Đó là cô giáo Nguyễn Thị Thảo, Tổ trưởng tổ giáo viên Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng.
Sinh ra trong gia đình nghèo ở xã Hồng Thái, huyện An Dương (Hải Phòng), ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô gái trẻ Nguyễn Thị Thảo ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo dạy chữ cho những trẻ em nghèo.
Sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Hải Phòng, cô Thảo về công tác tại Trường nuôi dạy Trẻ em Khiếm thị Hải Phòng.
Nhớ lại những ngày đầu mới công tác tại trường, cô Thảo tâm sự: “Ngày tôi tới trường nhận công tác, thầy Nguyễn Thanh Thăng có chia sẻ, với học sinh bình thường dạy và dỗ, còn trong môi trường này, dỗ trước dạy sau.
Lần đầu nhìn chữ Braille toàn chấm nổi ly ty tôi cũng thấy nản. Nhưng học rồi, tôi lại cảm thấy chữ Braille không khó như tưởng tượng”.
Cô giáo Nguyễn Thị Thảo hướng dẫn học sinh khiếm thị học bài (Ảnh: Lê Trung Cường) |
Hiện nay, cô Thảo là một trong những giáo viên đọc chữ Braille tốt nhất trường khiếm thị.
Lớp học sinh này ra trường, lớp khác đến, các em học sinh đều có những tình cảm đặc biệt như người thân với cô Thảo.
Ngày nắng cũng như ngày mưa, cô Thảo luôn đến sớm và về muộn. Mặc dù không phải là nhiệm vụ của mình, nhưng những bữa cơm chiều cô đều xuống nhà bếp giúp đỡ các em khiếm thị.
Hơn 20 năm công tác, gắn bó môi trường giáo dục đặc biệt này, cô Thảo để lại những ấn tượng và tình cảm khó quên đối với đồng nghiệp và các thế hệ học sinh mà cô giảng dạy.
Giáo viên trong Trường khiếm thị giờ đây quen với hình ảnh cô Thảo cùng học sinh khiếm thị vệ sinh lớp học và môi trường chung quanh.
Các giờ học môn Văn - tiếng Việt do cô phụ trách luôn được học sinh chờ đợi và yêu thích.
Ngoài giờ lên lớp chính, cô tận dụng phòng trống buổi chiều dạy thêm miễn phí các học sinh yếu kém.
Mặc dù không phải là giáo viên được đào tạo chính quy về giáo dục đặc biệt nhưng trong công tác, cô Thảo luôn nỗ lực tự học, trau dồi chuyên môn nâng cao trình độ.
Để nâng cao chất lượng các tiết học và nghiệp vụ chuyên môn, cô Thảo luôn tự tìm tòi, sáng tạo, nghiên cứu các phương pháp dạy học để phát huy tính tích cực, sáng tạo trong học sinh, tạo hứng thú cho các em trong từng giờ học.
Cô chia sẻ, với học sinh khiếm thị, việc nắm vững tâm tư tình cảm, đặc điểm tâm lý của từng cá nhân chiếm tới 50% thành công của việc giảng dạy.
Vì vậy, cô dành thời gian có mặt tại khu nội trú vui chơi cùng học sinh của mình, giúp các em giải quyết khó khăn khi làm bài tập.
Để động viên học sinh, cô thường xuyên mua tặng các em những đồ dùng cần thiết phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Với những học sinh sống xa nhà, cô gần gũi, giúp đỡ.
Cô kiến nghị Ban giám hiệu vận động cha mẹ học sinh nhà trường đóng góp hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Bất cứ lúc nào, dù ngoài giờ hành chính hay ngày nghỉ, học sinh có nhu cầu đến trường mượn sách chữ Braille hoặc xin giấy viết, cô Thảo đều có mặt trợ giúp.
Với cương vị tổ trưởng chuyên môn, cô giáo Nguyễn Thị Thảo đạt nhiều thành tích xuất sắc. Nhiều năm liên tục cô đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và luôn là “cánh chim đầu đàn” của tổ chuyên môn.
Người giáo viên giản dị của môi trường giáo dục đặc biệt ấy dù chưa nhiều người biết, nhưng mỗi chuyến đò của cô giáo Nguyễn Thị Thảo chính là những cây cầu tri thức bắc nhịp đưa học sinh khiếm thị Hải Phòng tới tương lai.