LTS: Bài viết này là của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc, ông nêu ra vấn đề mà theo ông thì ở trường nào cũng có.
Tên trường và học trò đã được thay đổi, nhưng đều là câu chuyện có thật.
Tòa soạn mong nhận được ý kiến đóng góp của độc giả với góc nhìn này của thầy Ngọc.
Em H. là học sinh cá biệt của lớp 12 của một trường THPT, thường xuyên vi phạm nội quy Nhà trường: tác phong lôi thôi, không học bài, trong lớp hay đùa nghịch, gây mất trật tự, hút thuốc lá, nghỉ học không có lý do, chơi bời, giao du với những thanh thiếu niên xấu bên ngoài…
Vào năm học được 2 tháng, thì H. nghỉ học luôn. Sau đó, H. thường hay nhắn tin, gọi điện thoại đến cô giáo chủ nhiệm với lời lẽ, thái độ trêu chọc, tức giận, trách móc, thậm chí xúc phạm cô giáo. Hành vi “khủng bố” cô giáo chủ nhiệm như thế của học sinh H. là không thể chấp nhận được.
Học sinh cá biệt |
Qua tìm hiểu sự việc đó, chúng tôi vỡ lẽ ra rằng, nguyên nhân dẫn đến phản ứng tiêu cực của em H. là ở nhận thức, trách nhiệm, cách giáo dục học sinh cá biệt của cô giáo chủ nhiệm chưa thật đầy đủ, không muốn nói là phản giáo dục.
Biết H. là học sinh cá biệt, khó dạy bảo, vì sợ ảnh hưởng đến thi đua của lớp, của bản thân mình, vì sợ vất vả, nhọc nhằn trong công tác giáo dục chủ nhiệm, nên cô giáo chủ nhiệm đã không động viên, khuyên nhủ mà chủ động, tìm cách dồn ép, gây áp lực, hù dọa phụ huynh, học sinh H. buộc phải bỏ học.
Sau khi đẩy được em H., học sinh cá biệt ra khỏi trường, cô giáo chủ nhiệm này rất vui mừng, phấn khởi và còn nói với nhiều đồng nghiệp trong trường rằng: "Học sinh đó nghỉ học, lớp tôi thoát một gánh nợ, từ nay khỏe re.” Một số giáo viên khác hùa theo: "Đẩy nó đi cho khỏe mình”.
Một phụ huynh ở thành phố Hồ Chí Minh, là chỗ thân quen với gia đình tôi, từng kể: “Lớp con tôi có vài học sinh quậy, học hành bê trễ và luôn khiến giáo viên than phiền.
Nhận thấy với sức học tập của các em thì không thể tốt nghiệp được, giáo viên chủ nhiệm đã mời phụ huynh của các em học sinh ấy họp, gọi là “chuyển đến môi trường phù hợp hơn với khả năng của các em”, “không làm liên lụy đến các học sinh khác”, thật ra chính là “vận động chuyển trường” để giữ vững thành tích cho trường, cho lớp mình.”
Một trường hợp khác, trường K., trước đây vốn là trường bán công, chất lượng đầu vào thấp, diện học sinh chưa ngoan, cá biệt tương đối nhiều, công tác giáo dục 2 mặt rất vất vả.
Giáo viên tốt, hiếm khi bị học trò hành hung, xúc phạm(GDVN) - Giáo viên giảng dạy tốt, có phương pháp sư phạm, cách ứng xử linh loạt với từng đối tượng sinh viên, học sinh, hiếm khi lâm vào tình cảnh bị học sinh xúc phạm. |
Nhờ có nhận thức đúng, trách nhiệm cao của đội ngũ thầy cô giáo trường này nên đã cảm hóa, giáo dục thành công nhiều em vốn là học sinh cá biệt.
Biết tiếng trường K. giáo dục tốt diện học sinh hư hỏng, cá biệt, nhiều trường công lập trong huyện, tỉnh bất lực trong giáo dục một số học sinh cá biệt và muốn cho trường mình “nhẹ gánh” nên đầu học kỳ 2 hoặc đầu năm học, các thầy cô giáo cùng Ban giám hiệu nhà trường dùng những “chiêu độc” vẽ đường, chỉ lối cho phụ huynh, học sinh cá biệt phải chuyển đến trường K., dù không muốn.
Trường K. trở thành “cái túi” để dung chứa các em học sinh học hành, đạo đức sa sút từ những trường khác thải ra. Thầy cô giáo trường K. than: "Nhiều trường chỉ biết nhẹ, sướng cho mình, đẩy cái khó khăn, phức tạp cho trường khác, yếu thế hơn. Giáo dục gì lạ vậy?”.
Trong thời gian qua, ở các địa phương trong cả nước cũng có không ít trường hợp buộc học sinh nghỉ học, chuyển trường phản giáo dục như vậy.
"Giao chức vụ và có khen thưởng" cho học sinh cá biệt(GDVN) - Cô giáo cho các học sinh bướng bỉnh, lười học.... một nhiệm vụ trong lớp như tổ trưởng, phụ trách ghế, nước cho các bạn, cho tham gia phong trào tại lớp.... |
Phụ huynh, thông tin đại chúng từng phản ứng gay gắt. Lương tâm, trách nhiệm, nghề cao quý nhất của thầy cô giáo, Nhà trường ở đâu mà “làm ăn” kiểu thế?
Học sinh cá biệt thời nào chẳng có. Nhà trường, thầy cô giáo phải chấp nhận thực tế này. Các em rất cần sự giáo dục, nâng đỡ, dìu dắt của thầy cô để vượt qua những phút giây mền yếu, lầm lỡ…
Thầy cô đừng đùn đẩy trách nhiệm cho xã hội, cho người khác, trường khác. Kiên trì, bền bỉ trong giáo dục, cảm hóa các em hư hỏng, cá biệt nên người.
Phụ huynh, học sinh, đất nước này cần những ngôi trường, thầy cô giáo như thế. Để đúng với ý nghĩa tốt đẹp từ phong trào mà ngành giáo dục phát động rộng khắp mấy năm nay: “Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực”.