Chuyên gia chỉ cách giúp cha mẹ cách đẩy con ra khỏi "hàng ngũ hảo hán"

24/01/2016 08:14
Nguyễn Đình Sơn
(GDVN) - Khi đang ở độ tuổi ô mai, nhiều trẻ con thành phố được chăm sóc quá mức, vì thế mà chúng ta đã vô tình xây dựng một thế giới ảo trong tâm hồn trẻ con.

LTS: Trước thực trạng "Bạo lực học đường" mỗi lúc một nóng tại các trường học. Đưa gia những giải pháp hạn chế tình trạng bạo lực học đường, chuyên gia tư vấn giáo dục Nguyễn Đình Sơn (Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội) có bài viết gửi tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết tới độc giả.

Xin mượn tiếng nói của học sinh THPT Chuyên Trần Phú - Hải Phòng để gửi đến những bậc cha mẹ còn đang thờ ơ hay “thánh chém” đối với những trường hợp bạo lực học đường.

Những nguyên nhân lãng xẹt

Càng đọc tôi cảng cảm thấy thảnh thốt về góc nhìn của con trẻ đối với cái gọi là “bạo lực học đường”: Đánh vì cảm giác thỏa mãn của tuổi ô mai; Đánh mà chẳng cần lý do gì hay chỉ vì một cái nhìn đểu, một câu nói vui vơ; Đánh vì thích; Đánh để được tôn lên cái danh “đại ca” và có đàn dàn em để sai vặt... 

Có những trường hợp, học sinh từ một nạn nhân đã thành một kẻ trấn lột, ví như em Gia Toàn, 15 tuổi, sống tại Quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. 

Khi đang học lớp 6, em từng bị người khác mượn tiền và không bao giờ được trả lại, bị mượn nhiều và cống nạp đến mức em đã tấn công lại và từ đó em trở thành kẻ xin đểu đối với con nhà giàu sang chảnh. 

Phải chăng đó chính là sự phản ánh đầy hiện thực và rõ ràng của xã hội ngày nay, của một thế giới ảo đang ngày ngày giúp học sinh hành xử như chiến trường trong các trường học? 

Bạo lực học đường như một cái cây đang được chăm bẵm cẩn thận dưới bàn tay của những học sinh còn non trẻ, cứ lớn dần, lớn dần, phức tạp và không ai có thể kiểm soát nổi. 

Ông Nguyễn Đình Sơn (Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội). Ảnh nhân vật cung cấp.
Ông Nguyễn Đình Sơn (Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội). Ảnh nhân vật cung cấp.

Vậy phải chăng đã đến lúc chính quyền, các cơ quan có thẩm quyền và công an nên vào cuộc để đưa ra những giải pháp “muộn còn hơn không”? 

Câu hỏi của hai học sinh trường THPT Chuyên Trần Phú (Hải Phòng) liệu có thể khiến các bậc phụ huynh phải suy nghĩ? 

Tôi đã đọc và chợt giật mình đối với tất cả những lời bình, những lời chia sẻ thấp thoáng một văn hóa “đổ thừa” và những giải pháp bên ngoài của những phụ huynh “thánh chém”.

Đổ thừa và đối phó

Họ thật dũng cảm và quan tâm đến con cái hay đó thật sự là thái độ bất bình với tình trạng xấu của học sinh hiện nay khi mà viết ra những bình luận ủng hộ con đánh nhau hoặc tự đánh con người khác để đè bẹp bạo lực học đường. 

Nhiều phụ huynh thống nhất cho học sinh đó vào các trường giáo dưỡng vì làm sao có thể giáo dục được những người như thế. 

Nhưng hãy đặt câu hỏi ngược lại, nếu học sinh đó là con của chính mình thì sao? Câu trả lời chắc chắn lại là văn hóa đổ thừa “Không phải tại tôi”, rồi dịch vụ thuê bảo vệ ngầm hay dịch vụ thám tử sẽ lại nở rộ. 

Đó là cách làm an toàn nhất mà một số phụ huynh tại Thành phố Hồ Chí Minh đã làm. 

Có lẽ lâu lắm rồi chúng ta chưa tự hỏi chúng ta đang sống trong vòng quay sinh nhai nhanh đến mức không nhận ra những giá trị gia đình. Tôi xin dành thời gian để lý giải những câu hỏi của nhóm học sinh này về giá trị nền tảng gia đình. 

Những giá trị giúp con không đứng trong hàng ngũ “hảo hán”

Chiếc nôi gia đình là một tài sản tạo lên phẩm giá, trải nghiệm và nuôi dưỡng học sinh phát triển lành mạnh, yêu thương, tự chủ và có trách nhiệm. 

Thực tế cho thấy tất cả học sinh phát triển tốt khi gia đình có mức độ yêu thương và trợ giúp đúng cách. Đó chính là môi trường mà cha mẹ đã dành cho con mình những lời lẽ và biểu cảm yêu thương vô bờ bến. 

Chuyên gia chỉ cách giúp cha mẹ cách đẩy con ra khỏi "hàng ngũ hảo hán" ảnh 2

Học trò Hải Phòng: "Bạo lực đang biến nhà trường thành chiến trường"

(GDVN) - Chiếc kiềng 3 chân gồm nhà trường, gia đình và xã hội, và có bao nhiêu bài học đạo đức, học trải nghiệm giúp học sinh hình thành nhân cách và lối sống?


Họ luôn duy trì nó ổn định và tinh thần cởi mở. 68% trẻ con Mỹ đã cho thấy chất lượng gia đình dành thời gian cho nhau là yếu tố đầu tiên và quan quan trọng nhất tạo nên tâm hồn cho trẻ - đó là giá trị của yêu thương.

Đôi khi việc trao đổi với các con như một trận chiến. Giao tiếp cũng giống như hành động bạn mở hay đóng cửa. Đó chính là cách bạn lắng nghe hay không nghe. 

Tuy nhiên, các cuộc chia sẻ trong gia đình lại còn rất hạn chế; dù biết rằng, cha mẹ và người thân luôn đóng vai trò then chốt. Bạn hãy tự đặt câu hỏi mình thường giao tiếp với con bằng răn dạy, áp đặt hay mệnh lệnh? 

Mình có biết lắng nghe con, chia sẻ quan điểm và giúp con ra quyết định? Khi con bị bắt nạt mình có nhìn theo góc tích cực để tìm tới giải pháp cùng con? Đó chính là giá trị của giao tiếp, giao tiếp tích cực giúp xóa tan ý nghĩ  bạo lực.

Phán xét, răn dạy, áp đặt chính là bức tường đẩy cha mẹ ngày càng xa con cái. Vậy, chúng chỉ còn cách khơi dòng tâm sự ra bên ngoài mỗi khi chúng gặp khó khăn. Chúng thấy tự do mà không bị ai kiểm soát. 

Phải chăng, vô tình chính người lớn đã tạo ra một môi trường không có chia sẻ, không có niềm vui, không có sự trợ giúp cho con trong những tình huống khó xử hay bạo lực học đường. 

Hãy xem con mình có nhận thấy mối quan tâm chia sẻ từ người lớn hay không? Con có thể thân được với bao nhiêu người lớn trong gia đình và có thường xuyên hỏi người lớn xung quanh (họ hàng, người thân) trong những tình huống khó xử? 

Thay phán xét bằng nghệ thuật giúp con tìm giải pháp trong mọi tình huống? Đó là quan hệ giữa con với người lớn.

Thế giới của con là gia đình, trường học và môi trường xung quanh. Con có thể có góc nhìn tích cực nếu chúng được nhận những ý kiến, những chia sẻ tích cực và ngược lại. 

Khi đang ở độ tuổi ô mai, chúng ta thấy nhiều trẻ con thành phố được chăm sóc quá mức, được tiếp xúc với máy tính, điện thoại thông minh, vì thế mà chúng ta đã vô tình xây dựng một thế giới ảo trong tâm hồn chúng. 

Chúng quên đi những giá trị lao động, giúp đỡ người khác và kết cục là chúng sẽ lớn mà chưa được trang bị kỹ năng tự lập. 

Nếu coi con là nguồn lực trong gia đình thì hãy giao việc cho con, để tạo cho con những giá trị lao động. Hãy trao cho con phụ trách một công việc nào đó trong gia đình để rèn luyện tính sống tự chủ.

Cha mẹ giúp con tạo dựng tiếng nói của mình đồng nghĩa là họ sẽ nhìn thấy những giá trị về tài năng, kỹ năng, sở thích và chính kiến của con. 

Khi cha mẹ ghi nhận con trẻ là nguồn lực, con sẽ cảm thấy có quyền đóng góp cho cộng đồng, trường học, gia đình theo cách chín chắn và đầy ý nghĩa. Khi đó bạn cần khích lệ, khen thưởng và khuyến khích con tiếp tục xây dựng lối sống có trách nhiệm với bản thân và với bạn bè.

Nguyễn Đình Sơn