Xung quanh câu chuyện sản phẩm phục vụ Chương trình Sữa học đường Hà Nội bổ sung thêm 17 vitamin và khoáng chất, nhiều quý bạn đọc đặc biệt quan tâm và đã liên hệ với Tòa soạn.
Độc giả đề nghị Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phân tích rõ hơn về các sản phẩm sữa tươi nào được phép sử dụng trong Chương trình Sữa học đường theo Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để đối chiếu với các sản phẩm con em mình đang sử dụng.
Đồng thời cũng có không ít bậc cha mẹ học sinh băn khoăn về cách phân loại các loại sữa dạng lỏng hiện nay trước rất nhiều tên gọi trên thị trường, không biết đâu là sữa tươi và đâu là sữa pha lại từ sữa bột gầy nhập khẩu.
Ảnh minh họa bài viết "Sữa tiệt trùng hết thời nhập nhèm" đăng trên Nhân Dân hằng tháng bản điện tử (nhandan.com.vn) ngày 29/8/2017. |
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin lần lượt cung cấp các thông tin liên quan, ngõ hầu giúp quý bạn đọc có thêm các thông tin chính xác từ những văn bản quy phạm pháp luật để hiểu đúng hơn về các sản phẩm này.
Đặc biệt là các sản phẩm sữa tươi được phép sử dụng trong Chương trình Sữa học đường, thiết nghĩ chỉ có hiểu rõ các khái niệm này mới giữ được một chương trình giàu giá trị nhân văn và thực tiễn, một món quà mà Thủ tướng Chính phủ đã dành tặng trẻ em.
Thủ tướng Chính phủ chọn sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường
Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ ghi rõ:
Ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường đến năm 2020; quy định về nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân phối và sử dụng; quy định về định mức sữa phù hợp với lứa tuổi nhằm đáp ứng các chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường. [1]
Công việc này được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Y tế chủ trì.
Đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành được thông tư chính thức về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, thay vào đó là Quyết định 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 quy định tạm thời về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường.
Theo đó, các sản phẩm sữa tươi thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT đáp ứng các quy định về kỹ thuật và quy định về quản lý của quy chuẩn này được sử dụng trong Chương trình Sữa học đường.
Xin được lưu ý thêm, theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11 ban hành ngày 12/7/2006 và có hiệu lực từ 1/1/2007 [2], quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng.
Nói cách khác, QCVN 5-1:2010/BYT là văn bản quy phạm pháp luật để bắt buộc áp dụng.
Có 4 loại sữa tươi được phép sử dụng cho Chương trình Sữa học đường
QCVN 5-1:2010/BYT được Bộ Y tế ban hành theo Thông tư số 30/2010/TT-BYT ngày 2/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế và có hiệu lực từ 1/1/2011, trong đó quy định có 4 loại sữa tươi. [3]
Một là, sữa tươi nguyên chất thanh trùng:
Sản phẩm được chế biến hoàn toàn từ sữa tươi nguyên liệu, không bổ sung bất kỳ một thành phần nào của sữa hoặc bất cứ thành phần nào khác kể cả phụ gia thực phẩm, đã qua thanh trùng.
Hai là, sữa tươi thanh trùng:
Sản phẩm được chế biến chủ yếu từ sữa tươi nguyên liệu, không bổ sung bất kỳ một thành phần nào của sữa, có thể bổ sung đường và các loại nguyên liệu khác ví dụ như nước quả, cacao, cà phê, phụ gia thực phẩm, đã qua thanh trùng.
Ba là, sữa tươi nguyên chất tiệt trùng:
Sản phẩm được chế biến hoàn toàn từ sữa tươi nguyên liệu, không bổ sung bất kỳ một thành phần nào của sữa hoặc bất cứ thành phần nào khác kể cả phụ gia thực phẩm, đã qua tiệt trùng.
Bốn là, sữa tươi tiệt trùng:
Sản phẩm được chế biến chủ yếu từ sữa tươi nguyên liệu, không bổ sung bất kỳ một thành phần nào của sữa, có thể bổ sung đường và các loại nguyên liệu khác ví dụ như nước quả, cacao, cà phê, phụ gia thực phẩm, đã qua tiệt trùng.
Học sinh Hà Nội đang uống thực phẩm chức năng mà cứ ngỡ Sữa học đường? |
Trên đây là tên gọi và khái niệm 4 loại sữa tươi theo QCVN 5-1:2010/BYT được phép sử dụng cho Chương trình Sữa học đường theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Sữa tươi nguyên liệu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
Năm 2017, Bộ này đã ban hành Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa tươi nguyên liệu, cũng là một văn bản để bắt buộc áp dụng theo Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Có thể nói, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quy định chặt chẽ về sản phẩm sữa tươi, sữa tươi nguyên liệu cho Chương trình Sữa học đường.
Mọi sản phẩm không phải 1 trong 4 loại sữa tươi này đưa vào Chương trình, là chưa đúng quy định.
Trong bài viết tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp các thông tin, khái niệm pháp lý liên quan đến "bổ sung vi chất" vào sản phẩm đang đưa vào Chương trình Sữa học đường hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=1&mode=detail&document_id=185450
[2]https://mic.gov.vn/Pages/VanBan/9205/68_2006_QH11.html
[3]http://www.vfa.gov.vn/van-ban/quy-dinh-tam-thoi-doi-voi-san-pham-sua-tuoi-phuc-vu-chuong-trinh-sua-hoc-duong-cai-thien-tinh-trang-dinh-duong-gop-phan-nang-cao-tam-voc-tre-em-mau-giao-va-tieu-hoc-den-nam-2020.html
[3]http://www.fsi.org.vn/van-ban-phap-ly/1021_2988/qcvn-5-1-2010byt-quy-chuan-ky-thuat-quoc-gia-doi-voi-cac-san-pham-sua-dang-long.html