Học sinh yêu hết mình, hậu quả thì cha mẹ và con cùng nhận đủ

07/06/2015 12:06
PHAN TUYẾT
(GDVN) - Sống phóng túng, yêu buông thả nhiều em đã phải gánh hậu quả nhưng nguyên nhân cũng do gia đình, nhà trường chưa trang bị cho các em những kỹ năng sống cơ bản.

LTS: Những gì được nêu ra ở bài viết này, tuy chưa phải là toàn diện, nhưng chắc hẳn các bậc phụ huynh phải là những người quan tâm nhiều nhất.

Cô giáo Phan Tuyết, từ thực tế nhà trường, lại cũng là một người mẹ có con ở tuổi dậy thì đã viết ra các tâm sự này.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Đã thật sự xa rồi cái thời mà yêu nhau “con mắt liếc ngang” gặp nhau đỏ mặt thẹn thùng quay đi, mặc dù “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Tình yêu học trò thời @ thật mãnh liệt và đáng báo động. Các em ngang nhiên thể hiện tình cảm giữa chốn đông người mà không hề mắc cỡ.

Với quan niệm: “yêu là phải luôn hết mình dâng hiến tất cả cho người mình yêu” chính là nguyên nhân gây nên bao bi kịch cuộc đời, đặt dấu chấm hết cho những tương lai lẽ ra vô cùng rộng mở.

Con gái tôi học lớp 8 ở một ngôi trường trọng điểm của thị xã, một hôm đi học về nó nói: “Hôm nay trường con, bác lao công bắt được một cặp đang ôm nhau trong phòng vệ sinh, thấy người lạ vào, hai bạn vẫn bình thản như không. Bác lao công thấy mắc cỡ nên chạy vào báo thầy cô giám thị.

Ở lớp có nhiều bạn có người yêu học lớp 9, rất hay đi chơi tối, mà nói dối cha mẹ  là đi học thêm. Có bạn còn vào nhà nghỉ nữa đó”. Nghe con kể, tôi thấy giật mình, tụi trẻ bây giò yêu đương phóng túng nên nhiều hậu quả đau lòng đã xảy ra.

Chuyện cô bé T. đang học lớp 7 có bầu phải nghỉ học giữa chừng, sinh con xong để cho ba mẹ nuôi và lại đến trường đi học trở lại. Cô bé H. học sinh lớp 8 phải cưới vội vì mang bầu 5 tháng…đến chuyện nữ sinh lớp 10 mang bầu nịt bụng vẫn đi học bình thường, đến khi em đẻ rơi trong phòng tắm thì gia đình mới biết.

Mến nhau, yêu nhau tuổi học trò cũng là lẽ thường tình. Nhưng cũng nên dừng ở khoảng cách nhất định. (Ảnh: Internet)
Mến nhau, yêu nhau tuổi học trò cũng là lẽ thường tình. Nhưng cũng nên dừng ở khoảng cách nhất định. (Ảnh: Internet)

Có gia đình bất hạnh hơn khi cô chị học lớp 12 phải nghỉ học để cưới vội, ba tháng sau cô em học lớp 11 cũng phải nghỉ học vì mang bầu 4 tháng nhưng lại không có ai nhận là cha đứa bé. Và gần đây nhất là vụ đánh ghen ầm ĩ gây nên cái chết của một học sinh lớp 10 chỉ vì một cô bạn gái đang là học sinh trung học cơ sở...

Nếu có thời gian mọi người cứ dạo thử một vòng công viên thị xã, từ buổi trưa, đến buổi tối sẽ mục sở thị về kiểu ôn bài “đầu gối tay ấp” của các cô cậu học trò cấp 2, 3. Không biết với kiểu học hiện đại này sẽ có mấy chữ vào đầu chứ “loăng quăng vào bụng” thì chắc là đầy.

Nhiều em học sinh cấp 3 nhà ở xa nên thuê phòng trọ để tiện việc học hành. Dù mới học lớp 10 nhưng nhiều em đã thuê chung phòng với bạn trai, ăn ở với nhau như vợ chồng. Có em dính bầu về ép cha mẹ cưới. Dù đường học dở dang cũng còn may mắn vì có người nhận.

Có em, đối phương cao chạy xa bay nên đành thui thủi ôm con một mình trong nỗi ân hận, dày vò khi “vắt mũi chưa sạch” chưa lo nỗi bản thân mình đã phải đèo bòng thêm con nhỏ…Cha mẹ mãi lo làm ăn lại luôn tin tưởng vào con mình nên bỏ mặc các em mà không có sự kiểm tra, tìm hiểu thường xuyên.

Có gia đình, con học ba năm ở thị xã, cha mẹ chưa một lần đặt chân đến nhà trọ xem con ăn ở, học tập thế nào cho đến khi vỡ chuyện ra mới biết được các em mướn phòng trọ ở chung với bạn khác giới khi mới ở độ tuổi 15.

Nhưng bất hạnh không chỉ đến với gia đình ít quan tâm đến con cái. Ngay những gia đình kiểm soát con rất chặt, có người đưa đi đón về hàng ngày, vậy mà có em vẫn dính bầu.

Đó là trường hợp của một bé đang học lớp 8. Khi em bất ngờ bị đau bụng, ba mẹ chở đến bệnh viện nhưng khi được bác sĩ thông báo em đã có thai, gia đình em một mực phản đối và cho rằng bác sĩ chẩn đoán nhầm:

“Cháu rất ngoan, ngoài giờ đến trường chỉ ở nhà, không chơi bời giao du với ai thì làm sao có thai được” Tra hỏi, điều tra mãi mới biết, sáng ba mẹ chở đến trường, em vào học rồi cúp tiết, hẹn bạn tới nhà nghỉ, tiết cuối về học tiếp, cuối buổi ba mẹ đón về cứ đinh ninh con mình học hành chăm chỉ.

Sống phóng túng, yêu buông thả nhiều em phải gánh hậu quả nhưng nguyên nhân một phần cũng do gia đình và nhà trường chưa trang bị cho các em những kỹ năng sống cơ bản, cần thiết nhất.

Chẳng thế mà có cô giáo dạy cấp 3 kể một câu chuyện cười ra nước mắt, khi có một nữ sinh lớp 10 cô chủ nhiệm buồn rầu rĩ, sút cân, học hành giảm sút và có thái độ sợ sệt, hoang mang.

Khi được cô hỏi: “Con hãy can đảm chia sẻ với cô bất cứ chuyện gì, cô hứa sẽ giúp con tận tình”. Lúc này, em mới òa khóc và nói: “Con sắp có em bé rồi, cách đây hai tuần bạn H đã hôn vào má con”.

Mến nhau, yêu nhau tuổi học trò cũng là lẽ thường tình. Nhưng cũng nên dừng ở khoảng cách nhất định như trao nhau ánh mắt nụ cười để cuộc sống thêm thi vị. Thiết nghĩ với kiểu yêu đương hiện đại như thế này, phần thiệt thòi chỉ là  nữ sinh.

Các bậc làm cha mẹ phải gần con, biết quan tâm đến chúng nhiều hơn, răn dạy cho các em một số kinh nghiệm, kiến thức về văn hóa yêu đương, về sức khỏe tình dục… giúp các em có kiến thức, biết giữ mình trước mọi cám dỗ để tương lai con em mình không phải đi vào ngõ cụt, không phải khóc những giọt nước mắt “nuối tiếc” với “giá mà”.

Cô giáo Phan Tuyết cho biết, các nhân vật trong bài đều có thật, nhưng vì nhiều lý do mà cô chỉ nêu tên tắt.

Quý vị bạn đọc có đồng tình hoặc không đồng tình với quan điểm của cô, có thể gửi thư về Tòa soạn để nêu ý kiến của mình qua email toasoan@giaoduc.net.vn hoặc để lại bình luận phía cuối bài.

Tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng cảm ơn.

PHAN TUYẾT