Chứng kiến người đồng đội cùng quê ngã xuống bởi bom đạn quân thù, chàng thanh niên trẻ tuổi Trần Xuân Thu đã nghẹn ngào gạt nước mắt ôm kỉ vật bạn trao giơ cao họng súng tiến về phía trước tiếp tục chiến đấu.
Khi chiến tranh kết thúc đất nước hòa bình, về lại quê hương Quảng Trị ông treo kỷ vật là lá cờ đỏ sao vàng lên như để tưởng nhớ người đồng đội cũ. Cũng như nhắc nhở con cháu về những hy sinh của các bậc cha ông đi trước. Đến ngày kỷ niệm 70 năm thành lập Quân Đội Nhân Dân Việt Nam ông lại càng nhớ đồng đội mình hơn.
Lá cờ máu thiêng liêng và câu nói “Chiến đấu đi, thằng bạn”!
Từ nhỏ đã sống trong máu lửa bom đạn, sống trong cảnh mồ côi vì cha mẹ đã hy sinh trong các trận chiến khốc liệt của chiến tranh. Nên từ nhỏ cậu bé Trần Xuân Thu (SN 1926, trú tại thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) dũng cảm xin làm người liên lạc đồng thời phụ giúp đưa dầu, cung cấp giấy cho bộ đội ta khi chưa tròn 10 tuổi. Vừa làm nhiệm vụ vừa chăm sóc đứa em trai nhỏ. Vì tính tình lanh lợi, thông minh lại dẻo dai nên mọi nhiệm vụ được giao dù xa hay gần, đường đi có trắc trở, nguy hiểm đến mấy cậu đều xuất sắc hoàn thành.
Ông Trần Xuân Thu nhìn lên lá cờ mà người đồng đội cùng quê tên Văn đã trao cho ông trước lúc hy sinh mỗi khi nhớ đến đồng đội cũ |
“ Ban đầu tôi làm nhiệm vụ thì khá suôn sẻ vì tôi thuộc địa hình ở đây. Cùng với đó thân hình tôi lúc đó gầy gò nhưng nhanh nhẹn, khuôn mặt lại non nớt. Lỡ không may bị địch phát hiện cũng chỉ nghĩ đứa trẻ non nớt nên không nghi ngờ gì mà cho đi. Năm khoảng 17 tuổi, trong lúc đi làm nhiệm vụ ở Khe Sanh, Quảng Trị tôi bị địch phát hiện đuổi bắt ráo riết. Đạn từ phía địch sợt qua đầu và một viên trúng bắp chân không đi tiếp được nên tôi liều đứng dậy quăng quả lựu đạn cuối cùng trong người về phía địch rồi lăn xuống vách núi. May được một vài người dân tộc đi rẫy thấy và kịp thời cứu giúp”, ông Thu vừa kể vừa cho xem những vết thương năm nào.
Sau đó, ông đi góp dầu, nấu ăn làm nhiệm vụ hậu cần cho đơn vị. Đến năm 1947 thì chuyển công tác đến huyện Hải Lăng,Quảng Trị chiến đấu. Khi đó là lúc thực dân Pháp dốc toàn lực lượng bình định Quảng Trị với ý đồ chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” tiêu diệt Việt Minh trong thời gian ngắn nhất. Chúng chiếm giữ nhiều vị trí trung tâm, đầu mối giao thông các huyện thuộc phía Tây và Nam Quảng Trị.
Sau đó một năm, cũng là năm đau thương nhất khi thực dân Pháp 2 lần ném bom và tàn sát đẫm máu hàng trăm người dân vô tội trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Ông được chỉ huy giao đến đây để giải quyết hậu quả khủng khiếp, man rợ mà thực dân Pháp gây ra. Ông và đồng đội trong đơn vị như người mất hồn không khỏi rớt nước mắt trước cảnh tượng hoang tàn, chết chóc đau khổ. Người thì chết cháy, chết với đủ mọi tư thế, mọi nơi đều là máu và xác người. Cả một ngôi làng chỉ còn lại mười mấy người may mắn sống sót.
Ông Thu kể lại những ngày tháng hào hùng mà bi thương ngày xưa cho người cháu nội Trần Xuân Lộc cũng đang theo con đường binh nghiệp của gia đình |
Ông cho biết: “ Trong những năm tháng chiến đấu, đau buồn nhất là chứng kiến những cảnh éo le, man rợ kia. Cả ông và đồng đội dâng lên quyết tâm trả thù, quyết tâm chiến đấu với bọn giặc mất tính người đến cùng để giành lại sự bình yên cho mọi người, gia đình và đất nước”.
Năm 24 tuổi ông chuyển đơn vị đến xã Tân Lịch, huyện Gio Bình, Quảng Trị. Thời gian chiến đấu tại đây ông đã gặp bà Đỗ Thị Mai (SN 1934) rồi nên duyên vợ chồng. Đám cưới ông bà cũng được đơn vị tổ chức đơn giản với vài miếng cầu trau. Đến năm 1954 những đứa con của ông còn nhỏ thì ông được điều động tập kết ra miền Bắc cùng đơn vị để chuẩn bị cho trận đánh Điện Biên Phủ với Thực dân Pháp.
Chân ướt chân ráo ra miền Bắc chưa được bao lâu thì ông cùng đơn vị được điều động lên chiến đấu ở biên giới Tây bắc với giặc Pháp. Tại đây, ông gặp người bạn tên Văn ở cùng quê. Ông và người đồng đội cùng quê thường xuyên chiến đấu, chia sẻ nỗi nhớ gia đình với nhau. Năm 1954 trong một trận đánh của Chiến dịch Điện Biên Phủ người bạn tên Văn của ông bị trúng đạn dẫn đến thương tích nghiêm trọng rồi tử trận tại tỉnh Atopo (Lào). Trước khi ra đi người đồng đội ấy lấy ra một lá cờ đỏ sao vàng đã nhuốm máu. Đó là vật thiêng liêng mà người bạn của ông Thu được chỉ huy tặng trước lúc ra trận. Lá cờ thiêng liêng đó đã được người bạn trao lại cho ông Thu cùng câu nói không thể nào quên: “Chiến đấu đi, thằng bạn”.
Ông Thu, bà Mai bên con cháu của mình |
“ Trước lúc hy sinh anh ấy vẫn còn nghĩ đến đất nước thế đó. Lá cờ đó đã nhuốm máu của anh ấy và tôi sẽ giữ nó mãi bên mình”, ông nghẹn ngào chảy dài dòng nước mắt cầm chặt lá cờ trong tay khi nhớ đến người đồng đội của mình. Khắc ghi câu nói của đồng đội ông Thu đã lấy lá cờ bỏ trước ngực rồi tiếp tục chiến đấu.
Sau khi chiến đấu tại chiến trường miền Bắc đến khi đánh thắng giặc Pháp ông quay trở về đơn vị cũ thì những trận đánh đã lấy đi của ông quá nhiều đồng đội. Rồi ông quay trở về quê hương với những kỉ vật đồng đội cùng quê đã hy sinh trao lại cho ông cùng bao nỗi niềm. Riêng lá cờ của người đồng đội đã hy sinh luôn được ông cẩn thận treo ở nơi trang trọng trong nhà và xem như một kỷ vật quý.
Cả gia đình tham gia quân ngũ đánh đuổi giặc thù
Người lính luôn mang trong mình tình yêu quê hương đất nước, yêu gia đình và tình đồng đội, chiến hữu. Người bạn ra đi để lại cho chàng trai động lực chiến đấu mạnh mẽ khôn cùng. Không chỉ có ông Thu mà Bà Mai vợ ông nơi quê nhà Quảng Trị cũng đã có những năm tháng tham gia lực lượng du kích. Mặc dù có con nhỏ chồng đi chiến đấu xa nhưng bà thường xuyên đi hái rau, nấu ăn để tiếp tế cho các đơn vị bộ đội chủ lực thời kỳ chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Khi chỉ mới 18 tuổi bà đã lập công lớn khi đánh mỏ báo động kịp thời để giúp bộ đội ta ẩn nấp tránh địch.
Nhiều lần bà đi tiếp tế thực phẩm nước uống cho bộ đội bà bị địch bắt về đồn và tra khảo nhưng bà không nói ra nửa lời. Bà kiên quyết cứ giả vờ là người dân bình thường để qua mặt bọn địch gian ác. Đánh đập tra tấn bà mãi nhưng không moi được thông tin gì chúng đành phải thả bà ra nhưng vẫn cho người lén lút theo dõi. Để tránh chúng phát hiện bà nấu trong các khe đá, đường mương nếu để khi bị lộ thì lập tức dập lửa.
“ Nhiều khi đang nấu canh, nấu măng cũng phải đổ mặc dù tiếc lắm phải dời đi nấu cái khác cho bộ đội có cái mà ăn uống để có sức tiếp tục chiến đấu. Phụ nữ thời chiến là lực lượng hậu phương cũng như du kích cực kỳ nhiệt huyết. Hầu hết đàn ông thanh niên trong làng đều ở chiến trường nên nơi quê nhà phụ nữ góp phần rất lớn trong việc nuôi quân và giữ quân”, bà Mai bộc bạch.
Trong gia đình hai ông bà có 6 người con thì đến 5 người đều có mặt khắp các chiến trường của đất nước thời kì chiến tranh. Người con đầu chiến đấu tại tỉnh Lạng Sơn nhiều năm rồi mắc bệnh và qua đời. Ba người con thứ là Trần Xuân Đính, Trần Xuân Lạc đi bộ đội đánh Mỹ tại thị xã Quảng Trị và Trần Xuân Hòa tập kết ra Sóc Sơn, Hà Nội thuộc Sư đoàn 312. Sau khi trở về anh Hòa không may bị mất đi một bàn tay do bom nổ. Người em trai kế Trần Quốc Kiếm cũng tiếp nối theo các anh làm lính, chiến đấu tại Campuchia.
Đến khi chiến thắng giặc Mỹ, non sông thu về một mối ông Trần Xuân Thu mới xuất ngũ về quê hương làm nghề bác sĩ thú y từ một khóa học của trường nghề nông nghiệp. Năm nay cả hai vợ chồng ông Thu đều đã ngoài 80 tuổi và đang sống với gia đình người con trai út Trần Xuân Tuấn.
Với công sức đóng góp cống hiến đó cho đất nước ông bà đã được trao nhiều huân, huy chương và kỷ niệm chương của Đảng và nhà nước. Vì được thừa hưởng tinh thần người Bộ đội cụ Hồ, tình yêu quê hương đất nước nên các cháu của ông Thu cũng chăm ngoan, học giỏi. Giờ cháu của ông bà nhiều người tiếp tục nối tiếp theo con đường binh nghiệp của gia đình.
Con cháu của ông luôn được ông kể về miền kí ức năm xưa, chuyện đời lính, chuyện chiến đấu trong chiến tranh của đất nước. Những câu chuyện ông kể luôn đem lại cho con cháu sự tự hào và hiểu biết về những năm tháng khói lửa của đất nước. Những người anh hùng dân tộc và sự chiến đấu đến cùng của nhân ta để bảo vệ tổ quốc thân yêu.