“45 bức thư này tôi viết gần 2 tháng mới xong đấy anh ạ, cũng là 45 lời nhắn nhủ của tôi với các em vì đây là năm cuối cấp.
Những bức thư này có nội dung hoàn toàn khác nhau vì mỗi em học sinh đều có học lực và tính cách khác nhau nên lời nhắn sẽ phải khác. Tôi viết vào buổi tối sau khi đã soạn xong giáo án”, cô Lương cho biết.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề giáo, cũng chính vì vậy mà cô giáo Lương luôn được dạy và được sống trong môi trường gia đình khá là mô phạm.
Tốt nghiệp khoa ngữ Văn Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội năm 2006, cô giáo Nguyễn Hiền Lương đã nối tiếp truyền thống của gia đình với sự nghiệp trồng người.
Từ câu nói của thầy hiệu trưởng thì thực sự sau đó tôi đã trưởng thành, tôi đã thay đổi về phương pháp Giáo dục cũng như trong cách tiếp cận học sinh. Ảnh: Cô Lương cung cấp. |
Trò chuyện với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Hiền Lương - giáo viên môn ngữ Văn của Trường Trung học cơ sở Thăng Long - Ba Đình - Hà Nội chia sẻ: “ Khi vừa ra trường, tôi được phân công dạy lớp 7 ở Trường Trung học cơ sở Huy Văn - Hà Nội, và đây là một lớp phá cách vô cùng.
Tiếp nhận và dạy lớp đó tôi mất rất nhiều công sức, nói nhẹ hay nặng các em đều không nghe lời.
Lúc bấy giờ tôi rất là quân phiệt, không phải là tôi đánh hay kỉ luật nặng nề mà thay vào đó là tôi mắng, vì tôi mắng rất nhiều nên học sinh lớp đó rất ghét tôi.
Có một hôm, hai học sinh nghịch nhất của lớp sau khi kết thúc giờ học, khi bước ra khỏi lớp đã quay lại chửi tôi.
Lúc đó tôi đã đứng im trên bục giảng và khóc rất nhiều, tôi suy nghĩ không biết mình đã làm gì, và sai ở đâu mà để các em có hành động như vậy?
Sau sự việc đó, thầy hiệu trưởng có gọi tôi lên trao đổi: Cháu làm thế nào để học sinh nể cháu, chứ không phải sợ cháu.
Nếu cháu làm cho học sinh sợ cháu thì sẽ không ăn thua gì đâu!
Từ câu nói đó của thầy hiệu trưởng thì thực sự sau đó tôi đã trưởng thành, tôi đã thay đổi về phương pháp Giáo dục cũng như trong cách tiếp cận học sinh.
Tôi cố gắng gần gũi với học trò hơn, chia sẻ với các em và dành thời gian để tìm hiểu những hoàn cảnh của các em”.
Tự nhìn nhận và thay đổi
Có rất nhiều giáo viên quan niệm rằng: Đã là giáo viên thì phải nghiêm, mặc dù rất yêu thương học sinh nhưng một số thầy cô giáo lúc nào cũng tạo ra một khoảng cách với các em.
Theo lối giáo dục xưa là thầy ra thầy và trò ra trò, chính vì vậy có một số giáo viên rất hay la mắng học sinh, và cô Lương cũng không nằm ngoài số đó.
“Nhưng không thể nào tôi có thể thay đổi ngay được, tôi đã cố gắng để cải thiện mối quan hệ giữa thầy với trò, xong tôi thực sự nghĩ rằng mình vẫn chưa thành công.
Hay nói cách khác là chưa thành công với một nhóm đối tượng được gọi là học sinh cá biệt.
Tôi thấy mình cần phải nhìn theo quan điểm ở vị trí học sinh, chứ không đứng trên vai trò của người giáo viên.
Tôi bắt đầu tìm hiểu đến những vấn đề mà học sinh quan tâm, có thể về thời trang, về âm nhạc, về phim và thậm chí cả những việc xấu nhưng lại đang thu hút sự quan tâm của các em.
Khi mình hiểu những việc đó thì mình mới chia sẻ được với các em, lúc bấy giờ thì mối quan hệ giữa tôi và học sinh đã trở nên gần gũi hơn, các em có thể chia sẻ với mình cả những điều thầm kín và những mối quan tâm khác giới ở tuổi dậy thì.
Có những em gặp trực tiếp tôi nhưng cũng có em thì viết thư chia sẻ, thậm chí đã có em từng tuyệt vọng vì chuyện gia đình và muốn tìm tới cái chết, em đó cũng tìm đến tôi nhờ tư vấn.
Để các em tin tưởng và chia sẻ được cả những điều thầm kín nhất thì chứng tỏ rằng mối quan hệ giữa cô và trò đã trở nên thân thiết và gần gũi hơn”, cô Lương tâm sự.
45 bức thư của cô giáo Nguyễn Hiền Lương viết gửi học sinh là 45 lời dặn dò chia sẻ. Ảnh: Cô Lương cung cấp. |
Lọ đựng những bức thư mà học trò gửi gắm tâm sự cho cô giáo Lương sau mỗi học kì. Anh: Cô Lương cung cấp. |
“Điểm yếu nhất của tôi là vẫn chưa kìm nén được những giây phút cáu giận khi ở trên lớp có nhiều bạn học sinh chưa chú ý, không tập trung, cộng với áp lực về điểm số, thành tích…
Vậy nên ở ngoài lớp cô và trò gần gũi thân thiết với nhau bao nhiêu thì trong giờ học mọi chuyện lại ngược lại.
Với những lần học sinh bị ghi tên vào sổ đầu bài, với những lời phàn nàn của giáo viên bộ môn…là lại làm cho tôi điên lên.
Khi tham gia chương trình “thầy cô đã thay đổi vì một trường học hạnh phúc” thì các đồng nghiệp đã chỉ ra cho tôi một điểm yếu nữa: Tôi rất khó kiểm soát, kìm chế cảm xúc của mình khi ở trên lớp, và trước các áp lực.
Đây cũng không phải là điểm yếu của riêng tôi mà nó còn là điểm chung của rất nhiều thầy cô khác nữa.
Khi mà đôi vai của chúng tôi bị dồn quá nhiều áp lực, trước một mớ bòng bong như vậy và lứa tuổi của các em thì rất là nghịch, chúng tôi không biết làm thế nào?
Giữa áp lực của điểm số, của thành tích, của chương trình, của nhà trường, của phụ huynh và sự không hợp tác của học trò. Và thế là tôi lại cáu giận.
Nhưng giờ đây tôi đã kìm chế, không quát nữa mà sẽ gặp riêng em đó để tìm hiểu, qua đó nhắc nhở để em không vi phạm những việc tương tự như vậy nữa.
Tôi cũng đã tìm tòi nhiều cách để làm sao cô và trò hiểu nhau hơn, và viết thư là cách được các em học sinh rất hưởng ứng.
Trước kia tôi chưa ý thức được rằng những lời nói, lời mắng của mình đối với học sinh thì đó chính là bạo lực tinh thần, cũng có học sinh đã chia sẻ với tôi bằng cách viết thư.
Trong số thư mà các em gửi cho tôi thì có một bức với nội dung là “Con ghét cô”. Cô rất tốt nhưng con ghét cô vì có những lúc cô mắng các bạn, có những lúc cô chưa ghi nhận tiến bộ mặc dù rất nhỏ của bạn A, bạn B…theo con thì cô phải nên khen.
Tôi tự kiểm điểm lại cá nhân mình và thấy đúng là có những lúc mình nói những câu nói hơi đùa cợt, nhưng các em lại hiểu theo cách cô chế giễu, coi thường các bạn.
Cô chưa động viên các bạn kịp thời, cô chưa tạo nhiều cơ hội để một số bạn tiến bộ. Nhưng những chuyện như vậy cũng ít thôi cô ạ nhưng con muốn cô thay đổi để cô đẹp hơn trong mắt của con và các bạn”, cô Lương nói.
Cứ hết một học kì là các em trong lớp lại viết thư với rất nhiều tâm tư, chia sẻ và cho vào trong một cái lọ để gửi cho cô.
“Tôi và học trò thường xuyên trao đổi qua thư như vậy và tôi nghĩ đây là một việc mà các giáo viên có thể tham khảo, rõ ràng có một số điều rất khó có thể nói trực tiếp.
Tôi tôn trọng cá tính riêng của từng học sinh, tạo cơ hội cho các em thể hiện bản thân mình qua các tiết hoạt động ngoại khóa và các tiết sinh hoạt, nên những tiết sinh hoạt không còn là buổi "sát phạt" nhau và có không khí rất vui. Bản thân tôi luôn luôn tham gia cùng học sinh trong mọi hoạt động để có thể hiểu tâm tư tình cảm các em nhiều hơn.
Qua thời gian và bằng nhiều cách thì giờ đây tiết học của tôi vui vẻ hơn, không còn nhàm chán, để giảm bớt căng thẳng mệt mỏi thì tôi cố gắng nói những câu chuyện vui, tạo không khí thoải mái cho các em”, cô Lương chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Hiền Lương và học sinh trong giờ tập văn nghệ tại Trường Trung học cơ sở Thăng Long - Ba Đình - Hà Nội. Ảnh: Cô Lương cung cấp. |
Đối với các học trò, tôi rất mong muốn các em cởi mở, trân thành hơn với giáo viên, tôn trọng thầy cô và thấu hiểu cho những cái áp lực mà giáo viên phải trải qua. Ảnh: Cô Lương cung cấp. |
Mong muốn từ bản thân
“Với kinh nghiệm 13 năm công tác còn khá là ít với so với cả một hành trình của nghề, tôi mong muốn nhận được nhiều sự đóng góp của các thầy cô giáo.
Tôi cảm thấy rất buồn trước những sự việc tiêu cực, bạo lực học đường đã xảy ra trong thời gian qua, nhưng tôi cũng rất là thông cảm và sẻ chia. Bản thân tôi cũng chưa có một lời nhận xét nào về những sự việc trên.
Bởi tôi rất thông cảm với những áp lực mà các thầy cô giáo cũng như bản thân tôi phải gánh chịu, tuy nhiên không thể nói rằng đó là những việc làm không đáng trách.
Chúng tôi rất đáng thương vì chưa được học nhiều về cách kiểm soát và chuyển hóa cảm xúc của mình, thực tâm là giáo viên rất thương yêu học trò nhưng chúng tôi chưa biết cách thể hiện cảm xúc một cách đúng lúc và đúng chỗ.
Chính vì vậy phần con nhiều lúc đã lấn át phần người. Tôi tin rằng những việc đó giáo viên làm một cách vô thức, giận quá mất khôn và họ sẽ giật mình sau khi sự việc đã đi qua.
Chúng tôi rất muốn có những buổi tập huấn thường xuyên, học về tâm lí học giáo dục để giáo viên học được cách kiểm soát cảm xúc, cách giao tiếp với phụ huynh và học sinh…để giải tỏa bớt những áp lực về mặt tâm lí.
Các thầy cô hãy gần gũi với học trò, hãy mở lòng mình ra và đừng làm cho các em sợ mình.
Nhiều khi trong tiết học tôi có dừng lại và hỏi: Các con có mệt không? Có buồn ngủ không?
Tôi vẫn thường xuyên tạo ra các hoạt động ngắn trong vài phút giữa tiết học để các em thấy thoải mái, bớt áp lực và có thể giúp các em tiếp thu bài giảng tốt hơn.
Giáo viên luôn giải quyết và hướng nhìn các vấn đề theo con mắt của học trò, để từ đó hiểu các em hơn.
Nếu cứ đứng trên bục cao mà phán xét thì học trò thì mãi mãi không tìm được sự đồng cảm, và cứ như vậy tình cảm thầy trò sẽ xa dần.
Đối với các học trò, tôi rất mong muốn các em cởi mở, trân thành hơn với giáo viên, tôn trọng thầy cô và thấu hiểu cho những cái áp lực mà giáo viên phải trải qua”, cô Lương chia sẻ.