Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc |
Tờ "Nhân Dân" Trung Quốc ngày 2 tháng 2 đưa tin, một trang microblog chính phủ nhân dân thành phố Thường Châu ngày 31 tháng 1 tiết lộ, một doanh nghiệp cáp điện của thành phố này đã trúng thầu chiếc tàu sân bay thứ hai.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tào Vệ Đông trả lời phỏng vấn đài truyền hình CCTV Trung Quốc cho rằng, trong tương lai Trung Quốc cần sở hữu 4 chiếc tàu sân bay để luân phiên thực hiện nhiệm vụ, lượng giãn nước của nó từ 60.000 - 80.000 tấn là thích hợp, không cần thiết chế tạo tàu sân bay 100.000 tấn hoặc lớn hơn như Mỹ.
Không chỉ microblog chính thức của Văn phòng thông tin chính quyền nhân dân thành phố Thường Châu, Trung Quốc đưa tin về tàu sân bay, tờ "Thường Châu vãn báo" xuất bản muộn hơn cùng ngày cũng lấy "Máy bay, đường sắt cao tốc, tàu sân bay nơi nơi có thể thấy Made in Thường Châu" làm tít, đã đăng nội dung tương đồng.
Tuy nhiên, ngày 1 tháng 2, thông tin này đã bị gỡ bỏ. Bài báo đăng về tàu sân bay trên tờ "Thường Châu vãn báo" bản điện tử xuất bản ngày 31 tháng 1 cũng không thể xem được nữa.
Theo bài báo, thông tin này đã thu hút sự chú ý của truyền thông các nước, lập tức được giải thích: Đây là lần đầu tiên có cơ quan nhà nước chính thức làm rõ thông tin chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc. Nhưng, đến nay, các cơ quan, đơn vị như Bộ Quốc phòng, Hải quân Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận gì về thông tin này.
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc |
Hiện nay, tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc có tên là Liêu Ninh đã biên chế hơn 2 năm, sau khi đi vào hoạt động từ tháng 9 năm 2012, tàu Liêu Ninh đã triển khai một loạt công tác thử nghiệm và huấn luyện, được cho là đã đạt được đột phá quan trọng.
Tháng 5 năm 2013, đơn vị không quân trên tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Trung Quốc được chính thức thành lập, cuối năm đó, hoàn thành hợp luyện lần đầu tiên cùng biên đội tàu sân bay. Năm 2014, tàu Liêu Ninh quay trở lại nhà máy đóng tàu Đại Liên, đã tiến hành đại tu trong thời gian 4 tháng.
Có truyền thông cho rằng, việc sử dụng tàu sân bay trên quốc tế thường tuân thủ nguyên tắc "chế độ 3-3": 1 chiếc làm nhiệm vụ, 1 chiếc huấn luyện, 1 chiếc sửa chữa. Đối với "nước lớn" như Trung Quốc, chỉ có 1 chiếc tàu sân bay là "tuyệt đối không đủ".
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc tuy chưa bày tỏ thái độ với chiếc tàu sân bay thứ hai, nhưng ngày 29 tháng 8 năm 2013, Trung Quốc thông qua phát ngôn viên Bộ Quốc phòng của họ có tên là Dương Vũ Quân đã từng nói trong cuộc họp báo rằng, tàu Liêu Ninh là chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, nhưng tuyệt đối không phải là một chiếc duy nhất.
Tào Vệ Đông tuyên truyền cho rằng, Trung Quốc thực hiện chính sách quốc phòng mang tính "phòng ngự", trong tương lai chế tạo 4 chiếc tàu sân bay là "tương đối thích hợp". Thông thường, tàu sân bay cần lần lượt tiến hành huấn luyện, sửa chữa và làm nhiệm vụ, nếu có 4 tàu sân bay, 2 chiếc ở hướng Biển Đông, 2 chiếc ở hướng bắc, thay thế nhau thực hiện nhiệm vụ, có thể "quay vòng" tương đối tốt.
Lượng giãn nước của tàu sân bay có ảnh hưởng rất quan trọng đối với năng lực tác chiến của nó, chẳng hạn tàu sân bay 60.000 tấn có thể mang theo 30 - 40 máy bay tác chiến, tàu sân bay lớp 100.000 tấn hoặc lớn hơn có thể mang theo 70 - 80 máy bay chiến đấu. Theo nhu cầu của Trung Quốc, hiện nay chế tạo tàu sân bay lượng giãn nước 60.000 - 80.000 tấn là tương đối thích hợp. Không cần thiết chế tạo tàu sân bay 100.000 tấn thậm chí cỡ lớn hơn như Mỹ.
Trung Quốc huấn luyện cất hạ cánh máy bay J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh (ảnh tư liệu) |