Hàng trăm chủ phương tiện bức xúc trước việc nhân viên Công ty Cổ phần Quản lý và sửa chữa đường bộ 472 (Bộ Giao thông vận tải) ăn chặn cước phí của khách hàng một cách trắng trợn.
Theo đó, để di chuyển qua bến phà Thắm (giáp ranh giữ huyện Hậu Lộc và Nga Sơn (Thanh Hóa) và cầu phao Bút Sơn (thuộc huyện Hoằng Hóa) chủ phương tiện (kể cả đi bộ) đều phải nộp cước phí theo quy định. Theo đó, đối với người đi bộ phải nộp cước phí theo quy định là 500 đồng/lượt, người đi xe máy phải nộp 2.000 đồng…
Tuy nhiên, thay bằng việc phát vé để thu cước, thì nhân viên Công ty Cổ phần Quản lý và sữa chữa đường bộ 472 lại thu tiền mà không phát vé.
Theo phản ánh của nhiều chủ phương tiện, tình trạng trên đã diễn ra trong một thời gian dài, nhưng đơn vị quản lý vẫn chưa có hướng xử lý rứt điểm: “ Tôi đi qua phà Thắm, cầu phao Bút Sơn đã nhiều lần nhưng chưa bao giờ thấy nhân viên đưa vé cho khách. Họ chỉ thu tiền cước xong rồi mở barie cho khách đi qua. Nhiều người vẫn biết nhân viên bến phà không xé vé là sai quy định, nhưng có lẽ vì công việc riêng của mỗi người nên cũng chẳng ai để ý chuyện đó. Ai hỏi thì họ mới cấp vé, còn không thì thôi”, anh B.T.B, một người dân huyện Hậu Lộc cho biết.
Trước sự phản ánh của nhiều chủ phương tiện về tình trạng trên, phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có mặt trực tiếp tại phà Thắm và cầu phao Bút Sơn này để ghi nhận sự việc trên. Theo đó, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, hàng chục phương tiện (xe máy, ô tô) lưu thông tại 2 địa điểm trên đều không được nhân viên của Công ty này giao vé khi đi qua phà…Số tiền cước thu của khách đều được nhân viên bến phà bỏ túi riêng.
Việc thu tiền trái quy định một cách công khai trắng trợn của nhân viên Công ty Cổ phần Quản lý và sửa chữa đường bộ 472 cước đã được phóng viên ghi lại vào chiều 25/3.
Được biết, tại 2 điểm thu cước phí (nêu trên), mỗi ngày có tới hàng nghìn phương tiện các loại lưu thông qua lại. Như vậy nhẩm tính có thể thấy, hàng ngày nhân viên bến phà có thể bỏ túi riêng với số tiền lên tới hàng triệu đồng. Việc “ăn chặn” tiền vé một cách công khai như cách làm của nhân viên Công ty Cổ phần Quản lý và sửa chữa đường bộ 472 đã gây ra những thất thiệt không nhỏ cho nguồn thu của Nhà nước.
Theo quy định của Bộ Tài chính thì việc thu phí cầu, đường phải được nộp vào ngân sách Nhà nước và thu phải đúng thủ tục pháp luật bằng việc bán vé. Thế nhưng những gì đang diễn ra tại bến phà Thắm và cầu phao Bút Sơn hoàn toàn đi ngược lại với quy định hiện hành.
Được biết, cách đó không lâu Công an Thanh Hóa đã bắt quả tang và xử lý 2 nhân viên của bến phà Thắm là Nguyễn Ngọc Quý và Lê Thanh Khiêm đang thu phí trái quy định của rất nhiều phương tiện giao thông thủy nội địa khi đi qua khu vực bến phà này.