Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam mới đây đã có các bài viết phản ánh về thực trạng giáo viên tại trung tâm giáo dục trẻ đặc biệt (tự kỷ, chậm nói, tăng động...) có hành động thiếu chuẩn mực với học sinh.
Nhiều ý kiến từ dư luận cho rằng, nếu các sự việc như thế này vẫn còn tiếp diễn, không chỉ tạo ra tâm lý lo lắng với các phụ huynh mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của các học sinh thuộc nhóm đối tượng vốn đã chịu nhiều thiệt thòi.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cũng thắc mắc, trước đó đã nhiều lần cơ quan chức năng vào cuộc chấn chỉnh, xử lý, thậm chí có trung tâm còn bị buộc giải thể nhưng đến nay sự việc tương tự vẫn xảy ra. Làm sao để siết chặt quản lý và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các trung tâm để ngăn chặn các sự việc tương tự có thể xảy ra?
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, bà Ninh Thị Hồng - nguyên Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, cơ quan chức năng cần có quy định chặt chẽ và sự quản lý sát sao hơn đối với các trung tâm giáo dục trẻ đặc biệt để hạn chế những sự việc tương tự có thể xảy ra.
Bà Ninh Thị Hồng - nguyên Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam. Ảnh: NVCC |
Bà Hồng nêu lên nhận định: "Từ những sự việc vừa qua, tôi và dư luận không đồng tình với cách các bảo mẫu giáo dục trẻ như vậy. Những hành động đó là có hại cho trẻ chứ không theo đúng mục đích là giáo dục, chăm sóc trẻ như tên gọi của các trung tâm này.
Có thể là khi sự việc vỡ lở, họ sẽ biện minh rằng, vì lo trẻ ăn uống không đầy đủ nên mới làm như vậy. Tuy nhiên, khi đã làm việc trong các trung tâm chăm sóc trẻ đặc biệt, người chăm sóc trẻ cần xác định rằng, trẻ em thuộc các đối tượng trên vốn đã thiệt thòi hơn các trẻ em phát triển bình thường khác thì sự quan tâm cũng phải khác hơn, nhiều hơn, cẩn thận hơn.
Với trẻ nhỏ, mỗi em sẽ có một tính cách khác nhau, người chăm sóc trẻ cũng cần linh hoạt trong từng tình huống khác nhau. Điều quan trọng nhất, vẫn là sự nhiệt huyết với công việc là tình yêu thương dành cho con trẻ".
Bà Ninh Thị Hồng nêu thêm ý kiến: nên xem xét xử lý trách nhiệm của lãnh đạo các trung tâm chứ không đơn thuần chỉ đuổi việc các giáo viên liên quan là có thể kết thúc được sự việc.
"Trong chuyện này, lãnh đạo các trung tâm nói trên cũng sẽ có liên đới trách nhiệm. Cụ thể, việc liên đới trách nhiệm ở đây chính là ở chỗ tuyển chọn, quản lý giáo viên vào làm việc. Bởi lẽ, ngoài việc xem xét đến vấn đề bằng cấp lúc tuyển dụng, trong quá trình làm việc, nếu lãnh đạo các trung tâm có sự quan tâm, theo sát các hoạt động lên lớp của giáo viên thì chắc chắn sẽ rất ít xảy ra các trường hợp như vậy.
Khi đó, với sự giám sát chặt chẽ từ người quản lý trung tâm thì cũng sẽ phân loại được đội ngũ giáo viên, người nào làm tốt thì tuyên dương, người yếu kém thì loại bỏ. Với chức trách của mình, lãnh đạo các trung tâm nhất thiết phải thực hiện được những điều này thì mới mong đảm bảo sự tồn tại cho các cơ sở họ đã mở ra.
Đặc biệt, đối với các trung tâm đào tạo trẻ đặc biệt thì quá trình tuyển chọn giáo viên lại càng phải yêu cầu kỹ lưỡng hơn, để có thể chọn được những giáo viên yêu nghề, yêu trẻ thực sự, có nghiệp vụ sư phạm về giáo dục trẻ đặc biệt", bà Hồng chia sẻ thêm.
Đối với việc góp phần nâng cao hơn nữa sự giám sát của lãnh đạo trung tâm đối với các giáo viên, bà Hồng cũng nêu lên một số gợi ý.
Đó là phương án cho giám sát chéo giữa các giáo viên với nhau hoặc giữa các lớp với nhau trong cùng một trung tâm. Ngoài ra, lãnh đạo của các trung tâm cũng cần lắng nghe ý kiến của phụ huynh và thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất.
Theo bà Hồng, việc này có thể thông qua các đội phụ trách camera giám sát ở các lớp học hoặc cử người chuyên thực hiện việc quản lý, theo dõi các giáo viên trong trung tâm.
Qua đó, không chỉ thực hiện việc giám sát đối với các giáo viên mà cần kiểm tra đột xuất với trẻ. Thông qua đó, lãnh đạo các trung tâm có thể đưa ra kết luận rằng, lớp của giáo viên đó phụ trách có cải thiện, nâng cao được chất lượng của học sinh hay không? Học sinh đó có tiến bộ về thể chất, tinh thần khi được học tại lớp học đó hay không?
Bà Hồng nhận định: "Sau các sự việc đã xảy ra, dù chỉ tại một vài địa phương, sự việc là cá biệt nhưng các đơn vị quản lý của các trung tâm giáo dục trẻ đặc biệt ở các địa phương khác cũng nên lưu ý và rút ra bài học cho chính mình. Đó là việc tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý đối với cấp dưới để không tái diễn các sự việc tương tự.
Các cơ quan quản lý của các trung tâm nói trên cũng nên ban hành các quy định cụ thể về phương thức làm việc, mức độ xử lý nếu các trung tâm để xảy ra các sai phạm để làm sao đủ sức răn đe.
Nếu vẫn để các tình trạng như vậy lặp lại nhiều hơn, sẽ gây tâm lý lo lắng cho phụ huynh, cũng tạo ra gánh nặng và áp lực làm việc đối với giáo viên. Còn trẻ em ở trong các trung tâm giáo dục đặc biệt rất dễ tổn thương nếu phải chịu các yếu tố tác động".
Vụ việc bảo mẫu "động tay" với học sinh tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập Thiên thần nhỏ, Ninh Bình. Ảnh chụp từ clip |
Bà Hồng cũng chia sẻ một số phương pháp để phụ huynh có thể phát hiện sớm việc con mình có đang bị bạo hành ở lớp học nói chung, tại các trung tâm giáo dục trẻ đặc biệt nói riêng hay không như sau:
"Trước hết các phụ huynh cần phải dành nhiều thời gian để quan tâm hơn nữa đối với con em của mình. Sau đó, cần để ý đến biểu hiện của các con sau những lần đón từ lớp học/trung tâm về nhà.
Cụ thể, với trẻ đặc biệt, sau một thời gian học ở các trung tâm đó, các em có phát triển theo chiều hướng tốt lên hay không. Về sức khỏe của các em, buổi tối phụ huynh cũng cần quan sát xem trẻ ngủ có bị giật mình, la khóc hay không? Khi tắm rửa, phụ huynh cũng nên để ý trên cơ thể trẻ có xuất hiện vết thương lạ, bầm tím, dấu hiệu bất thường hay không?
Khi phát hiện ra những biểu hiện bất thường của trẻ thì cần đặt ra các câu hỏi và cần sớm làm sáng tỏ những hoài nghi đó. Trước hết, cần tìm hiểu tại các cơ sở chăm sóc trẻ để tìm ra hướng giải quyết trước khi mọi chuyện đi quá giới hạn", bà Hồng cho biết.