Chuyên gia Nga: Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là cần thiết

05/11/2015 14:52
Lâm Giang (Theo Lenta)
(GDVN) - Theo vị chuyên gia Nga, việc ký kết Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) chắc chắn sẽ giúp làm tăng tính hấp dẫn đầu tư cho Việt Nam.

Tờ Lenta của Nga ngày 27/10 dẫn bình luận của Anton Flowers, chuyên gia của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế, cho rằng chính phủ Việt Nam đang đứng trước một nhiệm vụ nhiều khó khăn và thích thức là cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Mặc dù bước đi này được tiến hành khá muộn, nhưng là bước đi cần thiết bởi thực tế cho thấy một số doanh nghiệp nhà nước lớn thay vì trở thành đầu tàu kinh tế đã trở thành một gánh nặng, một mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng phát triển. 

Ảnh Lenta.
Ảnh Lenta.

Sau chương trình Đổi mới năm 1986 và tiếp đó là Hội nhập năm 2000-2005, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đem lại nhiều hy vọng cho phép lạ kinh tế đất nước, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình đạt 7,5%. 

Trên đà phát triển kinh tế, nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng lần lượt ra đời một cách rất nhanh chóng trên cảm hứng từ các tập đoàn lớn ở các nước châu Á phát triển như chaebol của Hàn Quốc và keiretsu của Nhật Bản.

Các doanh nghiệp nhà nước được tiếp cận với nguồn tín dụng giá rẻ; thuế và giá điện, nước ưu đãi; ưu tiên trong việc thực hiện các hợp đồng công, ưu đãi về đất đai.

Tuy nhiên, các nguồn nội lực không đủ để đáp ứng nhu cầu của tăng trưởng kinh tế cao. Tăng năng suất không theo kịp vốn đầu tư. Trung bình, để tăng GDP 1% cần phải tăng cường đầu tư 6%. 

Hơn nữa, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, sự sụp đổ thị trường chứng khoán và vòng mới của lạm phát chậm lại đã khiến hàng loạt doanh nghiệp buộc phải đóng cửa. 

Chuyên gia Nga cho rằng nguyên do của tình trạng này đến từ sự quản lý không hiệu quả của các tập đoàn nhà nước, sự phát triển các khuôn khổ pháp lý không theo kịp cải cách thị trường, tình trạng tham nhũng và lạm quỹ tràn lan.

Vụ Vinashin, theo chuyên gia Nga, là một ví dụ điển hình về những mặt yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam. Các vấn đề tương tự cũng được tìm thấy ở các doanh nghiệp lớn khác như Vinacomin, EVN, Vinaconex.

Mặc dù một loạt các lãnh đạo của các doanh nghiệp nhà nước bị cáo buộc tham nhũng và quản lý lỏng lẻo đã bị bắt giữ và xét xử, nhưng những thiệt hại do họ để lại vẫn khá nặng nề, ông cho biết.

Trong khi đó, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng đang gặp nhiều thách thức. Nguyên do là cơ cấu của các công ty nhà nước chồng chéo, bản thân các công ty này không phải hoàn toàn đều muốn thu hút các nhà đầu tư. Chẳng hạn như Vietnam Airlines chỉ bán ra 3% cổ phần mặc dù tiềm năng vận tải hàng không của Việt Nam rất lớn. 

Nguyên do nữa là ở Việt Nam không đủ kinh phí để tư nhân hóa tất cả các doanh nghiệp nhà nước. Do đó, cần phải thu hút tiền từ nước ngoài.

Để làm được điều này, hiện Việt Nam đang có một cơ hội rất lớn. Việc ký kết Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) chắc chắn sẽ giúp làm tăng tính hấp dẫn đầu tư cho Việt Nam.

Tuy nhiên, TPP cũng mang lại nhiều thách thức do các đối thủ cạnh tranh từ bên ngoài đem tới. TPP cũng đi kèm nghĩa vụ phải tuân thủ các quy tắc cạnh tranh nghiêm ngặt. Điều đó sẽ buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải học cách thích nghi, cách cạnh tranh để tồn tại. 
 
Chủ trương đưa các doanh nghiệp nhà nước trở thành lực lượng tiên phong của nền kinh tế là đúng đắn. Việc đẩy mạnh các chương trình cải cách kinh tế là cần thiết để khắc phục những mặt yếu kém của nền kinh tế, những khoản nợ bên ngoài, củng cố sự ổn định tình hình an ninh - chính trị đất nước./.

Lâm Giang (Theo Lenta)