6 học sinh ăn 3 con chuột
Nếu bữa sáng bình dân của một học sinh ở Hà Nội là 10.000đ, thì ở Kim Bon, 6 học sinh phải ăn chung 3 con chuột. Ấy vậy mà không phải em nào cũng có chuột để cải thiện bữa ăn, bởi muốn bắt được các em phải có bẫy và đi đặt từ đêm hôm trước ở ngoài nương. Có nhiều hôm, những chiếc bẫy mang về trống trơn, bữa ăn của các em lại điệp khúc nồi canh rau rừng lõng bõng nước.
Chuột nướng xong chỉ bỏ đi phần ruột, tất cả bộ phận còn lại đều được chặt nhỏ rồi cho vào nồi với một thìa muối trắng. Chỗ thịt chưa đầy miệng bát ăn cơm ấy lại được dành cho 6 em. Một nửa để 3 em nấu với một gói mỳ tôm, một nửa để 3 em xào lên làm thức ăn.
3 con chuột này được làm thức ăn cho 6 em học sinh. Tuy nhiên, không phải bữa nào các em cũng được ăn thịt chuột. |
Lớp 4, các em ở miền xuôi vẫn được bố mẹ chăm cho từng tí trước khi chở đến trường, thì ở Kim Bon các em đã phải xa nhà để ra điểm trường chính học và tự túc trong mọi công việc (học tập, nấu ăn rồi kiêm luôn việc kiếm thức ăn cho từng bữa qua ngày). Từ nhà ra trường, có em phải đi bộ gần 20km đường rừng, trên vai là gạo, củi và rau ăn cho cả tuần. Nhiều em học sinh nhà xa quá không về được, cuối tuần lại chờ bố mẹ gửi đồ ra cho.
Cô Nguyễn Thị Mai, phụ trách chuyên môn tiểu học Phòng Giáo dục Đào tạo Phù Yên (trước là Hiệu phó trường tiểu học Kim Bon) cho biết: “Có những em học đến thứ 3, thứ 4 đã hết gạo ăn, đói quá các em phải bỏ học về, các thày cô giáo phải cho gạo, cho mỳ để các em ở lại ăn. Đến mùa bí, nồi cơm của các em toàn màu đỏ, loáng thoáng có vài hạt gạo đổ vào, gọi là nấu cháo. Toàn ăn bí thôi, thương lắm, ăn bí từ lúc còn lá, quả non rồi quả già”.
Cô Mai cũng cho biết thêm: “Con lợn nó đào chỗ để ngủ trước, đứa trẻ lạnh quá nên đánh đuổi con lợn ra để lấy chỗ ngủ cho ấm. Mùa làm nương cả bản vắng tanh, không một tiếng chó sủa, ở nhà chỉ còn người già không làm được gì và trẻ em bé tí. Trẻ em bé quá mà cần phải cho bú thì được cho đi nương cùng, họ đào một cái hố rồi bỏ vào đó để nó không bò đi đâu được, chứ lấy đâu ra ai cõng, ai trông?”.
Vừa học tiểu học vừa ru con
Ở Kim Bon, không phải cứ trống là vào lớp, hết giờ là trống tan. Khi nào có học sinh thì học, không kể ngày giờ. Cả năm các em bỏ học thì không có nhưng nghỉ học theo mùa thì có. Những mùa tết, cưới, làm nương thì giáo viên phải đi chiêu sinh, phải đến tận nương, đến khắp cái khe, con suối để đón và huy động học sinh đến lớp.
Thờ A Chang, 17 tuổi, đang học lớp 9, đã có vợ được hơn 1 năm. |
Học sinh ở Kim Bon không xác định được đúng tuổi. Có em 15, 16 tuổi vẫn đi học tiểu học. Ở đây, rất nhiều học sinh có con vẫn đi học bình thường. Có em đã làm bố và đang học trên lớp, vợ mang con đến để trên mặt bàn, tức là nếu đi học thì phải trông con còn không thì phải ở nhà trông con. Thế là bố vỗ vỗ vài cái rồi đứa trẻ cứ nằm trên mặt bàn ngủ, còn bố lại tiếp tục học. Rồi chuyện các em dắt trâu bò đến sân trường buộc ở đó rồi đi học là chuyện bình thường.
Học sinh không biết tuổi, dân tộc của mình
Sòng A Tòng, học sinh lớp 4, trường Tiểu học Kim Bon. Nhà em cách trường chừng 10km. Em có anh trai học lớp 8, nhưng lại không nấu ăn cùng nhau. Em thường xuyên nấu ăn một mình. Em cũng không thể đi bắt chuột ở ngoài nương như các bạn được vì không có bẫy.
Trong một căn phòng khoảng hơn 1 mét vuông chứa quần áo, sách vở, gạo, củi, em kéo ra nồi cơm và nồi canh mỳ tôm rau cải được nấu từ sáng hôm qua. Sáng nay em lại bỏ ra ăn tiếp. Khi nồi cơm vẫn còn chừng nửa bát cơm em lại đậy vào và để ăn bữa trưa.
Trong mỗi bữa ăn, Sòng A Tòng lại thấy nghẹn ngào |
Nhìn thấy nồi cơm đóng bánh, thức ăn và những miếng cơm nuốt nghẹn ngào của em thật sự xót xa. Nhưng có lẽ những câu trả lời của em còn xót xa gấp bội lần.
- PV: Em bao nhiêu tuổi rồi?
Sòng A Tòng: Em không biết.
- PV: Em là người dân tộc nào?
Sòng A Tòng: Em không biết.
- PV: Đi học trên lớp, em được điểm mấy là cao nhất?
Sòng A Tòng: Em không được điểm nào vì em không làm được bài tập.
- PV: Bây giờ em thích cái gì nhất?
Sòng A Tòng: Em chưa biết thích cái gì đâu!
Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới. Mọi sự ủng hộ xin gửi về: - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam - Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888 - Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy - Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn |