hỏi ông: “Nếu không may ở cạnh một nhà hàng xóm xấu bụng thì ta phải làm gì? Khổng Tử đáp: Nếu như vậy chỉ có cách chuyển nhà đi chỗ khác để ở”.
Do đó, đòi hỏi chúng ta phải kiên trì mới thực hiện được.
Thời gian qua Trung Quốc đã lộ rõ âm mưu của mình khi cố tình gây hấn với kiểm ngư của ta ở biển đông, theo ông với hoàn cảnh hiện nay chúng ta nên mềm dẻo hay cứng rắn?
TS. Nguyễn Khắc Thái: Tôi cho cho rằng cần tính tới hai yếu tố: Sự khác nhau giữa lực lượng thời phong kiến trong quá khứ và lực lượng hiện nay.
Trong quá khứ do điều kiện kinh tế xã hội và quốc phòng có khác, thường cha ông ta đánh rồi mới làm, tức là phải có một “nắm đấm” mạnh mới tiến hành các hành động tiếp theo. Nhưng điều kiện hiện nay nếu chúng ta vận dụng cứng nhắc như vậy là không phù hợp, do đó theo tôi phải duy trì mềm dẻo trước và thể hiện thái độ kiên quyết bằng 2 nội lực:
Thứ nhất, có sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới.
Thứ hai, phải có lực lượng vũ trang mạnh, lực lượng vũ trang mạnh chỉ thể hiện khi kẻ thù chủ động tấn công trước, chúng ta không nên để rơi vào bẫy của kẻ thù và tạo nên cuộc chiến tranh trong khi ta chưa có điều kiện chuẩn bị.
Trước hết phải mềm dẻo, trong mềm dẻo phải thể hiện kiên quyết trong tư tưởng bảo vệ chủ quyền dân tộc. Có thể bằng cách, trong lúc chưa thể đẩy ngay lập tức sự xâm lấn của Trung Quốc ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của ta thì phải chặn đứng sự phát triển âm mưu này.
Sau khi chặn đứng phải tiếp tục đấu tranh chính trị, ngoại giao để buộc Trung Quốc phải lùi, trong trường hợp chính quyền Trung Quốc không nhận ra điều này và có thể phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam mà khởi đầu từ biển đảo thì không có con đường nào khác chúng ta buộc phải chiến đấu. Đó là giải pháp cuối cùng, sau cùng, bắt buộc nhưng là giải pháp không thể không làm.
Điểm yếu của Trung Quốc?
Trung Quốc là một nước lớn, nước có tiềm lực kinh tế mạnh. Nhưng lớn không có nghĩa là mạnh về toàn diện, theo ông Trung Quốc có điểm yếu không?
TS. Nguyễn Khắc Thái: Trung Quốc có điểm yếu rất cơ bản đó là đất nước chỉ mạnh trong sự tập hợp của những cái yếu. Đất nước có lượng dân số đông, nhưng kinh tế nghèo và mọi tác động của nhà nước chỉ mạnh lúc ban đầu.
Chúng ta vẫn nghĩ kinh tế Trung Quốc đứng thứ hai thế giới, nhưng khác với các nước tư bản cũng đứng ở vị trí như vậy nhưng nước tư bản tính theo thu nhập đầu người (từ thành phần nhỏ hợp lên thành quốc gia mạnh), còn Trung Quốc mạnh nhờ một số lượng đông dân, nên tôi có thể nói Trung Quốc giàu nhưng không mạnh.
Thứ hai, người dân Trung Quốc cũng không thỏa mãn với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, nên nếu Trung Quốc rơi vào chiến tranh thì sẽ không nhận được sự đồng tình của chính nhân dân Trung Quốc.
Như vậy Trung Quốc sẽ bị cô lập nếu tiếp tục có những hành động như vừa qua tại biển đông?
TS. Nguyễn Khắc Thái: Trung Quốc làm như vậy là tự cô lập mình. Vấn đề này chính các học giả Trung Quốc đã từng nói trên báo chí Trung Quốc ít ngày khi cho rằng, thiệt hại lớn nhất là Bắc Kinh, Bắc Kinh sẽ mất hai thứ lớn đó là lòng tin của dư luận quốc tế và mất lòng tin của nhân dân với tầng lớp lãnh đạo.
Hai thứ quan trọng này làm cho tiềm lực của Trung Quốc tuy mạnh, có tính chất bột phát nhưng sẽ yếu đi nhanh chóng.
Là một người thầy, một người làm sử ông có lời nhắn gì tới tầng lớp trẻ, học sinh, sinh viên Việt Nam để bảo vệ Tổ quốc?
TS. Nguyễn Khắc Thái: Trước khi nói điều này tôi có một băn khoăn, tôi được biết năm 1979 sau khi Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Từ đó đến nay, họ đưa vấn đề này vào sách phổ thông để tuyên truyền cho tầng lớp trẻ Trung Quốc, rằng Việt Nam xâm lược Trung Quốc, đó là thủ đoạn thâm độc.
Với Việt Nam chúng ta chưa làm được việc đó mặc dù chúng ta là chính nghĩa, nên với tư cách là người giảng dạy sử học, tôi cho rằng có hai việc cần làm gấp:
Thứ nhất, chúng ta tạo cho tất cả học sinh trong hệ thống đào tạo có được những bài học lịch sử sinh động về truyền thống chống ngoại xâm, đặc biệt nhấn mạnh khả năng của người Việt Nam trong việc chống ngoại xâm.
Thứ hai, chúng ta đã có thời gian 30 năm hòa bình xây dựng và phát triển, nên giờ bước vào đối đầu với kẻ xâm lược phải nắm bắt nhuệ khí của tầng lớp thanh niên trẻ, cần phải giữ ngọn lửa này, trách nhiệm giữ ngọn lửa này chính là hệ thống giáo dục trong trường học và truyền thông.
Trân trọng cảm ơn ông.