Chúng tôi đã đi qua những năm tháng gian nan như thế

18/11/2019 08:55
Phan Tuyết
(GDVN) - Sự hy sinh của thầy cô không còn như trước, những hành xử thiếu văn minh của một vài giáo viên, của phụ huynh đã làm cho bức tranh gia đình nhà trường xấu dần

Gần 30 năm trong nghề dạy học, nhìn lại cả chặng đường đã qua nhiều lúc chợt giật mình: “Chúng tôi đã đi qua những năm tháng gian nan như thế”.

Tình cảm trong trẻo của các em luôn là động lực để giáo viên nỗ lực (Ảnh tác giả)
Tình cảm trong trẻo của các em luôn là động lực để giáo viên nỗ lực (Ảnh tác giả)

Dù vậy, lòng yêu nghề, tình thương yêu với học sinh đã giúp tôi và nhiều đồng nghiệp của mình ngày một vững vàng hơn trong nghề và nhận được nhiều tình cảm yêu mến, trân trọng từ học sinh và phụ huynh.

Hình tác giả
                                                                    Hình tác giả

Canh từng gàu nước để tắm, giặt

Với đồng lương ít ỏi 120 ngàn đồng/tháng, còn phải trừ biết bao nhiêu khoản. Vì thế, mới lấy lương hôm trước chỉ mươi ngày sau đã hết sạch.

Món ăn quen thuộc của chúng tôi ngày ấy là cá trích và rau. Cá trích là loại cá rẻ nhất nên hết nấu canh, kho lại đến rán, ăn quanh năm mà chẳng ai thấy ngán (vì có ngán cũng chẳng có nhiều cơ hội để mua những thức ăn khác).

Cùng cảnh nghèo như nhau nên chẳng ai có thể mượn ai được. Thế là lại về nhà xin gạo, xin tiền của gia đình để đắp đổi chờ đến lượt tháng lương sau.

Dù thế vẫn không thể khổ bằng cảnh khan hiếm nước. Cả tập thể giáo viên gần hai chục người nhưng chỉ có một cái giếng bé tí luôn cạn nước.

Từng người thay nhau canh nước, mỗi lần múc chỉ độ nửa gàu và múc được dăm gàu là cạn. Cứ thế, người này thay người kia đến khuya mới tắm giặt xong. Nhiều khi nước ít quá phải đi sang nhà dân gần đó xin tắm giặt nhờ.

Những lớp học xập xệ...

Chúng tôi đã đi qua những năm tháng gian nan như thế ảnh 3
Tháng 11 nghĩ về hạnh phúc của người thầy, niềm vui của học trò

Trường chúng tôi là một ngôi trường nằm ven biển, cách xa trung tâm chỉ gần 20km nhưng thật sự là vùng khó khăn.

Trường thời đó có khá nhiều phân hiệu phụ, mỗi phân hiệu chỉ có 2 phòng học.

Những phòng học thiếu cửa nên hằng đêm đám trẻ con quanh vùng thường rủ nhau vào phóng uế.

Có cả những học sinh lười học tham gia vì làm thế chúng sẽ được nghỉ hẳn tiết học đầu tiên.

Thế là mỗi sớm mai lên lớp, chúng tôi không thể dạy bình thường mà phải dọn dẹp, tẩy uế xong mới bắt đầu buổi học. Học sinh nhỏ, vì thế thầy cô phải xắn quần áo dài xách nước từng xô nước kỳ cọ, chà rửa một mình.

Luôn giảng dạy và chăm sóc học sinh hết lòng

Dạy cơ sở phụ không có trống báo giờ vào học hay ra chơi, không có cả sự quản lý của Ban giám hiệu.

Thế nhưng chúng tôi luôn đúng giờ (đúng đến từng phút). Nhiều hôm say mê bài giảng quá cả giờ ra chơi của các em.

Thời ấy, những thầy cô giáo trẻ như chúng tôi dạy thêm cho học trò chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện thu tiền.

Học sinh cần ôn thi, thầy cô sẽ nhiệt tình dạy dỗ. Học sinh yếu cần phụ đạo, thầy cô sẵn sàng kèm cặp, chỉ dạy tận tình.

Chúng tôi không bị áp lực thành tích như hiện nay, không bị các chỉ tiêu ràng buộc. Thế nên, em nào quá tệ sau quá trình phụ đạo vẫn không tiến bộ, thầy cô sẵn sàng cho ở lại lớp.

Phụ huynh cũng không đòi hỏi con phải được khen, phải đạt xuất sắc. Vì thế, một lớp chỉ vài ba em được khen thưởng là nhiều.

Những ngày nghỉ, giáo viên chúng tôi thường tổ chức nhau vãng gia từng gia đình học sinh trong lớp.

Mục đích của những lần thăm hỏi này là nắm bắt điều kiện, hoàn cảnh từng học sinh để giúp công tác chủ nhiệm của chúng tôi được sâu sát.

Nhờ thế, giáo viên chúng tôi nắm chắc gia đình từng em học sinh và hiểu rất rõ các em đang cần gì?

Phụ huynh luôn yêu quý thầy cô

Chúng tôi đã đi qua những năm tháng gian nan như thế ảnh 4
Nghề dạy học đã cho tôi những gì?

Lời nói của thầy cô với học trò lúc ấy dù rất nhẹ nhàng nhưng các em vẫn thường phục tùng tuyệt đối.

Phụ huynh từ trẻ đến già gặp giáo viên luôn cung kính.

Một điều gọi thầy cô, hai điều cũng thầy cô. Không ít lần, chúng tôi nhận được quà phụ huynh biếu tặng.

Chẳng có gì cao sang nhưng chúng tôi nhớ mãi. Đó là, vài trái dừa biếu thầy cô uống cho mát.

Vài ký khoai vừa nhổ ngoài đồng, chục trứng gà ta mới đẻ, dăm con cá đánh ở biển về, lít nước mắm gia đình vừa rút nỏ.

Hay vài quả me chua cho thầy cô nấu canh, làm mứt, trái đu đủ, bó rau trong vườn… Những món quà quê chở theo bao ân tình vì người cho thật lòng nên người nhận cảm thấy ấm lòng.

Ngày lễ, Tết từng đám học trò mới, học trò cũ lũ lượt tới thăm thầy cô. Quà tặng chỉ là tấm thiệp với đôi dòng chữ chúc mừng, hay bó hoa dại các em ngắt vội bên đường.

Thế mà thầy trò vui hết sức, sau màn hát hò, nhảy nhót đến ăn bánh, ăn chè đôi khi ăn cả cơm tối xong mới chịu ra về.

Tình thầy cô ấm áp, tình học trò vô tư, tình phụ huynh ấm nồng đã làm cho chúng tôi không còn thấy những khó khăn, vất vả bên mình.

Cho đến bây giờ nghĩ lại, ai cũng nhớ, cũng tiếc những quãng thời giang đi dạy thật đẹp ấy.

Ngày nay, đời sống của thầy cô cũng khấm khá lên nhiều. Thế nhưng tình thầy trò, tình phụ huynh chẳng còn được như trước.

Học trò thời nay không ngoan bằng hồi trước, phụ huynh cũng nhạt dần tình cảm với giáo viên. Sự thay đổi này bắt nguồn từ đâu?

Có lẽ từ cả 2 phía, khi kinh tế thị trường lên ngôi, áp lực về kinh tế gia đình, về thành tích cá nhân và tập thể đã làm cho tình thầy trò thay đổi khá nhiều.  

Sự hy sinh của thầy cô cho học trò cũng không còn như trước, những hành xử thiếu văn minh của một vài giáo viên, của phụ huynh đã làm cho bức tranh gia đình, trường học xấu dần đi trong mắt mọi người.

Bởi thế, không ít lần chúng tôi nuối tiếc và ước ao: “Bao giờ cho đến ngày xưa” mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ có được nếu tất cả chúng ta không chịu cố gắng, nỗ lực.

Phan Tuyết