Cô học trò nhỏ vươn lên từ nỗi đau tột cùng

07/10/2020 10:09
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vẫn biết rằng cuộc đời vốn dĩ không công bằng, nhưng sẽ là quá nghiệt ngã khi lỗi lầm của người lớn đổ xuống một đứa trẻ.

Đã hơn một năm trôi qua, nỗi đau về thể xác có thể dần xóa nhòa nhưng nỗi đau về tinh thần không biết tới bao giờ mới nguôi ngoai trong cuộc đời cô học trò nhỏ Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tây Tiến, Mộc Châu, Sơn La.

Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Hiệu trưởng nhà trường khi kể về hoàn cảnh của em Hà Hải Yến, học sinh lớp 5A2 tại ngôi trường miền cao nơi đây.

Hải Yến sinh ra cũng là lúc cuộc hôn nhân của bố mẹ đổ vỡ, chia ly, từ bé em đã thiếu tình thương của bố. Cũng chính vì thế mẹ em quyết không đi thêm bước nữa mà chỉ làm bạn.

Con người vùng cao vốn dĩ rất đơn giản bởi họ sống với nhau bằng chữ tình, dành sự yêu thương lớn hơn những nhu cầu vật chất đời thường. Người đàn ông ấy trong một cơn ghen tuông mù quáng đã đổ xăng đốt cả gia đình.

Ba người thân là bà ngoại, mẹ và em gái đã vĩnh viễn ra đi, chỉ còn lại Hải Yến sống sót với tỷ lệ bỏng 87%, nhiều thương tật vĩnh viễn không có khả năng phục hồi nữa.

Nỗi đau đớn về thể xác trầm trọng là thế, nhưng có lẽ em sẽ phải dùng cả cuộc đời để quên đi những hình ảnh bản thân phải chứng kiến, đó là sự ra đi của những người thân yêu nhất.

Hải Yến và bạn cùng lớp trong giờ học môn Tin học tại trường. (Ảnh C.K.A)

Hải Yến và bạn cùng lớp trong giờ học môn Tin học tại trường. (Ảnh C.K.A)

Tôi gặp Hải Yến đúng vào lúc em đang học môn Tin học. Vì hai bàn tay cháy bỏng dính hết vào nhau, co quắp lại mà Yến khó sử dụng máy tính và phải ngồi cùng máy với bạn trợ giúp. Khả năng nghe của Hải Yến cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau trận hỏa hoạn ấy, vì vậy mà khi giao tiếp thì các thầy cô và bạn cùng lớp cố gắng sử dụng thêm nhiều hình ảnh, ra hiệu hoặc chữ viết...

Cô Nguyễn Thị Kim Oanh chia sẻ: “Tổn thương do bỏng gây ra cho cơ thể em rất nặng, hơn 87%. Đã có tổ chức hứa sẽ đưa em ra nước ngoài để chữa trị những tổn thương, nhưng chắc vì lý do nào đó mà đến giờ chưa thấy quay lại”.

Cô Oanh kể lại, những ngày đầu quay lại lớp học Hải Yến chỉ ngồi trong lớp mà không ra ngoài, kể cả giờ ra ngoài bắt buộc như chào cờ hay thể dục. Gần như toàn bộ bề mặt da của Yến chằng chịt các vết sẹo lớn, em không muốn gặp người lạ, và ngay cả việc đưa em trở lại trường học cũng là một hành trình không hề dễ dàng.

Thế nhưng, dần dần sự động viên, quan tâm của thầy cô, bà bạn đã giúp Hải Yến bước qua một phần của sự mặc cảm ấy để cố gắng học tập.

Chia sẻ với tôi về những ngày đầu Hải Yến quay trở lại trường, cô Nguyễn Thị Hiền - Giáo viên chủ nhiệm lớp 5A2 tâm sự: “Ban đầu Yến quay trở lại trường thì các bạn rất bất ngờ, cũng có bạn sợ vì gương mặt và phần lớn bề mặt da của Yến bị biến dạng. Các thầy cô phải liên tục động viên cả Hải Yến và các bạn để những đứa trẻ san sẻ tình thương yêu với nhau. Dần rồi các em cũng hiểu và thương Yến nhiều hơn, giúp đỡ Yến và lúc học và những việc khác trong đời sống.

Yến viết chậm do tay bị ảnh hưởng, thế nhưng trong lớp các bạn luôn hỗ trợ em. Bản thân mình cũng thế, mình có con nhỏ và mình thấm thía được nỗi đau của em như nỗi đau của một người mẹ khi nhìn thấy con mình bất hạnh. Thế nên mọi hoạt động của lớp luôn phải siết chặt tình thân mến thân giữa những đứa trẻ, ở đó chúng quý mến và luôn sẵn sàng sẻ chia với nhau cả niềm vui và những nỗi buồn”.

Ngôi trường Tây Tiến là nơi xoa dịu những vết thương trong tâm hồn của cô học trò nhỏ Hải Yến. (Ảnh C.K.A)

Ngôi trường Tây Tiến là nơi xoa dịu những vết thương trong tâm hồn của cô học trò nhỏ Hải Yến. (Ảnh C.K.A)

Hai bàn tay bị co lại vì bị bỏng nặng, Hải Yến vẫn luôn cố gắng tập viết. ảnh: CKA.

Hai bàn tay bị co lại vì bị bỏng nặng, Hải Yến vẫn luôn cố gắng tập viết. ảnh: CKA.

Câu chuyện giữa tôi và cô Hiền chùng xuống khi cô nhắc tới những lần Hải Yến nhớ bà, nhớ mẹ, nhớ em. Yến giờ chỉ còn bác ruột chăm sóc, cũng là người thân duy nhất còn lại của em. Bác chăm sóc em từng miếng ăn, giấc ngủ, tỉ mỉ, chi tiết, nhiều người bảo chăm hơn cả con đẻ của mình - đó là bởi bác mong muốn yêu thương có thể chữa lành tất cả.

Những bài học dù nghe được bập bõm, bàn tay dù không viết được chữ thành thạo nhưng những giờ chào cờ gần đây Hải Yến đã tham gia cùng các bạn. Với em, ngôi trường Tây Tiến có lẽ là nơi an toàn nhất lúc này, là nơi em cảm thấy được tình cảm ấm áp giữa cuộc đời nhiều đắng cay.

Nỗi đau thể xác vốn dĩ đã là quá sức với một đứa trẻ mới ở tuổi thứ 10, nhưng điều mà thầy cô, bạn bè nghĩ tới nhiều hơn và thương Yến nhiều hơn là cả một chặng đường dài sau này, ai sẽ bước tiếp cùng em, chia sẻ với em về những mất mát ấy?

Cuộc đời vốn dĩ không công bằng, nhưng lại quá nghiệt ngã nếu bắt một đứa trẻ chịu nhiều hết mọi đắng cay do lỗi lầm của những người lớn. Vì vậy mà tất cả đều mong những điều may mắn sẽ đến với Yến.

Rời ngôi trường Tây Tiến, tôi luôn mong tới một ngày có thể trở lại để mang niềm vui đến với cô học trò nhỏ bé và mong những tổn thương em đã phải chịu đựng sẽ được xoa dịu bằng những yêu thương.

Nếu có được một điều ước, tôi dành tặng cho Yến, mong em mạnh mẽ, kiên cường như những hoa xương rồng vươn lên trong khô cằn sỏi đá.

Cao Kim Anh