Diễn đàn APEC là sự kiện ngoại giao quan trọng bậc nhất của đất nước trong năm 2017.
Mọi người dân đều góp sức để hội nghị thành công, trong đó có sự chung tay đóng góp của các họa sỹ, các giảng viên các trường Mỹ thuật Việt Nam.
Nhân dịp vào Đà Nẵng tham dự Hội thảo “Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 và Giáo dục Việt Nam” tại thành phố Đà Nẵng (7/2017) do Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam tổ chức, một nhóm các họa sỹ thuộc Ban vận động Mỹ thuật Việt Nam và Ngoại giao văn hóa đã tiến hành khảo sát các địa điểm - nơi sẽ diễn ra các hoạt động chính của diễn đàn APEC để tìm các phương án trang trí cho các địa điểm này mang tính văn hóa cao phục vụ mục tiêu mang văn hóa phục vụ đối ngoại.
Được sự ủng hộ của Ban thư ký Ủy ban quốc gia APEC, Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO Bộ Ngoại giao, các họa sỹ đã lựa chọn những bức tranh đẹp của các họa sỹ tiêu biểu tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam để giới thiệu về vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam thông qua mỹ thuật.
Hội họa đương đại Việt Nam với tinh thần dân gian và hội nhập với thế giới kể từ khi thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương đã đào tạo ra biết bao họa sỹ bậc thầy sáng tác ra biết bao tác phẩm xuất sắc.
Bước sang đầu thế kỷ 21, mỹ thuật Việt Nam thực sự đã đa dạng khuynh hướng sáng tác, nghệ sỹ và tác phẩm tích cực hội nhập và được chào đón trong khu vực.
Những bức tranh được chọn lọc tham gia trưng bày phục vụ APEC 2017 trong chương trình mang tên “Bản sắc và Hội nhập” với sự góp mặt của 17 họa sỹ với 34 tác phẩm phong phú về khuynh hướng và đa dạng về chất liệu như sơn mài, sơn dầu, màu nước, khắc gỗ, giấy dó…
Ta gặp tinh thần thị giác đương đại qua phong cách hạt ảnh trong “cầu tàu” của họa sỹ Lê Trần Hậu Anh, sự chồng lớp ám họa, đan cài nét cổ tạo những biến hóa về hình thể trong “Ngựa và Rồng” của họa sỹ Hứa Thanh Bình.
Thấy sự chiết giản của thiền trong “Sen sớm” của họa sỹ Phạm Hà Hải.
Hay vẻ đẹp nhiều chất trữ tình trong những bức tranh “Trung du” của họa sỹ Nguyễn Văn Cường, “Hoa đỏ” của họa sỹ Lê Anh Vân.
Phong cảnh Việt Nam hiện ra thanh bình và huyền ảo trong tranh của họa sỹ Hồng Việt Dũng và họa sỹ Nguyễn Văn Đức…;
Sự công phu tái hiện sinh hoạt, lễ hội truyền thống qua các tác phẩm của các họa sỹ Đà Nẵng: Nguyễn Tường Vinh, Hò Đình Nam Kha, Nguyễn Trung Kỳ…
Sự xung đột nội tâm mạnh mẽ của “Tình yêu” “Ký ức Thu” của nữ họa sỹ Đoàn Thị Thu Hương.
Những tác giả như Nguyễn Thị Dư Dư, Ngô Thị Bình Nhi, Đặng Mậu Tựu lại gây nhiều ngẫu hứng, thể hiện sự khoáng hoạt những không gian thị giác…
Những bức họa màu nước thanh khiết của họa sỹ Hải Phòng Bùi Duy Khánh…
Sự tinh lọc từ mỗi diện mạo tác giả khi phóng chiếu ra sẽ thấy như là một phần bản sắc.
Sự qua lại giữa thế giới nội tâm và cuộc sống bên ngoài tự khắc đã đòi hỏi một cuộc hội nhập tự nhiên và thường trực ở các mức độ khác nhau.
Từ tháng 3 năm 2017, được sự ủng hộ của Phó Thủ tướng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, hơn hai chục họa sỹ, các giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và một số cá nhân yêu và mong muốn quảng bá Mỹ thuật Việt Nam ra thế giới… đã khởi xướng chương trình Mỹ thuật Việt Nam và Ngoại giao Văn hóa.
Mục đích của chương trình là đóng góp những bức tranh có chất lượng cao, độc bản, có chữ ký và xác nhận của tác giả… để treo tại các văn phòng đại diện của Việt Nam tại nước ngoài, tránh tình trạng treo tranh nhái, tranh chợ tại các cơ quan công quyền Việt Nam.
Sau 6 tháng thực hiện, chương trình đã đóng góp được hơn 100 bức tranh của hơn 60 họa sỹ để chuyển cho các Sứ quán/ Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài ra, chương trình đã tổ chức được 8 đoàn cho các họa sỹ mang tranh trực tiếp đi trao tặng cho các Sứ quán/ Tổng lãnh sự quán và sáng tác tại chỗ được thêm 70 bức cho các Sứ quán.
Bên cạnh đó chương trình còn tạo điều kiện để các họa sỹ tham gia vào các hoạt động Ngoại giao văn hóa như: Tham gia ngày Văn hóa Việt Nam, triển lãm tranh tại Myanmar (5/2017), Hà Lan (7/2017), APEC (11/2017).
Trong tuần lễ APEC tại Đà Nẵng, chương trình Mỹ thuật Việt Nam và Ngoại giao Văn hóa đã cử ba đoàn vào khảo sát và vẽ theo đúng nhu cầu của Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, những bức tranh khổ lớn (8m - 2.5m), (6m – 2.1m), tấm bình phong dát vàng… đã được dựng lên để trang trí tại các phòng khánh tiết của trung tâm Hội nghị quốc tế của Trung tâm hành chính Thành phố, tạo ấn tượng mạnh về độ sang trọng, lịch sự, mang tính mỹ thuật cao cho các phòng khách để Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp các vị đứng đầu các nền kinh tế APEC.
Từ những căn phòng trống trơn, những bức tranh đẹp đã thổi hồn cho các căn phòng, khiến chúng trở nên ấm cúng, trang nhã, mang đậm tâm hồn Việt.
Hai phòng khánh tiết mang hai chủ đề:
Phòng khánh tiết 1: Đà Nẵng – thành phố xinh đẹp bên bờ biển Đông
Với bức tranh khổng lồ dài 8m cao 2.5m vẽ Vịnh biển Đà Nẵng với chất liệu sơn ta và vàng bạc trên toan (riêng tiền dát vàng đã tốn 400 triệu đồng) của họa sỹ Bùi Hữu Hùng.
Đây chính là điểm nhấn của căn phòng và chương trình.
Tác phẩm được vẽ riêng cho dịp lễ APEC này và được tặng lại làm kỷ niệm cho nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Để nhấn thêm cho chủ đề, hai bức tranh "Thuyền về” của họa sỹ Nguyễn Văn Đức và “ Bóng nước” của họa sỹ Lê Trần Hậu Anh đã góp một hình ảnh sống động về đời sống của ngư dân Đà Nẵng – những người kiên cường, dũng cảm, cần cù lao động, bám biển sinh sống…
Phòng khánh tiết 2: Hội tụ đón chào
Phòng được trang trí với những bức tranh tưng bừng cỏ cây hoa lá từ khắp mọi miền tổ quốc cùng về để đón chào các vị khách quý tới Đà Nẵng dự họp.
Đó là màu sắc rực rỡ và sang trọng của bức họa “Phong cảnh mùa xuân” dài 6m - 2.1m với rừng mai trắng chạy dọc suốt bức tường của căn phòng.
Đây là tác phẩm của họa sỹ Bùi Hữu Hùng.
Phía đối diện là hai bức tranh: “Quê hương thanh bình” của họa sỹ Hồng việt Dũng với những rặng tre, rặng dừa thả bóng gợi hình ảnh làng quê Việt Nam rất đỗi bình yên.
Bức tranh “Sen sớm” của họa sỹ Hà Hải là một sự đột phá. Bởi có lẽ rất hiếm khi một bức tranh trừu tượng được có mặt trong phòng khách của sự kiện chính trị quan trọng.
Chính giữa căn phòng là bức bình phong 11 tấm dát vàng sang trọng để giúp làm nổi bật lên những lá cờ cắm ngay sau lưng hai vị lãnh đạo cấp cao.
Tác phẩm này cũng được sáng tác dành riêng cho sự kiện trọng đại này và cũng là món quà quý dành cho nhân dân Đà Nẵng của chương trình.
Phòng đợi:
Phòng được trưng bày với chủ đề: Non nước thanh binh, đất lành chim đậu.
Với bức tranh khổ lớn 6m - 2.1m ba tấm của họa sỹ Bùi Hữu Hùng miêu tả cảnh non nước Đà Nẵng với dòng sông Cổ Cò và dãy Ngũ Hành Sơn cùng đàn Hồng hạc bay về tắm mát bên sông.
Họa sỹ Bùi Hữu Hùng đã miệt mài sáng tác và lao động cật lực để cho ra đời những sản phẩm tuyệt đẹp phục vụ kịp thời cho việc trang trí phục vụ APEC.
Bên Trung tâm hội nghị quốc tế của khách sạn Furama – nơi diễn ra hầu hết các hoạt động chính của APEC, chương trình đã mang tới hơn 30 bức tranh để trưng bày tại sảnh của hội trường lớn, trang trí phòng đợi của các vị khách VIP, trang trí các phòng họp song phương…
Với sự góp mặt của các họa sỹ tên tuổi cả ba miền Bắc - Trung - Nam, các vị khách tới tham dự APEC sẽ có một cái nhìn toàn cảnh về sự đa dạng của Mỹ thuật Việt Nam.
Một điều rất đáng trân trọng là để phục vụ cho sự kiện quan trọng của đất nước này, các họa sỹ của chương trình đã nhiệt tình tham gia đóng góp tranh.
Chương trình hoàn toàn được xã hội hóa và không lấy kinh phí từ nguồn ngân sách của nhà nước.