(GDVN) - Việc đuổi học hay học lại lớp, không phải là xử lí dựa trên những vi phạm của học trò, mà là dựa vào thái độ, mối quan hệ giữa phụ huynh và học sinh. Tôi, một người học trò may mắn, cảm thấy thương bạn Hùng của tôi, thương bé Thiên phải rơi vào cảnh khó xử giữa phụ huynh và cô giáo.
{iarelatednews articleid='1279,1789,1724'}
Mấy ngày qua, thông tin Cô giáo đánh học sinh, phụ huynh tát cô giáo đang gây xôn xao và khá nhiều bất bình trong dự luận. Người cho rằng, cô giáo như vậy là không có tình yêu trẻ, người cho rằng, phụ huynh hàng xử như vậy là thiếu văn hóa, và cũng có người phản ứng gay gắt với cách xử xự của thầy Văn Như Cương: "Nếu phụ huynh tát giáo viên, tôi đuổi học HS luôn!". Còn tôi, tôi xin không bình luận gì, mà chỉ muốn kể cho các bạn nghe câu chuyện thời đi học của tôi.
LTS: Dưới đây, Giáo dục Việt Nam xin trích đăng lá thư của bạn đọc Nhãn An (Thái Bình) gửi đến báo cùng với lời tâm sự chân tình.
Cô giáo sai học sinh đi bẻ que về đánh bạn
Khi tôi học lớp 1, tôi rất sợ cô giáo. Mỗi khi viết sai chính tả, cô giáo không ngần ngại cầm chiếc thước làm bằng ống tre tròn tròn, nhẵn bóng đã được cô sử dụng dạy nhiều lớp học trò vỡ lòng. Chiếc thước dài chừng 50cm luôn được cô cất trong cặp sách mỗi khi lên lớp. Nhìn cô cầm chiếc thước, tay rung rung ai cũng sợ.
Trong lớp, ai viết ai chính tả, cô giáo sẽ dùng chiếc thước đặc chủng của mình, bắt học sinh úp mu bàn tay xuống bàn và tùy vào mức độ nặng nhẹ để “hành sự”.
Ngày đó, lớp tôi có rất nhiều người bỏ học giữa chừng về học lại mẫu giáo. Một phần vì các bạn không theo kịp, một phần vì cô giáo rất ghê gớm. Tôi cũng bị cô giáo đánh rất nhiều vì hay viết chữ “O” méo mó. Bàn tay gầy guộc của tôi bị cô dùng chiếc thước đánh đau vào tận xương. Tôi cũng như các bạn trong lớp không ai dám nói với bố mẹ vì sợ cô.
Giờ ra chơi, cô giáo khuyến khích các bạn trong lớp ra hàng rào của trường bẻ những cây măng mang về đưa cô. Nếu bạn nào nói chuyện, ngủ gật, khóc nhè. Cô sẽ đưa những cây măng tre nhỏ nhỏ đó cho một bạn trong lớp ra “dạy” bạn.
Một lần, cô giáo bắt học sinh trong lớp viết tên mình. Cậu bạn tên Hùng không viết tên mình mà lại viết thành chữ “CAU”. Khi những tấm bảng đen dựng lên mặt bàn, cô tức mắt cầm thước phết vào mu bàn tay Hùng 3 nhát. Quá đau nên cậu bé khóc.
Sự việc đến tai phụ huynh, bố mẹ của Hùng đã đến gặp cô giáo. Cô giáo đứng ngoài cửa lớp nói chuyện với bố mẹ Hùng. Chúng tôi có thấy họ xô đẩy nhau một hồi lâu. Tôi không hiểu sự việc thế nào nhưng từ hôm đó Hùng không bao giờ đến lớp tôi. Khi tôi lên lớp 2, tôi thấy Hùng học lại lớp 1. Nhưng may thay, Hùng không phải học lại lớp cô giáo ấy nữa.
Bố tôi đã tát cô giáo
Khi tôi học cấp III, lần thi thử tốt nghiệp, tôi đã vi phạm qui chế thi bằng cách đưa bài cho bạn chép. Cô giám thị phát hiện ra nên tịch thu bài thi và chấm điểm 0 ngay trên bài thi chưa rọc phách.
Vì sợ không được thi tốt nghiệp nên tôi khóc và xin cô nhưng không ăn thua. Cô lớn tiếng “muốn nói chuyện, gọi phụ huynh lên đây”. Hoảng sợ sẽ không được thi tốt nghiệp nên tôi thú thức với bố mẹ. Tôi mong bố mẹ đến nói chuyện mềm mỏng với cô giám thị đó để cô bỏ biên bản vi phạm của tôi.
Mẹ tôi thương con và sợ 12 năm ăn học có thể mất nên bố mẹ đã cùng nhau đến trường gặp cô. Trong phòng chờ giáo viên, sau khi tranh luận vì lỗi của tôi, bố tôi đã nóng giận vì cô giáo “không thương học trò. Cô giáo khăng khăng cho rằng, bố mẹ không biết dạy con và bố mẹ tôi chỉ là nông dân nên nói chuyện không hợp. Sự khinh miệt của cô giáo đó đã khiến mẹ bật khóc, bố tôi giơ tay tát cô giáo trước một vài thầy cô giáo khác.
|
Ảnh minh họa |
Có người nói tôi sẽ bị đuổi học vì bố lỡ đánh cô giáo. Có người nói tôi sẽ bị hạnh kiểm yếu vì gia đình “vô văn hóa”.
Sau hai ngày hội đồng kỷ luật họp, tôi “trắng án”, bố mẹ tôi vẫn được cô giáo xin lỗi vì hành vi “khinh miệt” văn hóa của phụ huynh. Tôi không bị đuổi học mà trái lại vẫn dự thi tốt nghiệp bình thường. Với học lực vốn có và hạnh kiểm luôn tốt. Tôi tốt nghiệp cấp III với bằng giỏi.
Qua câu chuyện cô giáo đánh học sinh, phụ huynh tát giáo viên ở trường Tân Lập II ở Nha Trang, cùng với lời quả quyết của thầy Văn Như Cương, và qua câu chuyện của cậu bạn Hùng, tôi bỗng cảm thấy mình là đứa học trò may mắn. Vì nếu rơi vào trường hợp như của tôi vài năm trước, tôi cũng bị đuổi học, hoặc phải học lại lớp 12.
Rõ ràng, việc đuổi học hay học lại lớp, không phải là xử lí dựa trên những vi phạm của học trò, mà là dựa vào thái độ, mối quan hệ giữa phụ huynh và học sinh. Tôi, một người học trò may mắn, cảm thấy thương bạn Hùng của tôi, thương bé Thiên phải rơi vào cảnh khó xử giữa phụ huynh và cô giáo.
Xin người lớn, những phụ huynh và học sinh, hãy nghĩ đến con nhỏ trước những hành động dù rất nhỏ của mình!
Nhã An
{jcomments on}