Cớ gì phải tổ chức thi riêng khi số HS trúng tuyển ở phương thức này chỉ 2,57%

19/03/2024 06:20
Hà An
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Theo TS Lê Viết Khuyến, nhìn vào mức lệ phí dao động 150.000 – 500.000/lượt để thấy kỳ thi này đã và đang mang lại doanh thu rất lớn cho đại học, trường đại học.

Ngoài phương thức xét tuyển truyền thống như dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển học bạ, tuyển thẳng, năm 2024, dự kiến có 9 đại học, trường đại học quyết định tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển đầu vào kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7.

Tuy nhiên, với nhiều kỳ thi có mục tiêu giống nhau đang tạo áp lực ôn tập lên thí sinh và phát sinh nhiều chi phí.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định: “Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều cơ sở giáo dục đại học “vẽ” ra kỳ thi riêng với tên gọi mĩ miều là “đánh giá năng lực, đánh giá tư duy” với lập luận đưa ra là kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông không đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn đầu vào của họ".

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, theo Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong công tác tuyển sinh, do đó, các trường căn cứ trên quy chế tuyển sinh hiện hành để xây dựng đề án tuyển sinh, nếu xét về góc độ quy định của pháp luật, thì hoàn toàn được phép tổ chức các kỳ thi riêng nhưng về mặt đạo lý thì đang bất cập.

DSC_9724.JPG
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nhìn vào mức lệ phí dao động 150.000 – 500.000/lượt để thấy kỳ thi này đã và đang mang lại doanh thu rất lớn cho đại học, trường đại học

Theo đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chỉ ra rằng, Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu rõ: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”. Điều đó có nghĩa, hướng đến kỳ thi chung gọn nhẹ, giảm phiền hà cho người học và cho phụ huynh. Nếu ngày càng có nhiều trường tổ chức kỳ thi riêng tức là đang đi ngược lại tinh thần của Nghị quyết 29.

Với việc trăm hoa đua nở các kỳ thi riêng, liệu chất lượng có đảm bảo là câu hỏi đang đặt ra. Về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh, để tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia làm đề thi và phải có phương tiện, thiết bị… Đặc biệt, đội ngũ làm đề thi phải là các chuyên gia rất am hiểu về đo lường, đánh giá trong giáo dục chứ không phải là giáo viên dạy các môn văn hóa ở các trường trung học phổ thông.

“Theo tôi biết, số lượng chuyên gia về đo lường đánh giá ở Việt Nam rất ít. Mặc dù luật không cấm, nhưng tôi cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể "thả nổi". Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có phương án siết chặt tình trạng trên. Chẳng hạn, yêu cầu các trường làm đề án về phương thức xét tuyển một cách nghiêm túc, đầy đủ, trong đó, đối với việc tổ chức một kỳ thi riêng, trường phải chứng minh được là đủ khả năng”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến khuyến cáo.

Nghiên cứu kinh nghiệm ở các nước kể cả nước có giáo dục phát triển, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thông tin, nếu không phải các ngành học năng khiếu, ngành học hot thì các trường vẫn đều sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển đại học vì đáp ứng đủ độ phân hóa.

Thí dụ, tại một trường đại học y – dược, ngành Bác sĩ đa khoa rất hot, lấy điểm cao vút nhưng ngành Điều dưỡng thì không thể nào lọt vào top ngành hot. Do đó, ngoài kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (sơ khảo) thì cơ sở giáo dục đại học có thể tổ chức kỳ thi bổ sung (trung khảo) với 1 môn đặc thù ví như Sinh học giải phẫu. Qua 2 lần tuyển sẽ chọn được thí sinh xuất sắc, thực sự có năng khiếu và không bao giờ xảy ra tình trạng tỷ lệ chọi cao chót vót đến mức thủ khoa cả nước còn trượt nguyện vọng 1.

Hoặc trường đại học có thể đưa ra tiêu chí phụ để xét tuyển nhưng tiêu chí chính vẫn phải dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vì đây là kỳ thi chuẩn đại trà trong cả nước.

Theo con số Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê kết quả xét tuyển ở các phương thức ở mùa tuyển sinh 2023 cho thấy, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển theo phương thức thi đánh giá năng lực, tư duy chỉ chiếm 2,57% (trong tổng số 546.686 thí sinh trúng tuyển đã nhập học – tính đến tháng 3/2024) trong khi ở phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm gần 50%.

“Do đó, nếu nói kết quả kỳ thi tốt nghiệp chưa thực sự tốt, chưa đủ độ tin cậy thì đó là lý do vô lý. Bởi khi làm đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã huy động đội ngũ chuyên gia am tường trong cả nước để làm. Một mình 1 trường làm sao có đủ đội ngũ chuyên gia để làm, còn nếu có chuyên gia thì sao không huy động cùng Bộ để làm đề thi cho tốt. Hà cớ gì phải tổ chức kỳ thi riêng cho trường ngoài mục đích tăng thêm doanh thu”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Mùa tuyển sinh năm 2024, tiếp tục có thêm nhiều cơ sở giáo dục đại học công bố phương thức tuyển sinh mới - tổ chức kỳ thi riêng. Hiện nay, ngoài hai kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội; còn có những kỳ thi riêng của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Việt Đức...

Năm nay, có thêm Trường Đại học Cần Thơ sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá đầu vào đại học (V-SAT) với 7 môn thi độc lập để tuyển sinh.

Hà An