Chuyện lạ ở Trường ĐH Tân Trào: có GV nhận lương từ 2019 nhưng chưa giảng dạy

08/12/2022 06:28
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có giảng viên ở Trường ĐH Tân Trào nhận lương hàng tháng từ khi ký hợp đồng từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2020 chưa giảng dạy đã chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo nội dung trong Kết luận số 09/KL-TTr của Thanh tra tỉnh Tuyên Quang, Trường đại học Tân Trào không chỉ để xảy ra các sai phạm trong lĩnh vực quản lý quỹ tiền mặt của nhà trường và trong việc thu tiền học phí. Nhiều sai phạm khác trong việc ký hợp đồng lao động và thanh toán tiền công, tiền lương lao động hợp đồng cũng đã xảy ra tại trường đại học này.

Bị UBND Tỉnh "tuýt còi" vì ký hợp đồng lao động không đúng chuyên môn nghiệp vụ, Trường vẫn tiếp tục thực hiện dù đang bị thanh tra

Đáng chú ý, tính đến thời điểm tháng 10/2022, Trường đại học Tân Trào đã ký hợp đồng lao động với 53 người. Trong đó: Khoa Y dược 13 người, Phòng khám đa khoa 21 người, Phòng Hành chính - Quản trị 1 người, Khoa Văn hóa Du lịch 1 người, Khoa Nông lâm ngư nghiệp 1 người, Trung tâm thể dục thể thao 1 người, Phòng Thanh tra - Pháp chế 2 người, Phòng Đào tạo 2 người, Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác Quốc tế 2 người, Khoa Tâm lý giáo dục và Công tác xã hội 2 người, Khoa Kinh tế Quản trị kinh doanh 2 người, Trung tâm tin học ngoại ngữ 2 người và Bộ môn lý luận chính trị 3 người.

Tuy nhiên, 53 lao động ký hợp đồng nói trên làm chuyên môn nghiệp vụ không đúng quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ. Có trường hợp thiếu chặt chẽ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản số 2843/UBND-NV ngày 20/11/2013 về việc hợp đồng tại các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang cũng ban hành các văn bản: 3450/UBND-NC ngày 25/11/2019; văn bản số 3818/UBND-NC ngày 2/12/2020; văn bản số 256/UBND-NC ngày 24/1/2022 về khắc phục hạn chế qua kiểm tra công tác nội vụ năm 2019, 2020, 2021.

Trường đại học Tân Trào. Ảnh: webside nhà trường

Trường đại học Tân Trào. Ảnh: webside nhà trường

Trong quá trình đoàn thanh tra thực hiện công tác thanh tra, Trường đại học Tân Trào vẫn tiếp tục hợp đồng và chi tiền lương cho các hợp đồng lao động được nêu cụ thể tại Báo cáo số 410/BC-SNV ngày 2/11/2022 của Sở Nội vụ. Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang cũng đã ban hành văn bản số 4758/UBND-NC ngày 16/11/2022 về việc giải quyết đề nghị của Trường đại học Tân Trào, yêu cầu khắc phục những tồn tại theo báo cáo.

Theo đó, tổng số tiền đã chi trả cho các hợp đồng lao động ký sai quy định có trường hợp thiếu chặt chẽ, không thực hiện nghiêm các kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền với số tiền chi 10.419.503.533 đồng.

Trong đó, tại Phòng khám Đa khoa, tổng số tiền đã chi trả tiền công, tiền lương, Bảo hiểm xã hội cho 21 hợp đồng lao động là 3.706.704.734 đồng. Số hợp đồng lao động không đúng quy định 21 bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng trong khi vị trí việc làm gắn với công việc hoạt động nghề nghiệp được phê duyệt 6 người. Phòng khám hiện có 3 viên chức.

Mức tiền lương lao động hợp đồng đang thực hiện chi trả cho 21 hợp đồng lao động nêu trên người cao nhất số tiền 20,7 triệu đồng/ người/ tháng, người thấp nhất số tiền 4,9 triệu đồng/ người/ tháng. Một số bác sĩ có hộ khẩu thường trú ngoại tỉnh, ký hợp đồng lao động tại phòng khám, thời giờ làm việc theo giờ hành chính các ngày trong tuần hoặc theo thời khóa biểu của phòng khám nhưng không có tên trong bảng chấm công theo dõi hàng tháng tại phòng khám.

Mặt khác, toàn bộ tiền lương tiền công, máy móc thiết bị và chi phí thường xuyên duy trì hoạt động của phòng khám đều do kinh phí Trường đại học Tân Trào chi trả, nhưng doanh thu từ hoạt động của phòng khám không đưa vào nguồn thu của Trường đại học Tân Trào, phòng khám tự quản lý điều hành thu chi.

Ngoài ra, phòng khám có thành lập nhà thuốc nhưng mọi hoạt động kinh doanh của nhà thuốc không được đề cập đến trong hoạt động thu sự nghiệp khác của Trường đại học Tân Trào. Tuy nhiên, nhân viên của nhà thuốc do Trường đại học Tân Trào chi trả lương.

Trường đã chi trả lương hàng tháng cho một số giảng viên từ năm 2019 đến nay các giảng viên này vẫn chưa thực hiện giảng dạy

Không chỉ vậy, tại Khoa Y dược, tổng số tiền chi trả tiền công, tiền lương, bảo hiểm xã hội cho 13 hợp đồng lao động số tiền 2.751.425.475 đồng. Số hợp đồng không đúng quy định là 13 giảng viên, trong khi vị trí việc làm "giảng viên dạy các bộ môn học thuộc nhóm ngành sức khỏe" được cấp có thẩm quyền phê duyệt 8 người làm việc. Khoa hiện có 6 người làm việc là viên chức.

Mức tiền lương lao động hợp đồng đang được thực hiện chi trả cho 13 hợp đồng lao động nêu trên, người cao nhất số tiền là 24,9 triệu đồng/ người/ tháng. Có một số giảng viên là Tiến sĩ, Thạc sĩ Dược học không có tên trong danh sách theo dõi chấm công hàng ngày tại Khoa Y dược, có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội ký hợp đồng giảng dạy tại Khoa Y dược, Trường đại học Tân Trào đã chi trả lương hàng tháng từ những năm 2019, 2020 đến nay chưa thực hiện giảng dạy.

Có giảng viên nhận lương hàng tháng từ khi ký hợp đồng từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2020 chưa giảng dạy đã chấm dứt hợp đồng lao động.

Bên cạnh đó, tại các phòng khoa chuyên môn khác, số hợp đồng lao động không đúng quy định là 19 hợp đồng lao động. Tổng số tiền đã chi trả tiền công tiền lương cho 19 hợp đồng lao động là 3.961.373.324 đồng.

Ngoài 53 hợp đồng lao động tại các khoa phòng được Sở Nội vụ kiểm tra, báo cáo, còn có thêm 2 hợp đồng lao động, Trường đại học Tân Trào cũng đã ký hợp đồng lao động và thanh toán tiền lương, tiền công không đúng quy định.

Liên quan đến việc này, Thanh tra tỉnh Tuyên Quang xác định, trách nhiệm sai phạm thuộc về ông Nguyễn Bá Đức - nguyên Hiệu trưởng và Phòng Tổ chức - Chính trị có liên quan đến việc tham tham mưu ký kết hợp đồng lao động, phòng Kế hoạch - Tài vụ có liên quan đến việc thanh toán tiền công, tiền lương.

Chi trùng 2 lần tiền hỗ trợ, lập chứng từ thanh quyết toán nhưng không chi tiền cho giảng viên

Ngoài ra, trong việc thanh toán tiền thu hút nguồn nhân lực, hỗ trợ giảng viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, Trường đại học Tân Trào cũng để xảy ra nhiều sai phạm.

Cụ thể, Trường đại học Tân Trào đã quản lý, sử dụng, thanh quyết toán tiền thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao và hỗ trợ giảng viên đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn không đúng quy định của Luật Kế toán, luật Ngân sách Nhà nước và một số Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang.

Chi trùng 2 lần hỗ trợ với số tiền 1.740.081.000 đồng (trong đó để ngoài sổ sách kế toán, lập chứng từ thanh quyết toán nhưng không chi tiền cho giảng viên, thu hồi tiền của giảng viên khi chuyển công tác số tiền 528.794.000 đồng).

Qua kiểm tra, xác minh và làm việc trực tiếp với các giảng viên, ngày 27/9/2022 được hưởng tiền hỗ trợ còn có việc: Nhà trường thanh quyết toán cho giảng viên không kịp thời (chứng từ chi được lập và quyết toán từ các năm 2017, 2018 nhưng một số giảng viên đến năm 2020 mới được chi trả). Có trường hợp giảng viên đã bỏ việc, chuyển công tác nhưng Trường đại học Tân Trào vẫn lập danh sách thanh toán tiền hỗ trợ.

Ngoài ra, nhà trường không minh bạch trong việc thanh quyết toán, bù trừ tạm ứng quỹ tiền mặt không rõ ràng, thiếu công khai. Thanh toán lòng vòng qua nhiều khâu để xảy ra tình trạng một số giảng viên có kiến nghị phản ánh không được thanh toán đầy đủ.

Bên cạnh đó, có một số giáo viên chỉ là hợp đồng lao động chưa là viên chức trong biên chế được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được Trường đại học Tân Trào cử đi học nâng cao trình độ chuyên môn trong nước (trình độ Tiến sĩ).

Trong quá trình đi học được nhà trường chi trả lương hàng tháng và chi hỗ trợ kinh phí đi nâng cao trình độ chuyên môn. Sau khi có bằng Tiến sĩ, Trường đại học Tân Trào tiếp tục làm hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang cấp kinh phí chi trả chế độ thu hút theo Nghị quyết số 34/2013/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế chính sách thu hút giảng viên trình độ cao và khuyến khích sinh viên cho Trường đại học Tân Trào.

Trung Dũng