Về hưu từ năm 2010, nhưng cho đến nay, cô Trương Thị Trị vẫn được giữ lại làm hợp đồng, với vai trò là Tổng giám thị của Trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Quá trình từ làm giáo viên Vật lý cho đến khi làm giám thị, cô Trị đã để lại rất nhiều dấu ấn khó phai trong lòng học sinh của nhà trường.
“Em lạy cô, cô ơi!”
Tốt nghiệp cử nhân từ năm 1978, về dạy Vật lý ở Trường Bùi Thị Xuân từ tháng 2/1979, con đường đến với vai trò Tổng giám thị của nhà trường cũng thật tình cờ.
Sau khi nghỉ hậu sản sinh con gái đầu lòng vào năm 1992, do Trường Bùi Thị Xuân khi ấy có hệ B, nên thầy Hiệu trưởng lúc đó đã đồng ý để cô Trị kiêm nhiệm vai trò Tổng giám thị.
Cô Trương Thị Trị quan niệm rằng: Đã không nhận thì thôi, còn đã nhận thì phải làm cho tốt. Và cứ như thế, cho đến nay, nghề giám thị đã giúp cho cô Trị trở nên hiểu học sinh nhiều hơn.
Cô Trị Tổng giám thị và những học sinh thân thương của Trường Bùi Thị Xuân, quận 1 (Ảnh: P.L) |
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vào ngày 14/11, cô Trương Thị Trị kể về một câu chuyện trong hàng chục năm làm giám thị mà mình không thể nào quên.
Số là có một nam sinh bị giáo viên trong trường bắt về tội hút thuốc lá, nhưng chưa bắt quả tang. Thấy quá căng thẳng giữa học sinh, giáo viên, nhà trường khi ấy phải “phái” cô Trị xuống để “điều đình”.
Ngay lập tức, cô đã tách giáo viên và học sinh ra, và nói với em này rằng là “Cô tin em không có hút thuốc”.
“Tuy nhiên, khi đó, cô cũng có nói thêm rằng, nếu cô bắt được em hút thuốc bất kể trong hay ngoài nhà trường thì em muốn cô sẽ xử lý em như thế nào?” – cô Trương Thị Trị nhớ lại.
Nam sinh này nói: “Em sẽ rút hồ sơ khỏi trường”. Và em học sinh này đã làm cam kết bằng giấy gửi cho cô Tổng giám thị.
Khoảng một tuần sau đó, vô tình khi dừng xe đèn đỏ trên đường, chính cô Trị lại nhìn thấy em nam sinh này đang phì phèo điếu thuốc ở ngay bên cạnh xe cô. Thấy cô Trị, em đã lập tức vứt ngay điếu thuốc kia.
Không nói không rằng, cô Trị vẫn bình thản đi đến trường. Em nam sinh kia đã theo tận cô vào phòng giám thị của nhà trường, rối rít nói: “Em xin lỗi cô, cô ơi”.
Giả vờ như chưa biết chuyện gì, cô Trị đã hỏi lại em học sinh này: “Em xin lỗi cô vì điều gì vậy?”
“Vì em hút thuốc. Em biết tội của em rồi”- Em học sinh này đáp lại.
“Ủa như vậy là em hút thuốc thật hả?” – cô Trương Thị Trị nói tiếp.
“Dạ, cô thấy rồi mà”. Và khi đó, cô Tổng giám thị đã nói với nam sinh là không thấy gì hết, nhưng quan trọng là em học sinh đã dám nhận lỗi của mình, nên cứ theo giấy cam kết mà làm.
Lúc này, cậu học trò bỗng nhiên quỳ xuống trước mặt cô Trị, chắp tay và nói: “Em lạy cô, cô ơi!”.
Cuối cùng, cả hai cô trò đã thân mật ngồi trò chuyện với nhau. Cô Trị đã cặn kẽ giải thích cho em học sinh này hiểu các tác hại của việc hút thuốc lá, hại cho chính sức khỏe của người hút, chứ không phải cho thầy cô.
Và cũng chính lời khuyên, giải thích này, sau đó, cậu học sinh trên đã bỏ việc hút thuốc lá thành công.
Hiểu, thương học sinh thì mới giúp các em tiến bộ
Nói về vai trò của người thầy làm giám thị, cô Trương Thị Trị cho rằng, người làm công tác này phải là người trong ngành, có nghiệp vụ sư phạm thì mới có thể hiểu chuyện, phối hợp, hỗ trợ và điều phối mối quan hệ giữa phụ huynh - học sinh và nhà trường, thầy cô giáo ngày dễ dàng hơn.
“Phải thật sự hiểu, thương yêu học sinh thì mới có thể đưa ra những cách thức giúp cho nhà trường, phụ huynh, giúp cho các em học sinh ngày càng tiến bộ” – cô Trị nhấn mạnh.
Với cô giáo có hàng chục năm kinh nghiệm làm giám thị, thì bất cứ học sinh nào cũng có thể mắc khuyết điểm.
Các em nào nghịch ngợm thì càng phải thấy ở các em có óc tìm tòi, khám phá, nên khi giải quyết các vụ việc liên quan đến học sinh, không khi nào cô Trị vội vã, mà tìm hiểu ngọn ngành sự việc, giải thích cặn kẽ cho các em hiểu, để các em tự thấy ra lỗi của mình mà sửa sai.
CôTrị đã có kinh nghiệm gần 30 năm làm giám thị ở Trường Bùi Thị Xuân (ảnh: P.L) |
Từ những lần như vậy, mối quan hệ giữa thầy và trò ngày càng hiểu và thương nhau nhiều hơn.
Không những vậy, nhiều học sinh quá cá tính, ở nhà không nghe lời phụ huynh chỉ bảo, đến trường cầu cứu cô Trị, đều được cô khuyên bảo các em thành công.
Cô vui trước sự tiến bộ của học sinh chưa ngoan, hay mừng khi hay tin học trò của mình thành đạt.
“Làm giám thị là cả một nghệ thuật, phải có cái tâm thật sự thương yêu học sinh, hướng các em đến những điều tốt đẹp, chứ không phải dùng quyền lực để áp đặt” – cô Trương Thị Trị kết luận.