Không còn là một người đanh đá, ngoa ngoắt như người ta thường thấy trong các vai diễn của chị, Vân Dung đang trò chuyện cùng tôi có cái đằm thắm của một người phụ nữ đã lập gia đình, cái hiền dịu lẫn nghiêm khắc của một người mẹ đảm và cái nhẹ nhàng của một người con dâu…
Ảnh cưới nghệ sĩ hài Vân Dung
“Mẹ chồng lúc nào cũng bênh tôi”
Tiểu sử của Vân Dung, những vai diễn của chị, những thăng trầm buồn vui của chị trong nghiệp diễn… có lẽ những người hâm mộ chị đều thuộc nằm long. Và người ta thấy trong các bài báo viết về chị, có một người chị rất hay nhắc đến, là người đã có lúc phản đối chuyện chị là diễn viên nhưng sau lại là người ủng hộ, động viên chị theo nghề này nhiều nhất. Đó là mẹ chồng chị.
Vân Dung kể về mẹ chồng với chan chứa những tình cảm. Tôi cảm nhận được điều đó, vì khi nói về bà, chị không phải chần chừ suy nghĩ lựa chọn ngôn từ để diễn đạt hay ngần ngừ nghĩ xem mẹ chồng mình là người như thế nào, bà thích gì, có thói quen thế nào, đối với mình ra sao. Những điều ấy tự bao giờ đã khắc khảm trong tâm trí chị và khi kể, cứ thế nó theo một mạch liền liên tục, không đứt gãy.
“Tôi là dâu trưởng nhưng chưa một ngày phải làm dâu bởi tôi ở ngoài Bắc, mẹ và chồng tôi lại ở trong Nam. Ngày xưa, khi tôi chưa lấy chồng mình bây giờ, tôi cũng không đến ra mắt gia đình nhà chồng mà mẹ xuống nhà tôi.
Tôi và mẹ giống nhau ở chỗ đều sống rất hiện đại, thích nói thẳng nói thật, không vòng vo, không rườm rà trong tất cả mọi thứ như suy nghĩ, cách đối xử với mọi người xung quanh. Những dài dòng, không cần thiết đều có thể cắt bớt. Nhà tôi không quan niệm phải có chuyện con dâu ra mắt mẹ chồng hay mẹ chồng phải đến nhà con dâu như thế nào. Mà cái quan trọng là tình cảm của mẹ đối với con ra sao và con đối với mẹ thế nào. Những lễ nghi cần thiết trong đám cưới thì có thể thực hiện nhưng sau đó những gì không tạo nên sự gắn bó mẹ con đều có thể bỏ.
Chuyện của vợ chồng tôi từ đầu bị mẹ phản đối bởi lẽ mẹ chưa từng gặp tôi ở bên ngoài mà bà thấy tôi trước nhất là ở trên vô tuyến. Mà tôi nghĩ chẳng riêng gì mẹ chồng tôi mà bất cứ bà mẹ nào nhìn thấy tôi trên vô tuyến như thế cũng sẽ đều phản đối. Bởi tôi quá ghê gớm, quá xấu xí.
Có thể nói tôi là đại diện cho những gì xấu nhất thế giới. Một người phụ nữ xấu nhất thế giới. Vậy thì hà cớ gì họ lại chịu để cho con trai họ lấy tôi? Nhưng sau này, khi đã gặp tôi, tiếp xúc với tôi, bà hiểu ra rằng những gì bà đã thấy chỉ là kịch thôi. Còn bên ngoài tôi không như vậy và bởi thế, mẹ chồng đã thông cảm và thậm chí giờ bà tự hào về tôi.
Tôi đi diễn nhiều, không toàn tâm toàn ý chăm sóc chồng con được. Mẹ không bao giờ phàn nàn về điều đó. Mẹ chồng tôi thích tôi tham gia công tác xã hội, thích tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cơ quan, thích tôi ra bên ngoài và làm một người phụ nữ hiện đại. Mẹ nói tôi có thể dành thời gian cho gia đình nhưng không phải cả cuộc đời. Mẹ nói tôi đừng như mẹ, cả cuộc đời chỉ biết đến chồng con. Đó là cách mà mẹ chồng ủng hộ tôi. Chồng tôi không thích xem phim Việt Nam, không thích xem kịch Việt Nam nhưng đối với nghề diễn của tôi, anh cũng rất ủng hộ. Anh thích tôi đi làm vì chỉ có đi làm tôi mới thấy vui. Còn ở nhà tôi suốt ngày nhăn nhó, phải có con thì tôi mới cười.
Tôi và mẹ chồng ít có thời gian ở cạnh nhau. Thi thoảng bà từ trong Nam ra ngoài này thăm tôi và cháu, cũng có khi tôi đưa cháu vào trong đó với bà và bố. Thời gian ở bên nhau không nhiều, nhưng cứ gặp nhau là mẹ con lại chuyện trò vui như Tết. Tôi hay tâm sự với mẹ. Chuyện vợ chồng, chuyện bạn bè, chuyện con cái… nhưng không bao giờ tôi mang chuyện cơ quan để kể với mẹ vì tôi cho đó là chuyện ngoài đường. Nói với các cụ, các cụ không thể giải quyết cho mình được mà lại thêm đau đầu, khó nghĩ, tối lại trằn trọc mất ngủ.
Trong nhà, mẹ chồng lúc nào cũng bênh tôi. Ở nhà tôi không có chuyện phụ nữ nấu cơm, đàn ông ngồi đọc báo. Nếu tôi nấu cơm thì anh phải rửa bát, tôi tắm cho con thì anh phải cho con đi ngủ… Với việc ấy, mẹ chồng tôi hoàn toàn ủng hộ. Thông thường, người ta hay nói con dâu hư thì phải dạy, còn mẹ chồng lại toàn dặn tôi chồng hư thì phải uốn nắn. Mẹ chồng là người rất giản dị. Mẹ yêu quý con dâu vì tính tôi đàn ông, không nhõng nhẽo, không đỏng đảnh, không hoa mĩ mà sống thực tế.
Tôi luôn chăm sóc cho bố mẹ đẻ và cho cả mẹ chồng tôi. Tôi không làm dâu ngày nào nhưng những gì có thể làm được cho mẹ dù là nhỏ nhất để cho mẹ vui, để mẹ không buồn, không tủi thân rằng con dâu bận bịu suốt ngày không quan tâm tới mẹ chồng thì tôi sẽ làm. Những ngày lễ, nếu không gửi quà được vào cho bà thì tôi sẽ gọi điện chúc mừng hoặc nói con trai mình gọi vào cho bà nội. Vào Nam, bao giờ tôi cũng mua đồ để thắp hương cho bố chồng tôi hoặc giả như không mua được thì tôi sẽ gửi tiền nhờ mẹ. Đó chẳng phải là những điều gì to tát nhưng cũng đủ để mẹ tôi cảm thấy ấm lòng và không thấy tủi thân.
Mẹ chồng tôi rất thích hút thuốc lá, thích tập dưỡng sinh, thích tụng kinh gõ mõ, thích nói thẳng nói thật, là người sống rất hiện đại, rất tâm lý. Với sở thích hút thuốc của bà, tôi không ngăn cản. Có những người hút thuốc rất nhiều mà người ta vẫn sống khỏe mạnh tới 80 tuổi, phổi vẫn không hề bị rỗ.
Mẹ tôi là người rất thông minh nên tôi hiểu bà sẽ biết cách để điều tiết sức khỏe của mình, biết cái gì đúng, cái gì sai. Người ta nói hút thuốc có hại cho sức khỏe nhưng mẹ tôi lại cực kỳ khỏe. Mẹ tôi còn khỏe hơn cả một người đàn ông. Mẹ có thể leo năm tầng lầu ngày mấy lần mà không thấy mệt và thậm chí đánh võ suốt ngày. Vì thế, chỉ cần mẹ chồng tôi thích là tôi ủng hộ. Tôi không xâm phạm đến sở thích của bà. Mỗi lần vào Sài Gòn tôi đều đưa bà đi mua thuốc lá, hoa quả và bánh trái.
Những người con dâu không được mẹ chồng yêu quý, tôi cho là do họ chưa hiểu được mẹ thích gì, cần gì. Có những người mẹ chồng không phải cứ mang tiền về là họ thích bởi họ đã quá giàu và quá nhiều tiền rồi, cũng có những bà mẹ chồng không phải cứ mang tình cảm đến là họ vui… Con dâu muốn mẹ chồng yêu quý thì phải hiểu mẹ. Có người mẹ vì quá yêu con trai mình mà muốn con thế này, con thế kia thì mình phải kéo bà về phía mình. Một người mẹ chồng thiệt thòi nhất là không được con dâu yêu quý và một người con dâu cũng thiệt thòi nhất là không được mẹ chồng yêu quý.
Vậy hà cớ gì mình không nịnh mẹ, không yêu mẹ. Mình yêu mẹ bằng tất cả những gì mình có, bằng tấm lòng chân thành thì không bà mẹ chồng nào từ chối. Mẹ chồng sẽ hiểu đâu là dối trá, đâu là sự chân thật bởi người ta hơn mình rất nhiều tuổi, người ta đã sống gần hết một đời người thì người ta sẽ hiểu hết. Mình muốn người ta yêu quý mình thì mình hãy yêu quý người ta trước. Sau đó, người ta có yêu mình hay không hãy phán xét sau. Việc đầu tiên là mình hãy sống chân thành và mình hiểu bà thích gì, bà muốn gì, mình đáp ứng những cái đấy thì tôi nghĩ không một người mẹ chồng nào từ chối con dâu”.
“Mẹ tớ là Vân Dung”
Nghệ sĩ hài Vân Dung và con trai
Cuộc trò chuyện của chúng tôi dừng lại bởi sự xuất hiện của cu Nhím – tên thân mật ở nhà của Long Vũ, con trai Vân Dung. Được tận mắt chứng kiến cách chị giảng bài cho con mới thấy người mẹ này quả thực rất nghiêm khắc. Chia sẻ với chúng tôi, chị nói: “Cháu rất thông minh. Làm toán tính nhẩm còn nhanh hơn cả tôi bấm máy tính. Nhưng vì quá thông minh, quá tự tin nên Vũ lại ẩu. Có khi giải một bài toán, ra đáp số đúng nhưng khi ghi kết quả cháu lại ghi một con số chẳng hề liên quan”.
Từ khi sinh ra đến năm 2 tuổi, cu Nhím không được ngủ với bố mẹ một ngày nào. Lúc mới sinh, cháu nằm một mình trong nôi đặt cạnh giường bố mẹ để tiện chăm sóc. Sau Nhím được một tuổi, bố cháu cho ngủ riêng một phòng, có cửa sổ từ phòng bố mẹ trông sang. Nhiều lúc Nhím khóc tới mức không thở nổi, nhưng chồng chị vẫn kiên quyết để cháu nằm một mình. Vân Dung cười và nói: “Thương con tới phát khóc nhưng vẫn phải nghe chồng. Để yên cho chồng rèn con. Con trai mà. Không rèn thì sau này làm tướng cướp”.
Đối với việc dạy dỗ con, chồng Vân Dung nghiêm khắc hơn cả chị. Chị kể năm cháu mới 2 tuổi, cứ sáng dậy, bố lấy bô bắt cháu ngồi cho tới khi nào đi vệ sinh được thì thôi. Có khi Nhím ngồi tới 2 tiếng, nước mắt nhòe nhoẹt nhưng anh vẫn nhất định bắt cháu ngồi im ở đó. Kết quả là cháu hình thành được thói quen cứ 7h sáng là đi vệ sinh. Ra Hà Nội ở với ông bà ngoại, được ông bà yêu chiều, đến bữa cơm Nhím chạy xung quanh bàn ăn. Còn mỗi lần vào Nam với bố, cháu phải ngồi im một chỗ ăn cho tới khi nào hết bát cơm thì thôi. Kể cả là ngồi 2 tiếng đồng hồ, cơm vữa nát ra, anh vẫn để cháu ngồi. Chị cười nói: “Nó sợ bố còn hơn sợ mẹ. Sợ nhất là bị dọa không ngoan thì cho vào Nam với bố”.
Có mẹ là một người nổi tiếng, Long Vũ còn bé nhưng đã hiểu và tự hào về mẹ. Ra vườn hoa chơi, gặp các bạn, cậu hãnh diện khoe: “Mẹ tớ là Vân Dung”. Ai ngờ các bạn lại nói: “Điêu! Thấy người sang bắt quàng làm họ. Đồ nói điêu. Con Vân Dung mà chẳng giống Vân Dung tí nào!”. Hỏi sao không giống thì các bạn nói: “Mẹ trắng thế mà con lại đen. Đồ điêu!”. Vậy là cu Nhím ấm ức về nhà rồi khóc um lên.
Đối với bà nội, Vân Dung kể Nhím rất yêu bà dù bà ở xa, thi thoảng mới ra thăm cháu được. Nhưng hằng ngày bà đều gọi điện, gửi quà rồi trò chuyện cùng đứa cháu nội mà bà coi là “cháu vàng”. Nhím cảm nhận được tình yêu của bà đối với mình qua những điều ấy và vì thế cháu cũng rất yêu bà.
Năm học lớp ba, cậu chàng đã khiến bà cảm động rơi nước mắt khi viết thư và gửi vào Nam cho bà. Bức thư đó bà mang ra nơi vẫn thường tập dưỡng sinh của mình, khoe với bạn bè. Bà nói bà nuôi mấy đứa cháu rồi nhưng chưa một đứa cháu nào tình cảm đến thế, viết thư cho bà như thế. Hôm vừa rồi, Nhím gọi vào cho nội nói: “Bà ạ! Con đã để dành một ít tiền rồi. Con sẽ gửi về cho bà. Bà cứ yên tâm đi. Lần này gửi nhiều tiền. Con sẽ gửi cho bà 5 nghìn”. Bà nội cười vui, sung sướng bởi với bà, cái đó là cái lớn, là tình cảm của đứa cháu nội dành cho bà.
Người ta vẫn nói khoảng cách thường khiến tình yêu bị nhạt nhòa. Nhưng với gia đình Vân Dung, điều đó hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì cả. Dù xa nhau về mặt địa lý nhưng trái tim của mỗi người trong gia đình chị lại luôn ở gần nhau. Đó là một điều hạnh phúc ít gia đình nào có được. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao trên sân khấu, khán giả thường thấy Vân Dung cười rạng rỡ, hài hước với những vai diễn của mình. Bởi trong chị, lúc nào cũng ngập tràn tình yêu. Mà tình yêu thì luôn làm nên những điều kỳ diệu…