Cô giáo mầm non với 2 sáng kiến ấn tượng giúp trẻ rối loạn phổ tự kỷ hoà nhập

14/09/2023 09:40
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Suốt 15 năm cống hiến, cô giáo Hải Ngọc luôn nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu để có những sáng kiến hay, hiệu quả giúp nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ.

Khi nhắc tới cô giáo Trần Hải Ngọc – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Sơn 1 (thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh), đồng nghiệp và phụ huynh nhà trường luôn ấn tượng bởi sự năng động, tâm huyết với công việc của cô.

Đặc biệt, cô đã có nhiều sáng kiến đóng góp hiệu quả trong công tác dạy và học, được ngành giáo dục đánh giá cao.

Trước khi được điều chuyển về Trường Mầm non Cẩm Sơn 1 vào năm 2021, cô giáo Trần Hải Ngọc đã có 13 năm dạy học tại Trường Mầm non Quang Hanh (thành phố Cẩm Phả).

Đến với môi trường mới cùng nhiệm vụ công tác mới bước đầu cô giáo Hải Ngọc cũng còn nhiều điều cần làm quen, thích nghi. Tuy nhiên với quan điểm dù ở môi trường hay nhiệm vụ công tác nào cũng phải nỗ lực cố gắng hết khả năng của bản thân.

Trên vai cô không chỉ là trách nhiệm đối với con trẻ mà còn là sự kỳ vọng, niềm tin của phụ huynh cũng như đồng nghiệp trong trường.

Theo đó, ngay khi nhận nhiệm vụ công tác tại Trường Mầm non Cẩm Sơn 1, cô Hải Ngọc đã tìm tòi, nghiên cứu để đưa ra những sáng kiến, phương pháp nuôi dạy trẻ phù hợp và hiệu quả.

Cô giáo Hải Ngọc cho biết, để học sinh đam mê với môn học thì giáo viên phải có phương pháp hay, linh động cuốn hút. Vì vậy trong quá trình dạy học, cô luôn cẩn thận đúc kết kinh nghiệm, điều chỉnh những phần chưa phù hợp để để từ đó áp dụng mang lại hiệu quả không chỉ trong phạm vi cấp trường, mà cả đến cấp thành phố.

Đặc biệt, năm học 2021-2022, cô giáo Hải Ngọc đã nghiên cứu và áp dụng hiệu quả sáng kiến “Thấu hiểu và hỗ trợ giúp trẻ rối loạn phổ tự kỷ 5-6 tuổi hòa nhập trong trường mầm non”.

Cô giáo Trần Hải Ngọc (ngoài cùng, bên phải) nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập" năm học 2022-2023 (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Trần Hải Ngọc (ngoài cùng, bên phải) nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập" năm học 2022-2023 (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ thêm về sáng kiến đặc biệt này, cô giáo Hải Ngọc cho biết, giải pháp thấu hiểu trẻ rối loạn phổ tự kỷ quan tâm đến tâm lý và sự phối hợp cùng phụ huynh trong quá trình giáo dục hòa nhập cho trẻ sẽ khám phá ra những khả năng tiềm ẩn bên trong của trẻ.

Từ đó, giáo viên có thể so sánh, quan sát trẻ cùng độ tuổi để điều chỉnh những khiếm khuyết của trẻ theo hướng đi đúng được thuận tiện hơn.

Khi trẻ đến lớp cần được tiếp đón ân cần, được dạy về các nhu cầu, nhất là tính tự lập. Cùng với đó, giáo viên cần khích lệ tạo tâm lý rằng các em được mong đợi, được khuyến khích làm điều chúng có thể làm cho bản thân.

Để giúp trẻ rối loạn phổ tự kỷ hoà nhập, việc lập kế hoạch theo dõi sự tiến bộ của trẻ, đánh giá được kết quả thực hiện cũng là một trong những nội dung quan trọng.

Cũng theo cô giáo Hải Ngọc, thực tế, việc áp dụng sáng kiến này đã mang lại hiệu quả rõ rệt tại nhà trường.

“100% trẻ tham gia học tập đều có tinh thần cộng đồng tập thể, có sự học tập lẫn nhau, biết yêu thương đồng cảm và giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh đặc biệt trong lớp, ngoài xã hội.

Phụ huynh học sinh cũng quan tâm tích cực hơn, có trách nhiệm phối hợp cùng giáo viên và nhà trường trong chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật” cô giáo Hải Ngọc cho biết.

Sau khi nghiên cứu và áp dụng thành công sáng kiến trên, cô giáo Hải Ngọc tiếp tục thực hiện sáng kiến “Biện pháp nâng cao hiệu quả kết nối phụ huynh và nhà trường trong hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại trường mầm non” vào năm học 2022 – 2023.

Việc áp dụng sáng kiến kinh nghiệm này đã mang lại hiệu quả trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin giúp xử lý công việc nhanh gọn.

Bên cạnh đó, tạo sự kết nối gần giữa phụ huynh, gia đình và nhà trường để chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ tại trường mầm non.

Áp dụng sáng kiến này, trong lớp học, các con vui vẻ hơn, mạnh dạn, tự tin hơn cũng như chủ động trong các hoạt động, giao tiếp, bày tỏ những tình cảm, nguyện vọng và mong muốn của mình. Đặc biệt, trẻ tự lập hơn và có kỹ năng tự phục vụ bản thân.

Không chỉ vậy, phụ huynh cũng nắm rõ hoạt động của con ở trường, thấy được sự tiến bộ của con hằng ngày từ đó tạo niềm tin giữa giáo viên và phụ huynh.

Những sáng kiến của cô giáo Hải Ngọc đã được áp dụng hiệu quả tại nhiều trường tại thành phố Cẩm Phả (Ảnh minh hoạ: NTCC)

Những sáng kiến của cô giáo Hải Ngọc đã được áp dụng hiệu quả tại nhiều trường tại thành phố Cẩm Phả (Ảnh minh hoạ: NTCC)

Ghi nhận sự cống hiến nỗ lực của cô giáo Trần Hải Ngọc, hai sáng kiến trên đều được Uỷ ban nhân dân thành phố Cẩm Phả công nhận và đang được áp dụng trong hệ thống giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố.

Nhiều năm liền, cô giáo Trần Hải Ngọc luôn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và được nhận giấy khen, bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Phạm Linh