Ngày 19/4, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam kết hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, Trường trung học phổ thông Thanh Sơn tổ chức buổi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.
Với diễn giả đặc biệt là giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, hội thảo đã thu hút gần 1.300 học sinh cùng cán bộ, giáo viên của Trường trung học phổ thông Thanh Sơn.
Tuy là trường trên địa bàn miền núi nhưng trải qua hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, trường Trung học phổ thông Thanh Sơn là một trong số các trường Trung học phổ thông miền núi đáp ứng được yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của tỉnh Phú Thọ.
Không chỉ quan tâm đến giáo dục văn hóa, phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong trường phổ thông của trường Thanh Sơn cũng phát triển mạnh.
Bên lề cuộc hội thảo, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có dịp trò chuyện với cô giáo Trần Thiện Hiếu, giáo viên dạy môn sinh học tại trường Thanh Sơn về ứng dụng nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học phổ thông.
Theo sự giới thiệu của thầy Phó Hiệu trường Ngô Tùng Lâm, cô giáo Trần Thiện Hiếu là một trong những giáo viên tâm huyết và say mê nghiên cứu khoa học bên cạnh chuyên môn giảng dạy rất tốt.
Hiện cô giáo Trần Thiện Hiếu đang là phó tổ trưởng tổ bộ môn sinh học tại trường.
Tại cuộc thi cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh Trung học, cô giáo Trần Thiện Hiếu cùng học trò của mình đã đạt giải 3 toàn tỉnh Phú Thọ.
Điều đặc biệt là đề tài khoa học mà cô trò cô Hiếu tham gia hiện đã và đang được ứng dụng ngay trong đời sống ngay tại huyện Thanh Sơn.
Nói về đề tài cô giáo Hiếu cho biết, với đề tài mang tên: “Sử dụng thức ăn xanh lên men trong nuôi lợn tại huyện Thanh Sơn, Phú Thọ”, người nông dân có thể tận dụng nguôn thức ăn có sẵn ngay tại huyện Thanh Sơn.
Cô Hiếu cho biết, với đặc thù là miền núi, nông dân huyện Thanh Sơn luôn có nguồn nguyên liệu có sẵn là các phụ phẩm từ cây sắn.
Nếu tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có này thì sản phẩm chăn nuôi của người nông dân vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi, vừa đảm bảo nguồn thực phẩm sạch cung cấp ra cộng đồng.
Chính vì lý do đó, trò cô giáo Hiếu đã quyết tâm thực hiện đề tài khoa học bất chấp trong bối cảnh giá lợn đang đi xuống, người nông dân đang có xu hướng bỏ chuồng.
Để thực hiện được đề tài, cô Hiếu đã không ít lần phải xuống trường Đại học Nông Nghiệp I nhờ các nhà khoa học của trường hướng dẫn và giúp đỡ.
Cô giáo Trần Thiện Hiếu và em Vũ Thị Kiều Trang vừa đạt giải nhất môn sinh học toàn tỉnh Phú Thọ (Ảnh: Lại Cường) |
Cùng với kiến thức môn sinh học, nguyên liệu từ cây sẵn sẵn có tại địa phương quy trình ủ lên men thức ăn xanh của cô Hiếu đã thành công, việc áp dụng vào thực tế đã thu được những kết quả khả quan.
Với những người nông dân ứng dụng đề tài của cô Hiếu, dù giá lợn thấp nhưng với nguồn thực phẩm sạch, việc bao tiêu sản phẩm không hề gặp khó khăn.
Các sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Nhờ những kết quả từ thực tế này, cô giáo Hiếu và học trò của mình đã đạt giải ba toàn tỉnh Phú Thọ về nghiên cứu khoa học.
Nói về công trình hợp sức của cô và trò, cô giáo Hiếu cho biết:“Dù chỉ đạt giải 3 cấp tỉnh nhưng điều vui nhất của hai cô trò là việc ứng dụng ra thực tế có hiệu quả tốt.
Với nguồn nguyên liệu sạch, người nông dân sẽ cho ra nguồn thực phẩm sạch mà chi phi không tốn hơn so với việc cho ăn cám công nghiệp”.
Không chỉ trăn trở với những đề tài nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao, phương pháp giảng dạy xuất phát từ thực tế cuộc sống của cô giáo Trần Thiện Hiếu đã khiến các em học sinh thích thú và say mê học tập.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã trao đổi với em Vũ Thị Kiều Trang, học sinh lớp 12A1, học sinh của cô giáo Trần Thiện Hiếu vừa đạt giải nhất trong cuộc thi học sinh giỏi toàn tỉnh Phú Thọ về phương pháp giảng dạy từ thức tế của cô Hiếu.
Kiều Trang cho biết, các bài học của cô giáo Hiếu luôn có sự gắn liền với thực tế cuộc sống nên chúng em dễ hình dung, dễ phát huy khi học tập.
Dù học tập tại một ngôi trường miền núi, nhưng Kiều Trang cho biết, khi đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh em rất tự tin bởi cách truyền tải phần lý thuyết của cô giáo Hiếu giúp chúng em dễ nhớ dễ hiểu, các bài tập cũng có ứng dụng cao.
Nói về bí quyết học tốt môn sinh học, Kiều Trang cho biết: “Em nghĩ không chỉ sinh học, với bất kỳ môn học nào muốn học tốt thì trước tiên phải có niềm đam mê.
Việc được giao lưu và nghe những kinh nghiệm nghiên cứu khoa học từ Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giúp các em học sinh trường Thanh Sơn quyết tâm hơn trong việc chọn nghề, chọn trường (Ảnh: Lại Cường) |
Với môn Sinh học, theo em đây là một môn gắn liều với cuộc sống hàng ngày nên chỉ cần để ý một chút, không cần phải ngày nào cũng chăm chăm cầm sách, các bạn vẫn có thể học được”.
Kiều Trang cho biết, trong bài thi môn Sinh học, nhiều câu hỏi liên quan đến thực tiễn cuộc sống như quá trình trao đổi chất, lượng vitamin trong các món ăn… nhờ cách dạy kết hợp giữa lý thuyết và thực hành của cô giáo Trần Thiện Hiếu nên em tiếp nhận và giải quyết các vấn đề trong bài thi rất nhanh.
Với riêng em, môn Sinh còn giúp em thấy cuộc sống thú vị hơn rất nhiều bởi cảm giác được hiểu và khám phá sâu hơn về cuộc sống quanh mình.
Nói về tương lai, Kiều Trang nhờ sự tư vấn, em đã chọn cho mình 2 chuyên ngành mang tính ứng dụng thực tế trong cuộc sống là công nghệ sinh học và công nghệ hóa dược.
Kiều Trang hi vọng những kiến thức từ những chuyên ngành em đã chọn có thể ứng dụng ngay tại trên quê hương Thanh Sơn của mình.
Đặc biệt, sau khi nghe Giáo sư, nhà giáo Nguyễn Lân Dũng thuyết trình về khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, Kiều Trang càng tin tưởng hơn chuyên ngành mà mình đã lựa chọn.
Không dừng lại ở giải 3 nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông, cô giáo Trần Thiện Hiếu cũng cho biết, bên cạnh việc giảng day, cô giáo còn trăn trở rất nhiều đề tài khoa học mang tính ứng dụng cho người nông dân.
Với các kiến thức trong trường phổ thông trung học nếu biết ứng dụng tốt vẫn có thể góp phần giúp người nông dân xóa đói giảm nghèo ngay tại trên quê hương mình. Cô Hiếu cho biết.