HS đi thi đánh giá năng lực: Tốn kém, đi lại xa, lo bị bố mẹ mắng nếu điểm thấp

18/03/2024 06:19
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thí sinh đi thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội tại tỉnh lẻ phải lo chi phí tốn kém, cùng nỗi sợ bố mẹ mắng nếu không đạt điểm cao.

Ngày 6/3/2024, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đợt thi đánh giá năng lực lần 2 (ngày 6/3), tình trạng nghẽn mạng vẫn xảy ra khi có thời điểm gần 84.000 thí sinh truy cập cùng lúc. Tuy nhiên, việc gián đoạn không kéo dài như hôm 18/2. Chỉ sau khoảng 15 phút, phụ huynh và thí sinh có thể đăng nhập được. [1]

Theo tìm hiểu của phóng viên, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội ngày càng có nhiều thí sinh đăng ký tham gia với mong muốn gia tăng cơ hội trúng tuyển vào trường đại học, giảm áp lực vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một số thí sinh ở ngoại thành Hà Nội đăng ký thi đánh giá năng lực lần 2 vào ngày 6/3 dù ngồi trước máy tính để chuẩn bị sẵn sàn cho việc đăng ký, nhưng hệ thống bị treo. Đến khi đăng ký được, có những em buộc phải chọn đợt thi được tổ chức tại Hưng Yên, Thái Nguyên, Nghệ An... Điều này khiến các em cũng có phần lo lắng vì phải đi thi xa.

Mạng internet đăng ký đợt thi đánh giá năng lực bị treo cả tiếng đồng hồ

Nam sinh Tạ Duy Anh học sinh lớp 12 tại Thường Tín, Hà Nội dự định thi ngành Công nghệ tài chính tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Đây là ngành học được nhà trường mở từ năm 2018, nên nam sinh cũng đã tham khảo ý kiến của nhiều người về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

9h ngày 6/3 vừa qua, Đại học Quốc gia Hà Nội mở cổng đăng ký kỳ thi đánh giá năng lực lần 2 cho thí sinh.

Để chuẩn bị cho việc đăng ký được suôn sẻ, Tạ Duy Anh cũng như một số bạn học khác đã xin giáo viên bộ môn cho ra ngoài quán internet cách trường khoảng một cây số.

gdvn_danh-gia-nang-luc-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi (1).jpg
Trang web đăng ký thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội bị treo thời gian dài. (Ảnh: NVCC)

8h ngày 6/3, Duy Anh có mặt tại quán internet và cậu vào sẵn website để đăng ký. Tuy nhiên đến 8h55, website đăng ký thi đánh giá năng lực không vào được nữa. "Dù thử lại nhiều lần sau đó nhưng cháu cũng không vào website được”, Tạ Duy Anh nhớ lại.

Đến 15h cùng ngày, Tạ Duy Anh vào lại để đăng ký, tuy nhiên đợt thi 402 (thi vào đầu tháng 4) đã không còn buộc nam sinh phải đăng ký thi đợt 403 (vào cuối tháng 4) tại Trường Đại học Phenikaa (Hà Đông, Hà Nội) và đợt 405 (vào cuối tháng 5) tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên.

“Đợt thi đánh giá năng lực vào cuối tháng 5 khá áp lực với cháu, bởi khi đó cùng gần sát kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông”, Tạ Duy Anh nói.

Trong khi đó, nữ sinh Nguyễn Thị Thu Giang (học sinh lớp 12A3 tại Thường Tín) cho hay, vào ngày 6/3, Giang đã xin phép thầy cô và ra ngoài quán internet từ trước đó cả tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, khi đến gần 9h, mạng treo, Giang không vào được website để đăng ký.

“Đến khoảng 10h7’, cháu vào lại trang website để đăng ký nhưng đợt thi tại Hà Nội đã hết chỗ, chỉ còn chỗ ở điểm thi tại Nghệ An. Vì quá xa nhà nên buộc cháu phải chọn đăng ký đợt thi đánh giá năng lực tại Trường Đại học Thăng Long vào ngày 7/4 và Trường Đại học Thái Nguyên vào ngày 26/5”, Giang cho hay.

gdvn_danh-gia-nang-luc-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi (2).jpg
Thời gian, địa điểm, lệ phí hai đợt thi của nữ sinh Nguyễn Thị Thu Giang. (Ảnh: NVCC)

Nữ sinh cho biết, sau khi bản thân đăng ký xong, hệ thống đã gửi mail thông báo phí thi là 500 nghìn đồng. Khi đó, Giang vào xem trên trang web, vẫn còn ca thi ở Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, điểm thi gần nhà hơn nhưng nữ sinh không dám huỷ vì huỷ xong, phải đợi một tiếng đồng hồ mới đăng ký lại được.

Nữ sinh cho hay, vào ngày đi thi ở Thái Nguyên, bản thân Giang sẽ đi cùng người thân đến trước một ngày để ở trọ, thuận lợi cho việc đi lại đến ca thi vào buổi sáng. Chi phí ăn, ở, đi lại sẽ khá tốn kém với bản thân Giang, cũng như các bạn khác ở vùng quê ngoại thành không có điều kiện về kinh tế.

Không có chứng chỉ IELTS để xét tuyển, nên buộc phải chọn thi thêm kỳ thi riêng

Theo Tạ Duy Anh, trong lớp của cậu có 50% sĩ số lớp đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá năng lực. Số lượng người đăng ký thi đông như vậy là vì nếu xét tuyển bằng học bạ, nhiều trường đại học yêu cầu thí sinh phải có chứng chỉ IELTS.

Trong khi đó, chi phí cho khoá ôn luyện tại Thường Tín rơi vào khoảng 7-10 triệu đồng, còn học ở trung tâm khoảng vài chục triệu đồng, đây là vấn đề tài chính với nhiều gia đình do đó nhiều học sinh chọn tham gia kỳ thi riêng để gia tăng cơ hội vào đại học mà chi phí bớt tốn kém hơn.

Để chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực, Tạ Duy Anh xin tài liệu của các anh chị khoá trước để ôn luyện. Bên cạnh đó, em tập trung vào thế mạnh của bản thân như các môn Toán, Hoá, Lý.

“Khó khăn chúng cháu là quen làm bài thi trên giấy, còn kỳ thi này là trên máy tính. Với tổng thời gian làm các bài thi là hơn 2 tiếng đồng hồ, nếu ai không quen tiếp xúc với màn hình lâu, có thể bị mỏi mắt”, Duy Anh nhận định.

Nam sinh cũng cho rằng, năm nay, số lượng thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đông hơn năm 2023. Vì vậy, rất có thể tỉ lệ chọi vào các trường đại học sử dụng kết quả từ kỳ thi đánh giá năng lực sẽ cao. Điều này, cũng sẽ là khó khăn, thử thách với bản thân Duy Anh và các bạn.

Với đợt thi đánh giá năng lực được tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, nam sinh dự định sẽ nhờ bố chở đi.

“Từ nhà cháu đến địa điểm thi ở Hưng Yên cách khoảng 20 cây số, hôm đó bố sẽ đèo cháu đi thi. Cháu đi vậy còn gần, còn nhiều bạn phải đi thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội tại điểm thi ở Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh… việc đi lại sẽ vất vả, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tốn kém chi phí”, Tạ Duy Anh nói.

19321dg.jpg
Hình ảnh minh họa. (VNU)

Nữ sinh Nguyễn Thị Thu Giang cho biết, bản thân cô tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để làm kết quả xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Hàn của Trường Đại học Hà Nội. Bên cạnh đó, kết quả của kỳ thi này cũng có thể sử dụng làm phương thức xét tuyển tại các trường đại học khác.

Đi thi xa không đạt điểm cao, thí sinh sợ bố mẹ mắng

Phạm Trung Đức (hiện đang học lớp 12 tại Trường Trung học phổ thông Trương Định, Hà Nội) đăng ký thi đánh giá năng lực vào ngày 6/3. Đến 10h sáng cùng ngày, nam sinh học hết tiết mới ra quán net để đăng ký thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

"Hôm đó, có bạn nghỉ học tiết cuối, đến sớm thì đăng ký được ở Hà Nội, còn cháu vào đăng ký muộn nên chỉ còn chỗ ở đợt thi vào đầu tháng 5 tại Trường Đại học Vinh (tỉnh Nghệ An). Cháu thấy cũng hơi áp lực vì khi thi tốn tiền, không đạt điểm cao thì bố mẹ lại mắng", Trung Đức chia sẻ.

Nam sinh cho hay, bản thân dự kiến dùng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào ngành Logictics của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội bên cạnh những phương thức xét tuyển khác.

Để chuẩn bị cho việc ôn luyện kỳ thi đánh giá năng lực, Phạm Trung Đức đã đăng ký khóa học trên mạng internet, bản thân cậu nhận định, kỳ thi này khó hơn so với kỳ thi trung học phổ thông.

Chia sẻ về cậu con trai, chị Hoàng Thị Chung (mẹ của Phạm Trung Đức) cho biết, để chuẩn bị cho ca thi vào sáng 12/5 ở Trường Đại học Vinh, chị dự định sẽ đưa con đi tàu hỏa vào trong đó từ ngày 11/5.

"Tôi có người quen ở gần Trường Đại học Vinh nên mới bố trí đi lại sát ngày thi như vậy để đỡ tốn kém", chị Chung nói.

Theo chị Chung, từ nhà chị vào trong điểm thi ở Nghệ An cách khoảng 300 cây số, đây là một chặng đường khá dài, con của chị chưa đi xa bao giờ như vậy, đồng thời bản thân cháu cũng bị say xe nên chị cũng hơi lo lắng.

Tài liệu tham khảo:

1) https://vnexpress.net/hon-95-000-thi-sinh-dang-ky-thi-danh-gia-nang-luc-dh-quoc-gia-ha-noi-4719057.html

Mạnh Đoàn